Giá vàng nhẫn hôm nay 14/5: Chênh lệch leo thang, "xả hàng" nhanh còn kịp?
Giá vàng nhẫn hôm nay tiếp tục xu hướng quen thuộc những phiên gần đây, qua đó giữ chênh lệch mua – bán vẫn ở ngưỡng cao. Nhà đầu tư cần cân nhắc khi vàng nhẫn mất dần sức hút so với vàng miếng và giá thế giới.
Giá vàng nhẫn trong nước sáng 14/5 tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm nhẹ ở nhiều thương hiệu lớn, tuy nhiên mức chênh lệch mua – bán vẫn duy trì ở ngưỡng cao, khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trong giao dịch.

Theo khảo sát, giá vàng nhẫn tròn trơn 999.9 tại Bảo Tín Minh Châu (BTMC) đang được niêm yết ở mức 115,5 triệu đồng/lượng mua vào và 118,5 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 500.000 đồng mỗi chiều so với phiên trước.
Tại hệ thống Kim Gia Bảo, giá nhẫn ép vỉ loại 999.9 niêm yết mua vào 116,05 triệu đồng/lượng và bán ra 118,95 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn tròn Phú Quý ở mức 114 – 117 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng nhẫn PNJ giao dịch quanh mức 113 – 115,5 triệu đồng/lượng.
Ngọc Thẩm – đơn vị thường có mức giá thấp nhất thị trường – ghi nhận nhẫn 999.9 mua vào chỉ 107 triệu đồng/lượng, bán ra 109,5 triệu đồng/lượng.
Dù điều chỉnh giảm, giá vàng nhẫn vẫn cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi gần 15 triệu đồng/lượng. Cụ thể, với giá vàng thế giới hiện tại là 3.229,71 USD/ounce (tăng 0,12%), quy đổi theo tỷ giá Vietcombank thì tương đương khoảng 100,38 triệu đồng/lượng.
Bảng giá vàng nhẫn hôm nay

Cùng chiều với vàng nhẫn, giá vàng miếng SJC sáng nay giảm 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua – bán, hiện giao dịch tại mức 118 triệu đồng/lượng (mua vào) và 120 triệu đồng/lượng (bán ra). Mức chênh lệch mua – bán duy trì 2 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá cho thấy, vàng nhẫn – vốn từng là kênh đầu tư thay thế vàng miếng khi chênh lệch bị nới rộng – nay cũng đang mất dần sức hút do mức giãn chênh cao và diễn biến giá thất thường theo từng thương hiệu, khu vực.
Tâm lý thị trường thận trọng giữa lúc thế giới chưa rõ xu hướng
Giá vàng thế giới bật nhẹ sau phiên giảm mạnh đầu tuần, chủ yếu nhờ lực mua bắt đáy và thông tin điều chỉnh chính sách thuế của Mỹ. Tổng thống Donald Trump thông báo áp dụng thuế đồng nhất 10% với hàng hóa nhập khẩu, thay vì mức cao như trước. Gần đây, mức thuế với hàng hóa Trung Quốc tiếp tục được điều chỉnh xuống còn 30%.
Tuy nhiên, thị trường vẫn trong trạng thái giằng co. Các chuyên gia tại TD Securities nhận định, bất chấp việc giá vàng điều chỉnh, nhu cầu đầu tư vào vàng vẫn ở mức cao khi các quỹ ETF tại phương Tây và châu Á tiếp tục gom hàng. Điều này phản ánh dòng vốn phòng thủ vẫn đang tìm đến kim loại quý.
Jeffrey Roach, Kinh tế trưởng tại LPL Financial, đánh giá: "Dù tâm lý thị trường có cải thiện, nhưng các yếu tố bất định vẫn bao trùm. Những thỏa thuận thương mại mang tính tạm thời khiến FED gặp khó trong việc đưa ra định hướng chính sách, nhất là khi nguy cơ suy thoái vẫn lẩn khuất".
Bart Melek, chuyên gia tại TD Securities, cảnh báo rằng mức thuế hiện tại dù giảm vẫn gây áp lực lên tăng trưởng toàn cầu. Trong khi đó, Carlo Alberto De Casa (Swissquote) cho rằng sự bất ổn chính sách vẫn là rủi ro lớn nhất đối với thị trường tài chính.
Vàng nhẫn – “chạy trước” vàng miếng, nhưng chưa hẳn là nơi trú ẩn an toàn
Trong bối cảnh vàng miếng chịu sự điều tiết từ cơ quan quản lý, vàng nhẫn từng được xem là “cửa thoát” cho dòng tiền trú ẩn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức chênh lệch mua – bán quá cao, sự phân hóa mạnh giữa các thương hiệu và giá trị quy đổi thấp hơn vàng miếng khiến vàng nhẫn mất dần lợi thế.
Không ít nhà đầu tư cá nhân “lướt sóng” vàng nhẫn phải chấp nhận mức lỗ lớn chỉ sau vài ngày mua vào, khi giá điều chỉnh mạnh nhưng chênh lệch vẫn neo cao. Trong ngắn hạn, yếu tố đầu cơ vẫn chi phối mạnh, và vàng nhẫn dường như chỉ thích hợp với người có tầm nhìn dài hạn hoặc nhu cầu tích trữ thực sự.