Giá thép hôm nay 7/6/2022: Dứt đà tăng, xuống dưới mức 5.000 nhân dân tệ/tấn

Cập nhật: 11:11 | 07/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Ghi nhận vào lúc 10h50 ngày 7/6 (theo giờ Việt Nam), giá thép hôm nay giao tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm xuống mức 4.759 nhân dân tệ/tấn. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát tiêu thụ 393.000 tấn thép xây dựng, tăng 32% so với mức thấp của tháng trước.

Xu hướng thép Trung Quốc đang dần hồi phục, giá thép trong nước sẽ tăng?

Giá thép hôm nay 23/5/2022: Khởi sắc trong giao dịch đầu tuần

Sản lượng thép đang dần phục hồi

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel) được hãng thông tấn Fars công bố hôm Chủ Nhật (5/6) cho thấy, tổng sản lượng thép tại các nhà máy của Iran trong tháng 4 đã đạt 2,2 triệu tấn, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, sản lượng thép thô của Iran đạt 9,1 triệu tấn, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Iran hiện vẫn là nhà sản xuất thép lớn thứ 10 trên thế giới. Xếp sau là Brazil với sản lượng 2,9 triệu tấn trong tháng 4 và 11,6 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4. Sản lượng thép thô toàn cầu tiếp tục giảm trong tháng 4 do nhà cung cấp lớn nhất Trung Quốc xuất xưởng 92,8 triệu tấn, giảm 5,2% so với cùng tháng năm ngoái.

0745-giathep
Ảnh minh họa

Các số liệu cho thấy, các nhà sản xuất lớn khác, bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Đức cũng đã báo cáo sản lượng thép giảm trong tháng 4. Trong khi đó, nhà cung cấp lớn thứ hai là Ấn Độ, cùng với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến ​​sản lượng gia tăng.

Iran đã báo cáo xuất khẩu thép tăng trong năm dương lịch trước (kết thúc vào tháng 3/2022). Số liệu của chính phủ cho thấy các lô hàng đã tăng gần 20% so với năm trước. Nước này đã chứng kiến ​​một sự tăng trưởng lớn trong lĩnh vực khai thác và kim loại kể từ khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu thô gần 4 năm trước.

Xuất khẩu kim loại chiếm một phần chính trong doanh thu ngoại hối của Iran kể từ năm 2019 khi các lô hàng dầu bắt đầu giảm vì các lệnh trừng phạt của Mỹ, theo Press TV.

Tại thị trường trong nước, giá thép đang quanh mốc 17-18 triệu đồng/tấn. Thị trường thép ghi nhận 4 lần giảm liên tiếp kể từ ngày 11/5. Mức giảm từ 1,1 triệu đồng/tấn đến 1,7 triệu đồng/tấn.

Thép Hòa Phát giảm mạnh giá bán. Cụ thể, với dòng thép cuộn CB240 từ 17.560 xuống mức 17.250 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 hạ 200 đồng có giá 17.710 đồng/kg. Thép Pomina, với dòng thép cuộn CB240 giảm 200 đồng, hiện ở mức 17.810 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 300 đông, có giá 18.220 đồng/kg.

Thép VAS với dòng thép cuộn CB240 giảm 500 đồng, hiện ở mức 16.970 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 điều chỉnhgiảm 400 đồng có giá 17.070 đồng/kg. Thép Tung Ho, với dòng thép cuộn CB240 giảm 400 đồng, có mức giá 17.260 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 400 đồng, hiện có giá 17.360 đồng/kg.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp thép đã tiếp tục hạ giá thép từ ngày 1/6 và là lần giảm thứ 4 liên tiếp trong 3 tuần.

Giá thép Hòa Phát tại miền Bắc giảm 210.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn đối với thép CB240 và D10 CB300, xuống còn 17,25 triệu đồng/tấn và 17,81 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, hai loại trên lần lượt giảm 200.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn xuống còn 17,25 triệu đồng/tấn và 17,71 triệu đồng/tấn.

Với thương hiệu thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 hạ theo thứ tự là 200.000 đồng/tấn và 350.000 đồng/tấn xuống 17,22 triệu đồng/tấn và 17,73 triệu đồng/tấn. Với Việt Đức ở khu vực miền Bắc, CB240 và D10 CB300 sau điều chỉnh còn 17,12 triệu đồng/tấn và 17,78 triệu đồng/tấn, cùng giảm 200.000 đồng/tấn.

Thép Kyoei giảm 200.000 đồng/tấn và 350.000 đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300. Sau thay đổi, giá còn lần lượt là 17,22 triệu đồng/tấn và 17,68 triệu đồng/tấn. Việt Nhật hạ 200.000 đồng/tấn đối với cả CB240 và CB300. Sau khi giảm, giá còn lần lượt là 17,17 triệu đồng/tấn và 17,37 triệu đồng/tấn.

Thép miền Nam cũng cùng mức giảm 200.000 đồng/tấn đối với hai loại thép trên. Từ ngày 1/6, giá CB240 và CB300 còn 17,66 triệu đồng/tấn và 18,07 triệu đồng/tấn. Thép Pomina giảm 210.000 đồng/tấn đối với CB240 và 300.000 đồng/tấn đối với CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại trên còn 18,06 triệu đồng/tấn và 18,27 triệu đồng/tấn.

Tiêu thụ thép xây dựng Hòa Phát tháng 5 hồi phục 31%

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vừa cho biết lượng thép thô sản xuất trong tháng 5 đạt 780.000 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ 2021. Tổng lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 660.000 tấn, tăng 10%.

Riêng bán hàng thép xây dựng đạt 393.000 tấn, tăng 32% so với tháng trước và tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Biểu đồ bên dưới cho thấy: Trước khi hồi phục trong tháng 5, tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát đã giảm sâu trong tháng 4, nguyên nhân là các đại lý vẫn còn tồn kho nhiều.

Trong tháng vừa qua, hoạt động xuất khẩu thép xây dựng đạt 167.000 tấn, gấp hơn hai lần so với cùng kỳ và đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của tập đoàn. Ngoài thép thành phẩm, Hòa Phát cũng cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 63.000 tấn phôi thép.

Với HRC, sản lượng tháng 5 đạt trên 200.000 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ 2021. Thị trường các sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ còn chậm, dẫn đến mức tiêu thụ nguyên liệu thép cuộn cán nóng thấp hơn so với cùng kỳ và tháng 4/2022.

Cụ thể, tiêu thụ ống thép Hòa Phát đạt 51.000 tấn, tăng 17% so với tháng trước nhưng giảm 20% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ tôn mạ tương đương 54% so với cùng kỳ năm ngoái và tháng trước.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 3,6 triệu tấn thép thô, tăng 10% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng và HRC đạt 3,4 triệu tấn, tăng 5%.

Thép xây dựng đóng góp 2 triệu tấn, tăng 26% so với 5 tháng đầu 2021. Trong số này có 631.000 tấn xuất khẩu, gấp hơn hai lần cùng kỳ. Tiêu thụ HRC ghi nhận 1,2 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Hòa Phát còn bán ra trên 300.000 tấn ống thép, 152.000 tấn tôn mạ các loại cho thị trường trong và ngoài nước.

Tập đoàn Hòa Phát hiện có công suất thép thô 8,5 triệu tấn/năm trong đó có 5,5 triệu tấn phôi thép, thép xây dựng và 3 triệu tấn HRC. Hòa Phát giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép. Hòa Phát đang là doanh nghiệp thép lớn nhất Đông Nam Á, tuy nhiên Chủ tịch Trần Đình Long khẳng định Hòa Phát sẽ không bao giờ dừng lại mà tiếp tục mở rộng.

Trong năm 2022, Hòa Phát khởi công dự án Dung Quất 2 với công suất 5,6 triệu tấn thép/mỗi năm. Ban lãnh đạo tập đoàn đã tính đến phương án xây dựng thêm một nhà máy khác sau khi Dung Quất 2 hoàn thành, đồng thời xem xét đầu tư vào tổ hợp sản xuất nhôm ở Đắk Nông.

Linh Linh