Hàng hóa - Giá cả

Giá sầu riêng hôm nay 18/5: Sầu riêng tăng giá nhẹ, nhưng nỗi lo dư cung và xuất khẩu vẫn treo lơ lửng

Kim Dung 18/05/2025 3:01

Giá sầu riêng 18/5 tăng trở lại ở nhiều phân loại, trong đó Ri6 mẫu thường đạt 60.000 đồng/kg, Thái A tăng 4.000 đồng, dao động 76.000 – 84.000 đồng/kg.

Miền Tây và Đông Nam Bộ: Sầu riêng tăng giá theo từng phân loại

Theo khảo sát tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá sầu riêng ngày 18/5 tăng nhẹ ở nhiều phân loại. Đáng chú ý, sầu riêng Ri6 mẫu thường (loại A) đã tăng lên mức 60.000 đồng/kg, loại VIP đạt 65.000 đồng/kg. Các loại Ri6 thấp hơn như B và C giữ mức lần lượt 38.000 – 44.000 đồng/kg và 25.000 – 28.000 đồng/kg.

sau18.jpg
Giá sầu riêng 18/5 tăng trở lại ở nhiều phân loại, trong đó Ri6 mẫu thường đạt 60.000 đồng/kg

Sầu riêng Thái loại A tăng mạnh nhất trong nhóm, dao động từ 76.000 – 84.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 4.000 đồng/kg so với cuối tuần trước. Thái VIP đạt mức 95.000 đồng/kg, trong khi loại B và C dao động lần lượt 56.000 – 64.000 đồng/kg và 40.000 – 50.000 đồng/kg.

Các giống cao cấp như Musang King, Black Thorn hay Chuồng Bò cũng giữ giá ổn định. Musang King A đang ở mức 125.000 – 130.000 đồng/kg, Black Thorn A là 120.000 – 125.000 đồng/kg. Riêng giống Sáu Hữu vẫn giữ mức phổ biến 70.000 – 75.000 đồng/kg (loại A).

Tại Đông Nam Bộ, mức giá có nhỉnh hơn đôi chút với sầu riêng Thái A đạt 78.000 – 82.000 đồng/kg; Thái VIP giữ giá 90.000 – 95.000 đồng/kg. Ri6 A dao động từ 56.000 – 58.000 đồng/kg, và các loại khác như Ri6 B, C hoặc Thái C không thay đổi nhiều so với đầu tuần.

Giá xuất khẩu giảm sâu, cung vượt cầu – nguy cơ dư thừa diện tích

Dù giá sầu riêng trong nước đang có dấu hiệu phục hồi nhẹ, nhưng thị trường xuất khẩu vẫn gặp khó. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm 14%, riêng sầu riêng chỉ đạt 130 triệu USD – thấp hơn nhiều so với 500 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chính là do sản lượng vượt kiểm soát. Diện tích trồng sầu riêng cả nước hiện đã vượt 160.000 ha, gấp đôi quy hoạch đến năm 2030 (65.000 – 75.000 ha). Việc mở rộng diện tích quá nóng đã khiến nguồn cung vượt cầu, kéo giá xuống và làm sức mua giảm sút.

Thêm vào đó, các lo ngại về chất lượng – như tồn dư chất cấm vàng O và Cadimi – càng khiến xuất khẩu gặp rào cản, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc. Dù hiện tại Việt Nam đã có 9 phòng kiểm định được Trung Quốc công nhận, con số này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, dẫn đến nhiều lô hàng phải quay đầu tại cửa khẩu.

Kiến nghị phát triển bền vững và tăng cường kiểm soát chất lượng

Để tránh “vỡ trận” khi thị trường xuất khẩu không như kỳ vọng, Bộ NN&MT đề xuất hướng đi mới cho ngành sầu riêng: phát triển theo hướng chế biến sâu, đặc biệt là sầu riêng đông lạnh, nhằm tăng giá trị gia tăng và giảm áp lực tiêu thụ tươi.

Ngoài ra, cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý và quy trình cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng chuẩn quốc tế. Việc này không chỉ giúp kiểm soát chất lượng đầu ra mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của trái sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ông Hồ Văn Mừng – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang – nhấn mạnh rằng quy hoạch lại ngành sầu riêng là yêu cầu cấp bách. "Nếu không làm tốt từ gốc, sẽ đến lúc nông dân phải chặt bỏ sầu riêng vì không bán được. Liên kết chặt chẽ giữa địa phương và doanh nghiệp là giải pháp sống còn để tạo đầu ra ổn định,” ông nói.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Giá sầu riêng hôm nay 18/5: Sầu riêng tăng giá nhẹ, nhưng nỗi lo dư cung và xuất khẩu vẫn treo lơ lửng
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO