Giá vàng nhẫn hôm nay 22/5: Chính thức "vào cầu", nhà đầu tư cần hành động ngay?
Giá vàng nhẫn hôm nay tiếp tục tăng mạnh theo sóng vàng thế giới. Nhiều chuyên gia nhận định vàng đã vào chu kỳ tăng bền vững, là thời điểm thích hợp để tích trữ mà không cần lăn tăn.
Giá vàng nhẫn trong nước sáng 22/5 tiếp tục tăng mạnh, nối dài đà phục hồi theo xu hướng chung của thị trường thế giới. Các thương hiệu lớn đồng loạt điều chỉnh giá bán lên mức cao mới, củng cố niềm tin của nhà đầu tư cá nhân vào khả năng vàng đã xác lập xu hướng tăng bền vững.

Tại TP.HCM, vàng nhẫn SJC 99,99% loại 0,3 – 0,5 chỉ được niêm yết ở mức 112,5 – 115,6 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng mỗi chiều so với hôm qua. PNJ cũng điều chỉnh giá vàng nhẫn trơn lên 113 – 115,5 triệu đồng/lượng, mức tăng lên đến 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, cho thấy nhu cầu thu gom đang diễn ra tích cực.
Tại Hà Nội, thương hiệu Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn tròn 999.9 ở mức 112,8 – 115,8 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng mỗi chiều. Bảo Tín Minh Châu cũng ghi nhận mức tăng tương tự, đưa giá mua – bán nhẫn tròn trơn lên 114,8 – 117,8 triệu đồng/lượng. Các thương hiệu như AJC, Kim Gia Bảo, Ngọc Thẩm… đồng loạt tăng giá từ 300.000 – 1.000.000 đồng/lượng, củng cố mặt bằng giá mới sau giai đoạn giằng co.
Bảng giá vàng nhẫn hôm nay

Không chỉ vàng nhẫn, giá vàng miếng trong nước sáng nay cũng ghi nhận bước nhảy mạnh mẽ. DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 119,3 – 121,3 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng tới 1,3 triệu đồng ở chiều mua và 800.000 đồng ở chiều bán so với phiên trước. Chênh lệch hai chiều mua – bán được thu hẹp còn 2 triệu đồng/lượng, cho thấy thanh khoản đang cải thiện.
Diễn biến sôi động trên thị trường nội địa chủ yếu theo sau sóng tăng từ quốc tế. Trên sàn Kitco, giá vàng giao ngay sáng 22/5 đạt 3.336,09 USD/ounce, tăng hơn 21 USD trong 24 giờ, nhờ đồng USD suy yếu và triển vọng kinh tế Mỹ kém lạc quan hơn sau khi bị Moody’s hạ tín nhiệm từ Aaa xuống Aa1.
Theo ông Joseph Cavatoni – Chiến lược gia thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), năm 2025 đang chứng kiến làn sóng mua vàng rõ rệt từ cả ngân hàng trung ương và nhà đầu tư cá nhân, khi niềm tin vào tài sản định giá bằng USD suy giảm. WGC cho biết, nhu cầu vàng toàn cầu quý I/2025 đạt 1.206 tấn, cao nhất kể từ năm 2016.
“Bức tranh đầu tư vàng đang ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Việc Moody’s hạ tín nhiệm Mỹ là lời cảnh tỉnh cho thị trường tài chính, và vàng chính là phương án phòng thủ lý tưởng trong giai đoạn này”, ông Cavatoni nhận định. Ông cũng cho biết, chỉ riêng tháng 4, lượng mua vào qua quỹ ETF vàng tại Trung Quốc đã vượt cả quý I ở Bắc Mỹ, phản ánh sự chuyển dịch dòng tiền sang vàng vật chất và tài sản an toàn.
Về dài hạn, Cavatoni cho rằng giá vàng 4.000 USD/ounce là hoàn toàn khả thi, nhất là khi các nước mới nổi vẫn đang gia tăng tích trữ để tiến gần tỷ lệ dự trữ vàng của Mỹ (hiện chiếm 75–80% tổng dự trữ ngoại hối). Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước mới nổi chỉ mới đạt 10–15%.
Với mức tăng liên tục trong nhiều phiên gần đây và lực đỡ mạnh từ thị trường quốc tế, vàng nhẫn đang tái khẳng định vị thế là kênh tích trữ an toàn cho người dân và nhà đầu tư cá nhân. Trong bối cảnh niềm tin với các tài sản tài chính truyền thống lung lay, lạm phát còn tiềm ẩn, rủi ro địa chính trị kéo dài, việc mua vào vàng nhẫn lúc này không còn là cuộc cân não “giữ hay chờ, mà đã bắt đầu nghiêng về “cầm chắc”.