Giá thép hôm nay 11/4/2025: Quặng sắt giảm mạnh, thép trong nước giữ giá
Giá thép tại thị trường Việt Nam đang giữ ổn định bất chấp giá thép thế giới lao dốc do áp lực từ chính sách thuế
Giá thép trong nước ổn định
Thị trường thép trong nước ghi nhận diễn biến ổn định trong những ngày gần đây. Tại khu vực miền Bắc, các thương hiệu lớn như Hòa Phát, Việt Đức, VAS và Việt Sing đều giữ nguyên mức giá so với thời điểm đầu tháng.

Cụ thể, Hòa Phát niêm yết thép CB240 ở mức 13.530 đồng/kg, thép D10 CB300 ở mức 13.580 đồng/kg. Việt Đức báo giá lần lượt là 13.430 đồng/kg cho CB240 và 13.740 đồng/kg cho D10 CB300. VAS giữ mức giá 13.400 đồng/kg đối với CB240 và 13.450 đồng/kg với D10 CB300, trong khi Việt Sing đưa ra mức giá 13.330 đồng/kg cho CB240 và 13.530 đồng/kg với D10 CB300.
Tại miền Trung, giá thép Việt Đức CB240 được niêm yết ở mức 13.840 đồng/kg, D10 CB300 là 14.140 đồng/kg. Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, thương hiệu Tung Ho duy trì giá bán ở mức 13.400 đồng/kg cho CB240 và 13.750 đồng/kg cho D10 CB300.
Sự ổn định về giá thép trong nước một phần phản ánh sự chủ động của các doanh nghiệp trước những biến động trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặt bằng giá hiện tại đang chịu áp lực lớn từ thị trường nguyên liệu và tình hình thương mại toàn cầu.
Giá thép thế giới thấp nhất trong 8 năm
Trên thị trường quốc tế, giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn Thượng Hải đang giao dịch quanh mức 3.009 nhân dân tệ/tấn – mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Tương tự, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn Đại Liên cũng ghi nhận mức giảm mạnh, còn 731 nhân dân tệ/tấn. Ngược lại, giá quặng sắt trên Sàn Singapore lại có diễn biến tăng, đạt 94,78 USD/tấn.
Sự phân hóa này phần nào phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về triển vọng thương mại toàn cầu, trong bối cảnh các chính sách thuế mới của Mỹ gây ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại kim loại cơ bản, đặc biệt là với Trung Quốc – một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh tăng thuế ngay lập tức lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên mức 125%, đồng thời tạm hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia khác, đồng thời hạ thuế đối ứng còn 10%. Động thái này có thể tác động mạnh đến chuỗi cung ứng sắt thép toàn cầu, đặc biệt là giá nguyên liệu và chi phí sản xuất tại châu Á.
British Steel trước nguy cơ đóng cửa lò cao
Tại châu Âu, thị trường thép cũng đối mặt với khó khăn. British Steel – nhà sản xuất thép nguyên sinh cuối cùng còn lại tại Anh – đang chuẩn bị tạm ngừng một trong hai lò cao của mình tại nhà máy chính ở Scunthorpe (Lincolnshire) trong tuần này, theo nguồn tin từ Financial Times. Mục tiêu của quyết định này là tiết kiệm nguyên liệu thô trong bối cảnh doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với thua lỗ và chưa đạt được thỏa thuận hỗ trợ từ chính phủ.
Tập đoàn mẹ của British Steel là Jingye Group (Trung Quốc) đã từ chối gói hỗ trợ 500 triệu bảng Anh do chính phủ đề xuất nhằm giúp công ty chuyển đổi sang sản xuất thép thân thiện hơn với môi trường. Hiện tại, chính phủ Anh đang xem xét các phương án khác nhau, bao gồm khả năng quốc hữu hóa để duy trì hoạt động sản xuất và bảo vệ 3.500 việc làm tại khu vực này.
Các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo Jingye và Bộ trưởng Kinh doanh Anh Jonathan Reynolds vẫn đang diễn ra. Một trong những phương án đang được xem xét là nhà nước có thể mua lại nguyên liệu thô thiết yếu như quặng sắt và than luyện cốc, giúp duy trì hoạt động cho lò cao còn lại.