Giá vàng nhẫn hôm nay 31/3: Mỗi ngày một kỳ tích, mốc 101 triệu chỉ là bản lề?
Giá vàng nhẫn hôm nay tiếp tục tăng mạnh, nhiều thương hiệu niêm yết vượt mốc 101 triệu đồng/lượng. Diễn biến này cho thấy sức nóng chưa hạ nhiệt, khiến giới đầu tư tiếp tục đặt câu hỏi, liệu vàng đã tới đỉnh hay chưa?
Khảo sát tại sáng đầu tuần, giá vàng nhẫn trong nước tiếp tục tăng mạnh, đồng loạt vượt ngưỡng 101 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra tại nhiều thương hiệu lớn.

Tại TP.HCM, vàng nhẫn SJC 99,99% loại 0,5 chỉ và 0,3 chỉ được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 98,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 100,9 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng lần lượt 600.000 đồng và 400.000 đồng/lượng so với phiên trước.
Thương hiệu Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn tròn 999.9 ở mức 99,2 – 101,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), trong đó chiều bán ra tăng tới 800.000 đồng/lượng, vượt ngưỡng 101 triệu đồng.
Giá vàng nhẫn trơn PNJ 999.9 cũng ghi nhận mức tăng mạnh tương tự, hiện giao dịch ở 99,2 triệu đồng/lượng mua vào và 101,5 triệu đồng/lượng bán ra, cùng tăng 800.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
Tại Hà Nội, Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng nhẫn tròn trơn ở mức 99,3 – 101,6 triệu đồng/lượng, với mức tăng lần lượt 400.000 đồng và 700.000 đồng/lượng. AJC và Kim Gia Bảo cũng nâng giá vàng nhẫn lên ngưỡng 101,5 – 101,6 triệu đồng/lượng bán ra.
Riêng Ngọc Thẩm, dù không tăng giá như các thương hiệu khác, vẫn giữ giá mua vào ở 96,1 triệu đồng/lượng và bán ra ở 98,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung thị trường.
Diễn biến trên cho thấy thị trường vàng nhẫn đang sôi động, với tốc độ tăng giá nhanh, vượt đỉnh liên tiếp, tạo thêm sức nóng cho thị trường kim loại quý trong nước.
Bảng giá vàng nhẫn hôm nay

*Lưu ý: Bảng giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, giá có thể thay đổi tùy theo thời điểm cập nhật trong ngày và chưa bao gồm các chi phí phát sinh khác (nếu có)
Ngoài đà tăng của vàng nhẫn, giá vàng miếng SJC sáng 31/3 cũng ghi nhận mức tăng mạnh, được các doanh nghiệp lớn niêm yết quanh mức 99,5 – 101,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng thêm 1,1 triệu đồng ở chiều mua và 800.000 đồng ở chiều bán so với cuối tuần trước.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng mở đầu tuần mới với biến động mạnh. Sau khi tăng vọt lên đỉnh lịch sử 3.097 USD/ounce, kim loại quý nhanh chóng điều chỉnh về 3.080 USD/ounce, rồi hồi phục quanh ngưỡng 3.090 USD/ounce. Mốc 3.100 USD/ounce hiện đang là mục tiêu kỳ vọng của thị trường trong ngắn hạn.
Theo ông David Morrison – chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Trade Nation, giá vàng hiện đã tiến vào vùng quá mua, do đó các nhà đầu tư nên thận trọng với các quyết định giao dịch tại vùng giá này. Việc giá điều chỉnh vừa qua đã nhanh chóng thu hút dòng tiền mua vào, nhưng đà tăng liên tục cũng đồng thời làm gia tăng nguy cơ xảy ra một đợt chốt lời lớn trong thời gian tới.
Nhiều nhà đầu tư vẫn xem vàng là tài sản trú ẩn an toàn hấp dẫn, ngay cả khi giá đã tăng mạnh. Giới phân tích cho rằng cả yếu tố kỹ thuật và cơ bản đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá hiện tại. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất định, cùng với việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đẩy mạnh tái cấu trúc chuỗi thương mại quốc tế, thị trường đang chịu nhiều áp lực không chắc chắn – và đây là môi trường lý tưởng để vàng tiếp tục bứt phá.
Một số chuyên gia nhận định ngưỡng 3.100 USD/ounce có thể đóng vai trò là vùng cản ngắn hạn. Nếu vượt qua, vàng có thể mở ra chu kỳ tăng giá mới. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng điều chỉnh kỹ thuật khi nhà đầu tư chốt lời sau chuỗi tăng nóng.
Trong tuần này, thị trường vàng sẽ chịu tác động từ loạt dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, bao gồm: Chỉ số PMI sản xuất ISM, các chính sách thuế nhập khẩu mới, bảng lương phi nông nghiệp ADP, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và báo cáo việc làm chính thức (Non-farm Payrolls). Những thông tin này sẽ định hướng kỳ vọng của giới đầu tư về lạm phát, chính sách lãi suất và mức độ phục hồi kinh tế Mỹ – qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến giá vàng toàn cầu.
Linh Đan