Giá rớt sâu chưa từng có, một loại nông sản 1kg chưa mua nổi nửa cốc trà đá
Giá sắn tại Việt Nam đang giảm sâu, chạm đáy trong vòng 10 năm trở lại đây. Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc – thị trường lớn nhất – lao dốc cả về giá trị lẫn giá trung bình, đẩy người trồng vào cảnh "được mùa, mất giá".
Theo thống kê của Cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu gần 723.800 tấn sắn và sản phẩm từ sắn, đạt kim ngạch 233,7 triệu USD. Mặc dù lượng xuất khẩu tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị lại giảm tới 19%. Đáng chú ý, giá xuất khẩu sắn bình quân chỉ đạt 327 USD/tấn, giảm sâu tới 28,5% – mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do Trung Quốc – đối tác chiếm tới 94% tổng kim ngạch xuất khẩu sắn của Việt Nam – giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ, trong khi lượng hàng tồn kho tại các cảng Trung Quốc tăng cao. Ngoài ra, giá ngô thế giới thấp hơn khiến các nhà máy Trung Quốc chuyển hướng sử dụng ngô thay vì sắn lát trong chế biến, khiến tình trạng “cung vượt cầu” ngày càng rõ rệt.
Tại Mường Lát (Thanh Hóa), nơi có hơn 3.000 ha diện tích trồng sắn, người dân đang điêu đứng vì không bán được hàng. Sắn sau thu hoạch được đóng bao chất đầy ven đường mà không có thương lái đến thu mua. Có thời điểm, giá sắn chỉ còn 900 đồng/kg, mức giá thấp nhất trong hơn 10 năm.
Chị Lê Thị Hoa, một nông dân tại xã Mường Chanh cho biết: “Tiền bán sắn không đủ trả công thuê nhân công nhổ củ, chưa kể chi phí vận chuyển. Bà con thậm chí phải để sắn héo trong rẫy chứ không dám nhổ.”
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Tây Ninh – một trong những thủ phủ chế biến sắn lớn nhất miền Nam. Giá sắn tươi tại các điểm thu mua dao động từ 1.900 - 2.000 đồng/kg đối với sắn đạt chuẩn 30 điểm. Những loại sắn chất lượng thấp hơn chỉ bán được với giá chưa tới 1.500 đồng/kg.
Giá sắn lát khô cũng không khá hơn, hiện chỉ ở mức 3.600 đồng/kg, thấp hơn gần 30% so với năm ngoái. Thương lái địa phương nhận định đây là chu kỳ giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2015.
Thị trường Trung Quốc 'làm mưa làm gió'
Trung Quốc lâu nay là thị trường chủ lực của ngành sắn Việt Nam, chiếm hơn 90% thị phần. Do đó, bất kỳ biến động nào từ quốc gia tỷ dân này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả và tiêu thụ trong nước.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, thị trường Trung Quốc đã siết chặt tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời giảm nhu cầu từ cuối năm 2023 đến nay. Các doanh nghiệp chế biến sắn Trung Quốc đang giảm quy mô hoạt động do tồn kho lớn, khiến mức giá sắn nhập khẩu từ Việt Nam liên tục bị ép xuống.
Không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu, các nhà máy chế biến sắn trong nước cũng lao đao. Nhiều đơn vị tại Tây Nguyên, Quảng Ngãi, Gia Lai, Tây Ninh đã lên kế hoạch nghỉ sớm, hoặc dừng hoạt động do lượng nguyên liệu tồn kho lớn và không tìm được đầu ra ổn định.
Dù sản lượng năm nay ước tính tăng nhẹ do điều kiện thời tiết thuận lợi, nhưng thu nhập từ cây sắn vẫn không cải thiện. Tại nhiều vùng, nông dân đã mở rộng diện tích tự phát, không ký hợp đồng bao tiêu, dẫn đến cảnh thừa hàng, thiếu đầu ra.
Tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), nhiều hộ trồng sắn cho biết dù năng suất đạt trên 25 tấn/ha nhưng thu nhập sau khi trừ chi phí chỉ đủ… “trang trải qua ngày”. Anh Nguyễn Văn Phúc, một hộ dân tại đây, chia sẻ: “Năm nay nhà tôi thu được gần 30 tấn nhưng bán ra không đủ bù vốn. Nếu giá còn thế này, chắc phải tính đến chuyện bỏ cây sắn.”

Trước tình trạng “thừa hàng, kẹt đầu ra”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, sản lượng sắn cả nước đạt 11,5 - 12,5 triệu tấn, với trên 50% diện tích canh tác áp dụng quy trình hữu cơ, bền vững. Kim ngạch xuất khẩu kỳ vọng đạt 1,8 - 2 tỷ USD/năm.
Giới chuyên gia khuyến cáo ngành sắn Việt Nam cần giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đồng thời mở rộng sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, và EU. Song song đó, việc nâng cao chất lượng giống, kỹ thuật chế biến và chuỗi liên kết tiêu thụ cũng là yếu tố then chốt.