Giá trị mua lại trái phiếu tháng 5 giảm 67% so với tháng trước, thêm 5 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc và lãi

Cập nhật: 16:28 | 28/05/2024 Theo dõi KTCK trên

Theo MBS Research, tháng 5/2024 (từ 01 - 22/5), tổng giá trị TPDN phát hành thành công giảm 49% với tháng trước, song tăng gấp 3 lần svck. Số lượng doanh nghiệp thông báo chậm trả đã tăng lên trong tháng giữa bối cảnh áp lực trái phiếu đáo hạn tập trung trong quý 2. Lợi suất TPCP kỳ hạn 10N tăng 32% so với đáy đầu năm và đạt mức đỉnh cao nhất trong 6 tháng trở lại đây.

Trong báo cáo thị trường mới công bố, Chứng khoán MB (MSB) cho biết từ ngày 1 đến ngày 22/5, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành thành công ước đạt hơn 10,7 nghìn tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Nhóm ngành ngân hàng tiếp tục tăng huy động qua kênh trái phiếu trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp, với lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng là 4,7% tính đến ngày 21/5. Một số ngân hàng nổi bật như Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phát hành 2 nghìn tỷ đồng với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 4,8%, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam phát hành 1,5 nghìn tỷ đồng với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 4,8%, và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam phát hành 1 nghìn tỷ đồng với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 3,9%.

Giá trị mua lại trái phiếu tháng 5 giảm 67% so với tháng trước, thêm 5 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc và lãi
Danh sách trái phiếu hoàn thành đợt phát hành trong tháng 4 và tháng 5

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị TPDN phát hành đạt hơn 57,1 nghìn tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023. Lãi suất TPDN bình quân gia quyền trong 5 tháng đầu năm ước khoảng 9,3%, cao hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023. Trong đó, nhóm ngành bất động sản vẫn là nhóm có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 25,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm tỷ trọng 44%, lãi suất bình quân gia quyền là 12,3%/năm, kỳ hạn bình quân 2,4 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm Công ty CP Vinhomes (10 nghìn tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup – Công ty CP (10 nghìn tỷ đồng), và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (2,5 nghìn tỷ đồng).

Xếp sau là nhóm ngành ngân hàng với tổng giá trị phát hành đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu ngân hàng là 5,3%/năm, kỳ hạn bình quân là 4,8 năm. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất bao gồm Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (5 nghìn tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (4,5 nghìn tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (3,8 nghìn tỷ đồng).

Trong tháng 5, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 4,2 nghìn tỷ đồng, giảm 67% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 38,4 nghìn tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2023. Dưới áp lực đáo hạn trái phiếu trong quý 2, đặc biệt đè nặng lên các doanh nghiệp bất động sản với khoảng 72 nghìn tỷ đồng TPDN dự kiến đáo hạn.

Trong tháng 5, có thêm 5 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc và lãi, nâng tổng số doanh nghiệp chậm trả lên tới 111, trong đó 4 doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản. Tổng giá trị TPDN chậm thanh toán hiện ước vào khoảng 196,8 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 19% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 70% giá trị chậm trả.

Diễn biến tăng của tỷ giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiềm chế tỷ giá, như phát hành tín phiếu, bán vàng và bán ngoại tệ, dẫn đến thanh khoản hệ thống trở nên căng thẳng. Theo số liệu được NHNN công bố, tính đến ngày 24/5, cơ quan này đã bán ra tổng cộng 48,500 lượng vàng SJC để bình ổn thị trường. Điều này đã khiến các ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt huy động vốn từ nhiều kênh khác nhau, bao gồm vay qua thị trường mở (OMO) với mức lãi suất cao. Lãi suất liên ngân hàng hiện nay cũng đã tiệm cận mức 5%, thiết lập mặt bằng mới trong tháng vừa qua. Bên cạnh đó, việc huy động vốn từ trái phiếu chính phủ (TPCP) tại thị trường thứ cấp tăng lên đã thúc đẩy lợi suất tăng kể từ đầu năm, trong bối cảnh lợi suất vẫn thấp hơn nhiều so với lãi suất thị trường liên ngân hàng.

Nợ phải trả chiếm 73,7% tổng tài sản, CII muốn phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu

Trước thời điểm lên kế hoạch huy động trái phiếu lần này, tính đến cuối quý I/2024, tổng nợ phải trả của CII lên đến ...

Huy động 260 tỷ đồng từ trái phiếu, Xây dựng Vina2 ‘tiêu’ như thế nào?

Phần lớn số tiền thu về từ phát hành trái phiếu được Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (HNX: VC2) đổ vào ...

No Va Thảo Điền báo lỗ 462 tỷ đồng, mới thanh toán được 40% lãi trái phiếu

Để kêu gọi được lượng vốn lớn cho No Va Thảo Điền, Novaland đã phải sử dụng 54 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ...

Tuấn Khải

Tin liên quan