Giá vàng leo đỉnh, lãi hay lỗ chỉ cách nhau một chữ "hiểu"
Giá vàng tăng vọt sát đỉnh lịch sử, nhiều người lãi lớn nhưng không ít nhà đầu tư vẫn ôm lỗ vì chưa hiểu rõ các loại vàng và cách mua bán hiệu quả.
Vàng SJC: “Vua” của thị trường vàng miếng
Giữa lúc giá vàng đang tăng mạnh, hiện giá vàng miếng SJC chỉ còn cách mức đỉnh lịch sử (124 triệu đồng/lượng) khoảng 3 triệu đồng mỗi lượng, nhiều người đổ xô đi mua vàng như một cách “trú ẩn an toàn”.

Thời gian vừa qua, khi giá vàng tăng cao đã giúp nhiều người lãi lớn nhờ thói quen tích trữ vàng, tuy nhiên vẫn có nhưng người thua lỗ vì chưa hiểu biết về các loại vàng, mua nhầm vàng không dùng để tích trữ.
Có thể thấy, không phải loại vàng nào cũng giống nhau. Có người mua vàng để đầu tư lâu dài, có người lại vô tình chọn phải loại khó bán lại, chênh lệch giá cao mà không hề hay biết. Phân biệt rõ vàng SJC, vàng nhẫn tròn 9999, và vàng trang sức là bước đầu tiên giúp nhà đầu tư không vấp phải sai lầm tốn kém.
Nhắc đến đầu tư vàng tại Việt Nam, không thể bỏ qua cái tên SJC – thương hiệu vàng miếng do Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn phát hành. Mỗi miếng vàng SJC đều có hình rồng đặc trưng, đi kèm tem niêm phong và mã vạch chống giả. Nhờ thương hiệu mạnh và sự công nhận rộng rãi, vàng SJC được các cửa hàng thu mua với mức giá cao và nhanh chóng.
Tuy nhiên, chính vì “uy tín” đó mà giá vàng SJC thường cao hơn các loại vàng khác 2–3 triệu đồng/lượng. Đồng thời, biên độ chênh lệch giữa giá mua – giá bán có thể lên tới vài triệu đồng, khiến những ai đầu tư ngắn hạn dễ gặp rủi ro nếu giá vàng điều chỉnh.
Vàng nhẫn tròn 9999: Chất vàng tương đương, giá “mềm” hơn
Vàng nhẫn tròn trơn thường được chế tác từ vàng 9999 (24K, hàm lượng vàng tinh khiết 99,99%). Loại vàng này không có logo thương hiệu lớn như SJC, nhưng chất lượng vàng gần như tương đương. Giá mua rẻ hơn SJC từ 1,5–3 triệu đồng/lượng và cũng dễ mua bán tại các tiệm vàng.
Nhược điểm của vàng nhẫn là khó bán lại được giá cao nếu không rõ nguồn gốc hoặc thương hiệu không phổ biến. Ngoài ra, vì không có niêm phong, người mua nên cẩn trọng hơn để tránh mua nhẫn cũ, trầy xước hoặc đã qua sử dụng.
Vàng trang sức: Đẹp nhưng không dành cho đầu tư
Khác với hai loại trên, vàng trang sức thường được chế tác từ vàng 18K (75% vàng), 14K hoặc thậm chí thấp hơn. Mục đích chính là thẩm mỹ, với nhiều mẫu mã, kiểu dáng đẹp. Nhưng đi kèm với vẻ ngoài bóng bẩy là một sự thật đầu tư không mấy dễ chịu: vàng trang sức rất khó bán lại với giá tốt.
Khi bán, người mua thường bị trừ công chế tác (giao động vài trăm nghìn đến cả triệu đồng), thậm chí bị ép giá vì tỷ lệ vàng thấp. Nếu không có nhu cầu làm đẹp hay tặng biếu, vàng trang sức không phải lựa chọn phù hợp để tích trữ hay đầu tư.
So sánh nhanh các loại vàng
Tiêu chí | Vàng SJC | Vàng nhẫn 9999 | Vàng trang sức |
Hàm lượng vàng | 99,99% (24K) | 99,99% (24K) | 75% (18K), 58% (14K),… tùy loại |
Mức giá hiện nay | Thường là cao nhất | Thấp hơn vàng miếng SJC đôi chút | Tùy kiểu dáng + công chế tác |
Thanh khoản | Rất cao, dễ bán lại | Cao, nhưng tùy thương hiệu | Thấp, bị trừ công và ép giá |
Mục đích phù hợp | Đầu tư, tích trữ dài hạn | Đầu tư trung – dài hạn | Làm đẹp, tặng biếu, không nên đầu tư |
Nên mua loại vàng nào?
Nếu bạn muốn tích trữ dài hạn, ưu tiên an toàn và dễ bán, hãy chọn vàng SJC. Giá cao, nhưng ít rủi ro khi cần thanh khoản.
Nếu bạn cần tiết kiệm hơn nhưng vẫn muốn đầu tư nghiêm túc, vàng nhẫn tròn 9999 là lựa chọn hợp lý – nhất là khi mua ở cửa hàng lớn, thương hiệu uy tín.
Còn nếu mục đích của bạn là làm đẹp, quà tặng hay chỉ đơn thuần thích đeo vàng, thì vàng trang sức có thể đáp ứng, nhưng không nên xem đây là một khoản đầu tư sinh lời.
Một vài mẹo nhỏ khi mua vàng
Luôn kiểm tra hóa đơn, niêm phong và trọng lượng thực tế. Đừng vì đẹp mà quên yếu tố giá trị.
So sánh giá tại nhiều cửa hàng trước khi quyết định mua.
Đừng đầu tư toàn bộ tài sản vào vàng, hãy phân bổ hợp lý theo khẩu vị rủi ro của bạn.