Giá vàng hôm nay 12/7/2025: Người mua vàng đầu năm đã lãi cả con Vision
Giá vàng hôm nay tiếp tục nhích nhẹ, nhưng nếu nhìn xa hơn, khoản lãi của người mua đầu năm đủ khiến nhiều nhà đầu tư tiếc nuối vì đã đứng ngoài.
Giá vàng trong nước
Giá vàng trong nước nối tiếp đà tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 11/7. Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 119 – 121 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với phiên trước đó. Mức chênh lệch mua – bán duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn DOJI, Bảo Tín Minh Châu, PNJ… cũng điều chỉnh tương tự, đưa giá vàng miếng SJC lên 119 – 121 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng mỗi chiều.
Riêng Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Phú Quý niêm yết giá mua vào thấp hơn các doanh nghiệp khác, ở mức 118,3 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra vẫn giữ ở 121 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch mua – bán theo đó nới rộng lên 2,7 triệu đồng/lượng.
Đến thời điểm hiện tại, đã gần 3 tháng kể từ ngày giá vàng lập đỉnh kỷ lục 124 triệu đồng/lượng ở chiều bán vào ngày 23/4, tuy nhiên giá vàng đang tỏ ra không có động lực để xác lập một kỷ lục mới. Hiện người mua ở đỉnh 124 triệu đồng/lượng giờ bán ra với giá 119 triệu đồng/lượng đã lỗ tới 5 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, nếu so với thời điểm hồi đầu năm ở mức 82,2 - 84,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), người mua ở thời điểm này giờ bán ra đã có lãi tới 34,8 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 1 chiếc xe Vision, hiếm có kênh đầu tư nào có hiệu suất tốt như vậy.
Với dòng sản phẩm vàng nhẫn, giá cũng tiếp tục xu hướng tăng nhưng có biến động đáng chú ý hơn so với vàng miếng.
Tại DOJI, vàng nhẫn được giao dịch trong khoảng 115,5 – 118,5 triệu đồng/lượng, trong đó giá mua vào tăng 300.000 đồng/lượng, còn giá bán ra tăng tới 1,3 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán nới rộng lên 3 triệu đồng/lượng.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 115,7 – 118,7 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều. Mức chênh lệch giữa hai chiều tại đây cũng lên đến 3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng quốc tế
Giá vàng thế giới ghi nhận đà tăng trong phiên ngày 11/7, khi giới đầu tư phản ứng với các thông báo thuế quan mới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cụ thể, cập nhật trên sàn giao dịch Kitco lúc 2h25 ngày 12/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng đang được giao dịch ở mức 3.357,07 USD/ounce, tăng 39,76 USD so với 24 giờ trước đó, tương ứng mức tăng 1,2%.
Nguyên nhân chính đến từ việc ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 35% đối với hàng nhập khẩu từ Canada, và cảnh báo mức thuế 15–20% có thể áp lên hầu hết các đối tác thương mại khác. Đây là động thái tiếp nối việc áp thuế 50% với đồng và hàng nhập khẩu từ Brazil, cùng các thông báo thuế trước đó với nhiều nước. Tất cả các mức thuế mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8.
Tuy nhiên, đà tăng của vàng đang phần nào bị cản trở bởi diễn biến của đồng USD. Chỉ số USD Index hướng tới tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 2, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn với người mua quốc tế. Việc đồng USD và giá vàng cùng tăng là hiện tượng hiếm thấy và phản ánh rõ sự giằng co tâm lý của thị trường.
Thêm vào đó, giá vàng thế giới hiện vẫn “mắc kẹt” trong vùng 3.300–3.350 USD/ounce, thấp hơn đáng kể so với đỉnh lịch sử gần 3.500 USD/ounce ghi nhận hôm 22/4. Áp lực bán chốt lời sau chu kỳ tăng kéo dài hai năm, cùng triển vọng ổn định tại Trung Đông, cũng là các yếu tố đang gây sức ép lên thị trường kim loại quý.
Dự báo giá vàng
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), giá vàng vẫn có cơ hội tăng trong trung và dài hạn, bất chấp biến động ngắn hạn. Các chuyên gia cho rằng kim loại quý sẽ được hưởng lợi từ thâm hụt ngân sách kỷ lục của Mỹ và các rủi ro tài chính toàn cầu gia tăng.
Mỹ hiện đối mặt với khoản nợ bổ sung lên đến 3.400 tỷ USD trong thập kỷ tới sau khi Dự luật chi tiêu 3B (One Big, Beautiful Bill) được thông qua, nâng tổng nợ công lên 36,2 nghìn tỷ USD. Trần nợ liên bang cũng được nới thêm 5.000 tỷ USD, đặt ra nhiều lo ngại về sức ép lên hệ thống tài chính nếu tăng trưởng kinh tế không đạt kỳ vọng như chính quyền Trump đặt ra.
Ngoài ra, những rủi ro địa chính trị chưa hạ nhiệt, các cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang, và bất ổn nội bộ nước Mỹ – như tuyên bố thành lập đảng chính trị mới của tỷ phú Elon Musk – cũng góp phần làm gia tăng sự bất định trên toàn cầu.
WGC nhận định: “Với sự bất ổn ở khắp mọi nơi, vàng sẽ tiếp tục là nơi trú ẩn an toàn hấp dẫn cho nhà đầu tư. Việc đồng USD suy yếu, lợi suất trái phiếu kho bạc tăng, và sự phân bổ lại vốn toàn cầu đang hỗ trợ đà tăng của kim loại quý”.
Tuy vậy, một số tổ chức cũng cảnh báo khả năng giá vàng giảm tạm thời dưới mốc 3.000 USD/ounce, trước khi có thể quay lại xu hướng tăng vào giai đoạn 2026–2027 – khi các yếu tố nợ công, lạm phát và tăng trưởng chậm dần phát huy tác động rõ rệt.