Giá vàng giảm mạnh về mốc 100 triệu đồng/lượng: Tại sao không?
Giá vàng trong nước tăng mạnh sau chuỗi ngày giảm sâu, vượt trở lại mốc 120 triệu đồng/lượng. Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này là, liệu vàng còn khả năng vàng giảm về mốc 100 triệu đồng/lượng hay không?
Giá vàng bất ngờ hồi phục mạnh
Ngày 16/5, giá vàng trong nước tiếp tục có phiên tăng mạnh, trái chiều với xu hướng điều chỉnh trên thị trường quốc tế. Theo khảo sát tại các thương hiệu lớn như SJC, DOJI, Bảo Tín Minh Châu và Phú Quý, giá vàng miếng đã vượt mốc 120 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra – mức cao nhất trong gần một tháng trở lại đây.

Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua – bán vàng miếng ở mức 117,3 – 120 triệu đồng/lượng, tăng tới 1,8 triệu đồng/lượng so với phiên trước. Biên độ chênh lệch giữa hai chiều mua – bán cũng nới rộng lên 2,7 triệu đồng/lượng, phản ánh tâm lý thận trọng và lo ngại trước những biến động mạnh gần đây.
Tập đoàn Phú Quý điều chỉnh giá mua vào lên 116,5 triệu đồng/lượng, bán ra 120 triệu đồng/lượng – tăng lần lượt 2 triệu và 1,8 triệu đồng/lượng. Tương tự, giá vàng miếng tại DOJI, Bảo Tín Minh Châu cũng ghi nhận mức tăng tương đương.
Không chỉ vàng miếng, các sản phẩm vàng nhẫn cũng đồng loạt tăng giá mạnh. Nhẫn tròn trơn Rồng Thăng Long (Bảo Tín Minh Châu) tăng 1 triệu đồng/lượng, lên mức 114,5 – 117,5 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn Phú Quý 999.9 vọt lên 112,5 – 115,5 triệu đồng/lượng, tăng thêm 1,5 triệu đồng.
Đáng chú ý, sản phẩm nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng 9999 tăng tới 2,2 triệu đồng/lượng, giao dịch trong vùng 112 – 115 triệu đồng. Nhẫn SJC 999.9 cũng điều chỉnh tăng tương tự, giao dịch quanh mốc 112 – 115 triệu đồng/lượng. Mức tăng đồng loạt ở cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn cho thấy tâm lý người dân đang quay lại với kênh trú ẩn này, bất chấp mức giá trong nước đang cao hơn thế giới gần 18 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới hiện giao dịch quanh mức 3.219,5 USD/ounce, tăng 68 USD/ounce so với phiên trước. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng quốc tế tương đương khoảng 101,4 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế và phí), thấp hơn giá trong nước từ 17 – 18,6 triệu đồng/lượng. Chênh lệch cao cho thấy thị trường trong nước đang vận hành theo quán tính nội địa, ít chịu tác động tức thời từ giá quốc tế.

Liệu có về mốc 100 triệu đồng/lượng?
Dù giá trong nước tiếp tục leo cao, câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra là liệu vàng có quay đầu giảm và về mốc 100 triệu đồng/lượng hay không?
TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng – nhận định, cuộc đàm phán Mỹ - Trung đang có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro vì chưa có thông tin cụ thể về các điều khoản. Điều này khiến thị trường vàng thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng, còn nhiều biến động khó lường. Theo ông Hiếu, giá vàng có thể giảm nhưng khó tụt sâu về dưới 100 triệu đồng/lượng do nhu cầu trong nước đang tăng và nguồn cung khan hiếm.
Ông Nguyễn Quang Huy, giảng viên Đại học Nguyễn Trãi, cũng cho rằng, khả năng vàng giảm về mốc 100 triệu đồng/lượng là chưa rõ ràng vì giá trong nước thường diễn biến độc lập với quốc tế. “Có những thời điểm vàng thế giới giảm mạnh nhưng giá trong nước vẫn đứng im, thậm chí còn tăng. Chênh lệch giá hiện tại đã chứng minh rõ điều đó”, ông Huy nói.
Trước biến động mạnh, giới chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng và không nên “đuổi giá”. Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, người dân nên chờ những tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường, tránh mua theo tâm lý đám đông khi giá đang ở vùng đỉnh.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, với những ai đang nắm giữ vàng và đã đạt được mức lợi nhuận 20% trở lên trong vòng một năm thì nên cân nhắc bán ra để chốt lời. “Nếu giá vàng đi xuống sau các thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung, những người chốt lời sớm sẽ là người hưởng lợi”, ông nói thêm.