Giá vàng hôm nay 11/5/2025: Tiến sát đỉnh mới, vàng nhẫn cũng đồng loạt tăng giá
Giá vàng trong nước tiếp tục tăng, vàng miếng SJC áp sát mốc đỉnh mới 122 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn cũng đồng loạt được điều chỉnh lên.
Giá vàng trong nước
Thị trường vàng trong nước sáng ngày 10/5 ghi nhận đà tăng nhẹ ở nhiều thương hiệu. Giá vàng miếng SJC hiện được Tập đoàn DOJI điều chỉnh lên mức 120 - 122 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, tăng thêm 500.000 đồng mỗi lượng so với phiên giao dịch hôm qua.

Cùng thời điểm, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng niêm yết giá mua bán vàng miếng ở mức tương tự, với mức điều chỉnh tăng thêm 500.000 đồng/lượng cho cả hai chiều.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá giao dịch vàng miếng SJC được duy trì trong khoảng 120 - 122 triệu đồng/lượng, cũng tăng thêm nửa triệu đồng mỗi lượng so với phiên liền trước.
Riêng tại hệ thống Phú Quý, giá vàng có mức điều chỉnh mạnh hơn, lên tới 1,3 triệu đồng/lượng cho cả hai chiều mua vào và bán ra. Hiện doanh nghiệp đang giao dịch vàng miếng SJC ở mức 119 - 122 triệu đồng/lượng.
Với dòng sản phẩm vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng, DOJI niêm yết giá mua vào - bán ra ở ngưỡng 114,5 - 117 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 500.000 đồng mỗi lượng so với ngày hôm qua.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn cũng được điều chỉnh lên mức 117 - 120 triệu đồng/lượng, ghi nhận mức tăng tương tự 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều giao dịch.
Giá vàng quốc tế
Kết thúc tuần qua, giá vàng quốc tế ghi nhận mức giao dịch 3.326,15 USD/ounce trên sàn Kitco, nhích thêm 22,15 USD so với phiên liền trước. Dù không còn bứt phá mạnh như giai đoạn trước, giá vàng vẫn giữ được mốc trên 3.300 USD/ounce, dù từng có lúc chạm ngưỡng cao kỷ lục hơn 3.400 USD/ounce hồi đầu tuần.
Theo các chuyên gia, tâm lý thị trường hiện đang có sự chuyển biến, khiến đà tăng của kim loại quý này phần nào chững lại. Một số nhận định cho rằng, sau quãng thời gian bứt phá mạnh mẽ, vàng đang bước vào giai đoạn “nghỉ ngơi” để tái thiết lập mặt bằng giá.
Mặc dù giá vàng điều chỉnh so với đỉnh cao, kim loại quý này vẫn ghi nhận mức tăng hơn 3% so với tuần trước, khi từng giảm sâu về vùng hỗ trợ 3.200 USD/ounce.
Trong ngắn hạn, yếu tố có thể tác động mạnh tới giá vàng là những tín hiệu tích cực xoay quanh khả năng chấm dứt căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Dự kiến, cuộc gặp cấp cao giữa hai bên tại Thụy Sĩ sắp tới có thể làm thay đổi đáng kể cục diện thị trường.
Bên cạnh đó, các lo ngại địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại trên toàn cầu vẫn là những yếu tố hỗ trợ giá vàng. Ông David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, nhận định: “Những bất ổn liên quan đến thuế quan tiếp tục là lực đẩy chính cho giá vàng”. Tuy nhiên, ông cũng khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng, khi thị trường có thể sớm bước vào giai đoạn tích lũy hoặc điều chỉnh giảm sau chuỗi ngày tăng nóng.
Dự báo giá vàng
Nhận định về triển vọng thị trường, ông Michael Brown – chuyên gia phân tích cấp cao tại Pepperstone – cho rằng nếu giá vàng điều chỉnh, đây sẽ là thời điểm tốt để nhà đầu tư xem xét mua vào với tầm nhìn dài hạn. Ông lý giải, trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu còn nhiều bất ổn, vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn được ưa chuộng.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua vàng dự trữ từ các ngân hàng trung ương và quốc gia trên thế giới vẫn ở mức cao, góp phần hỗ trợ giá vàng về lâu dài, bất chấp những biến động từ kết quả đàm phán thương mại quốc tế.
Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến diễn biến giá vàng là lạm phát tại Mỹ. Trong tuần tới, dữ liệu lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ được công bố. Nếu lạm phát tăng mạnh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể buộc phải duy trì lãi suất ở mức cao, tạo sức ép lên nền kinh tế và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái.
Ở chiều ngược lại, lạm phát cao cũng đồng nghĩa với việc lãi suất thực (sau khi trừ lạm phát) giảm, đây lại là yếu tố có lợi cho giá vàng. Với vai trò kênh đầu tư phòng thủ, vàng vẫn giữ được vị thế quan trọng trong danh mục của nhiều nhà đầu tư lớn và các ngân hàng trung ương.
Tại thị trường vàng lớn thứ hai thế giới, nhu cầu mua sắm của người dân Ấn Độ bất ngờ tăng cao trong dịp lễ Akshaya Tritiya – một trong những sự kiện mua vàng lớn nhất trong năm.
Diễn biến này đã khiến giá vàng trong nước tại Ấn Độ lần đầu tiên trong 5 tháng vượt giá vàng thế giới. Đầu tuần, giá vàng trong nước thấp hơn khoảng 24 USD/ounce so với quốc tế, nhưng đến ngày 9/5, mức chênh lệch này đã đảo chiều, vàng trong nước cao hơn khoảng 3 USD/ounce, thậm chí có thời điểm khoảng cách giãn rộng lên tới 80 USD/ounce.
Theo đại diện một doanh nghiệp vàng tại Mumbai, giá vàng thế giới điều chỉnh sâu so với đỉnh lịch sử 3.500 USD/ounce được thiết lập gần đây đã kích thích người dân tranh thủ mua vào. Điều này góp phần làm sôi động trở lại thị trường tiêu thụ vàng lớn thứ hai toàn cầu, bất chấp những biến động về giá trên thị trường quốc tế.