Giá vàng chiều nay 10/4/2025: Tiếp tục bay cao, xô đổ mọi kỷ lục
Giá vàng trong nước hôm nay bật tăng mạnh, tiến lên ngưỡng 104 triệu đồng/lượng, cùng nhịp phục hồi ấn tượng với thị trường chứng khoán sau thông tin Mỹ tạm hoãn áp thuế.
Giá vàng trong nước
Trong phiên giao dịch ngày 10/4, cùng chung không khí bùng nổ của thị trường chứng khoán, giá vàng trong nước cũng đồng loạt tăng vọt, tiến lên mốc 104 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra - mức cao nhất trong lịch sử.

Cụ thể, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện đang được niêm yết ở mức 100,9 – 103,9 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), chênh lệch giữa giá thu mua và bán ra tại các của hàng kinh doanh vàng đang giữ khoảng cách ở mức 3 triệu đồng mỗi lượng.
Các thương hiệu lớn khác như Tập đoàn DOJI, Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Phú Quý hay tại ‘ông lớn’ bán lẻ trang sức PNJ cũng niêm yết giá vàng miếng SJC tương tự như tại SJC, ở mức khoảng 100,9 triệu đồng/lượng chiều thu mua và 103,9 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn có sự phân hóa hơn. Tại DOJI, giá vàng nhẫn tròn 9999 thương hiệu Hưng Thị Vượng đang được niêm yết ở mức 100,4 – 103,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ở mức 101 – 104 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), đây đang là mức giá cao nhất toàn thị trường.
Được biết, ngay sau khi Tổng thống Mỹ thông báo hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày, ngoại trừ Trung Quốc, không riêng thị trường vàng, tất cả kênh đầu tư khác như chứng khoán, tiền mã hoá... đều phản ứng tích cực sau các phiên bán tháo gần đây.
Giá vàng quốc tế
Trên thị trường quốc tế, kim loại quý cũng tăng vọt. Cập nhật tại thời điểm lúc 16h40 ngày 10/4 (theo giờ Việt Nam), giá vàng quốc tế giao ngay trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 3.108,81 USD/Ounce, tăng 26,23 USD trong vòng 24 giờ vừa qua.
Thị trường vàng vừa trải qua một phiên giao dịch đầy khởi sắc, khi giá kim loại quý này bật tăng mạnh mẽ sau thông báo quan trọng từ Tổng thống Donald Trump về việc tạm thời đình chỉ các mức thuế đối ứng. Ngay sau đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Scott Bessent, đã làm rõ rằng phần lớn các quốc gia – ngoại trừ Trung Quốc – sẽ quay trở lại mức thuế cơ bản 10%, thấp hơn đáng kể so với các mức thuế cao được công bố trước đó, vốn đã khiến thị trường toàn cầu rúng động. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý các mức thuế áp dụng cho từng ngành cụ thể vẫn sẽ được giữ nguyên.
Thông tin này nhanh chóng trở thành chất xúc tác làm bùng nổ đà hồi phục của thị trường, sau chuỗi ngày u ám với các đợt bán tháo liên tục. Những lo ngại về chiến tranh thương mại trước đó đã đè nặng lên các loại tài sản trú ẩn, từ cổ phiếu Mỹ đến hàng hóa và kim loại quý, trong đó vàng đã chịu áp lực giảm đáng kể.
Phiên giao dịch tại New York chứng kiến sự tăng giá ngoạn mục của vàng, khi hợp đồng tương lai tháng 6 bật tăng tới 101,50 USD, tương đương 3,39%, lên mức 3.099,80 USD/ounce. Thậm chí, trong phiên, vàng từng chạm đỉnh trong ngày tại mốc 3.118,50 USD. Đây được xem là bước phục hồi đầy ấn tượng, nhất là sau khi vàng đã mất gần 200 USD chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, từ ngày 3 đến 8 tháng 4 – chủ yếu do áp lực từ tâm lý lo ngại căng thẳng Mỹ – Trung leo thang.
Hỗ trợ thêm cho đà tăng của giá vàng là báo cáo tích cực từ Hội đồng Vàng Thế giới. Trong quý I/2025, dòng tiền đổ vào các quỹ ETF vàng đã đạt tới 226,5 tấn, tương đương khoảng 21,1 tỷ USD – mức cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây. Điều này phản ánh niềm tin của nhà đầu tư đối với vai trò trú ẩn an toàn của vàng trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị.
Dù vậy, các chuyên gia phân tích vẫn tỏ ra thận trọng. Theo họ, lệnh tạm hoãn thuế 90 ngày mới chỉ mang lại sự “giảm sốt” nhất thời, trong khi bức tranh dài hạn của chính sách thương mại Mỹ vẫn còn nhiều ẩn số. Giới đầu tư hiện đang theo dõi sát sao các cuộc đàm phán trong giai đoạn tạm ngừng này, đặc biệt là những trao đổi giữa Mỹ với các đối tác thương mại chủ chốt – nơi có thể định hình lại xu hướng lạm phát, hoạt động chuỗi cung ứng và tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.