Giá vàng hôm nay 4/4/2025: Thị trường vàng chao đảo sau chính sách thuế mới từ Mỹ
Giá vàng biến động dữ dội trong phiên giao dịch ngày 3/4, có thời điểm kim loại quý đã leo lên mức kỷ lục hơn 102 triệu đồng/lượng, tuy nhiên sau đó đã hạ nhiệt.
Giá vàng trong nước
Sau phiên giảm nhiệt ngày 2/4, thị trường vàng trong nước đã ghi nhận sự phục hồi rõ rệt trong phiên giao dịch ngày 3/4/2025. Đà tăng trải rộng ở cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn, với mức điều chỉnh từ 300.000 đến 800.000 đồng mỗi lượng tùy từng thương hiệu và chủng loại, theo đó lại tiếp tục đưa kim loại quý chinh phục một đỉnh cao mới.

Cụ thể, có thời điểm trong phiên giao dịch ngày 3/4, giá vàng miếng SJC đã tăng vọt lên mức 100,1 – 102,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tướng ứng mức tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Điều này được cho là phản ứng của thị trường trước việc Tổng thống Mỹ áp thuế đối ứng từ Việt Nam lên tới 46%.
Dù vậy, giá vàng đã hạ nhiệt nay sau đó, tuy nhiên vẫn cao hơn mức giá chốt phiên trước đó. Cụ thể, tính đến thời điểm chốt phiên ngày 3/4, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), vàng miếng SJC được điều chỉnh tăng 400.000 đồng ở cả hai chiều, lên mức 99,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 102,2 triệu đồng/lượng (bán ra). Vàng nhẫn SJC cũng ghi nhận mức tăng 500.000 đồng, hiện mua vào ở 99,4 triệu và bán ra ở 102 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI duy trì mức giá mua vào vàng nhẫn Hưng Thịnh Vượng ở 98,7 triệu đồng/lượng, nhưng bất ngờ đẩy giá bán ra lên 102,2 triệu đồng – tăng tới 800.000 đồng chỉ sau một ngày. Vàng miếng SJC của thương hiệu này cũng tăng 400.000 đồng/lượng.
Tại hệ thống PNJ, cả vàng miếng và vàng nhẫn tròn 999.9 đều tăng 400.000 đồng ở cả hai chiều giao dịch, đạt ngưỡng 99,5 – 102,2 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Phú Quý điều chỉnh nhẹ hơn, với mức tăng từ 300.000 – 600.000 đồng/lượng tùy loại. Đáng chú ý, vàng nhẫn Phú Quý có giá bán ra cao nhất thị trường trong ngày, chạm mốc 102,3 triệu đồng/lượng.
Bảo Tín Minh Châu là thương hiệu duy nhất điều chỉnh giảm nhẹ giá mua vào vàng miếng (từ 99,1 xuống 99 triệu đồng/lượng), song vẫn giữ đà tăng giá bán ở mức phổ biến 102,2 triệu đồng. Riêng dòng vàng nhẫn Rồng Thăng Long tăng 500.000 đồng ở chiều bán, lên 102,3 triệu đồng/lượng – ngang bằng mức đỉnh tại Phú Quý.
Tổng hợp giá vàng trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 3/4/2025:
Thương hiệu | Loại vàng | Giá mua vào (triệu đồng/lượng) | Giá bán ra (triệu đồng/lượng) |
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) | Vàng miếng SJC | 99,5 | 102,2 |
Vàng nhẫn SJC | 99,4 | 102 | |
Tập đoàn DOJI | Vàng miếng SJC | 99,5 | 102,2 |
Nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng) | 98,7 | 102,2 | |
Hệ thống PNJ | Vàng miếng SJC | 99,5 | 102,2 |
Vàng nhẫn trơn PNJ 999.9 | 99,5 | 102,2 | |
Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý | Vàng miếng SJC | 99 | 102,2 |
Vàng nhẫn tròn Phú Quý 999.9 | 99 | 102,3 | |
Bảo Tín Minh Châu | Vàng miếng SJC | 99 | 102,2 |
Vàng nhẫn thương hiệu Rồng Thăng Long | 99,1 | 102,3 |
Giá vàng quốc tế
Sau nhiều phiên liên tiếp lập đỉnh, giá vàng thế giới trong ngày 3/4 đã bất ngờ quay đầu giảm mạnh, khi lực chốt lời gia tăng trên diện rộng giữa bối cảnh thị trường toàn cầu rơi vào trạng thái bất ổn. Cập nhật tại thời điểm 3h15 theo giờ Hà Nội, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế được ghi nhận ở mức 3.108,98 USD/ounce, giảm 17,07 USD trong vòng 24 giờ vừa qua.
Diễn biến giá vàng trong ngày khá bất ngờ khi kim loại quý này sụt tới 30 USD/ounce chỉ trong vòng nửa giờ giao dịch đầu phiên, kéo theo mức giảm trong ngày lên đến hơn 80 USD/ounce. Điều này diễn ra bất chấp tâm lý né tránh rủi ro đang lan rộng trong giới đầu tư, vốn là yếu tố thường giúp vàng giữ được giá.
Theo giới quan sát, làn sóng bán tháo có thể bắt nguồn từ những lo ngại mới liên quan đến tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt sau khi Mỹ công bố chính sách thuế mới áp lên hàng hóa nhập khẩu từ hàng loạt đối tác thương mại chủ chốt. Khi thị trường rơi vào trạng thái thiếu định hướng, không ít nhà đầu tư chọn cách giảm vị thế, bán ra vàng để chốt lời hoặc bổ sung thanh khoản. Tâm lý phổ biến lúc này là “không bán được thứ mình muốn thì đành bán thứ đang có”, khiến vàng – dù là tài sản trú ẩn an toàn – vẫn chịu áp lực điều chỉnh.
Đáng chú ý, trước khi đảo chiều, giá vàng từng vọt lên ngưỡng kỷ lục 3.201,60 USD/ounce, sau đó ổn định quanh mức 3.190,60 USD, nhờ động lực từ đồng USD suy yếu và nhu cầu phòng thủ tăng mạnh. Tuy nhiên, phiên ngày 3/4 đã đánh dấu một bước ngoặt sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ về kế hoạch cải tổ thuế quan toàn diện, áp dụng thuế nhập khẩu ở mức cơ bản 10% đối với mọi quốc gia, cùng với nhiều mức thuế bổ sung riêng biệt: 34% với Trung Quốc, 24% với Nhật Bản, 46% với Việt Nam và 20% với Liên minh châu Âu.
Ngoài ra, thuế nhập khẩu đối với ô tô sản xuất ở nước ngoài cũng được nâng lên mức 25%, có hiệu lực ngay lập tức. Những tuyên bố này đã tạo ra cú sốc tâm lý trên thị trường tài chính, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể xảy ra trong thời gian tới.
Tác động dây chuyền đã lan rộng: các chỉ số chứng khoán từ châu Á đến châu Âu đồng loạt lao dốc, thị trường Mỹ cũng mở cửa ở mức thấp nhất trong nhiều tháng. Chỉ số USD Index tụt mạnh về 101,6 điểm, mất hơn 2% giá trị trong một ngày – mức giảm sâu nhất trong vòng nửa năm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ghi nhận quanh ngưỡng 4,051%, phản ánh sự bất ổn trong tâm lý nhà đầu tư toàn cầu.
Dự báo giá vàng
Với mức giá hiện tại, quy đổi theo tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tương đương khoảng 96,87 triệu đồng/lượng, thấp hơn hơn 5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước. Khoảng cách chênh lệch này cho thấy thị trường nội địa vẫn đang phản ánh kỳ vọng giữ giá hoặc tăng giá trong ngắn hạn.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 20%, đặc biệt là trong hai tuần gần đây khi các chính sách thuế của Mỹ bắt đầu định hình rõ hơn. Các nhà đầu tư lớn, bao gồm ngân hàng trung ương nhiều nước, cũng đã tăng mạnh tỷ trọng nắm giữ vàng như một cách phòng ngừa rủi ro vĩ mô.
Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo giai đoạn hiện tại có thể xuất hiện những điều chỉnh kỹ thuật. Một số yếu tố cần theo dõi bao gồm báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ công bố cuối tuần này, cũng như các tín hiệu tiếp theo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về định hướng lãi suất và chính sách tiền tệ. Nếu số liệu việc làm yếu, khả năng Fed nới lỏng chính sách sẽ tăng, và điều này có thể tiếp tục hỗ trợ giá vàng.
Trong bối cảnh địa chính trị còn nhiều biến động, xung đột lợi ích giữa các nền kinh tế lớn chưa hạ nhiệt, cùng với rủi ro lạm phát quay trở lại, vàng vẫn được xem là kênh trú ẩn tiềm năng. Tuy nhiên, đà tăng liệu có bền vững hay không còn phụ thuộc vào sự ổn định của đồng USD, động thái chính sách từ Fed và phản ứng của thị trường tài chính toàn cầu trong những ngày tới.