Hàng hóa - Giá cả

Giá lúa gạo hôm nay 21/5: Một phụ phẩm lặng lẽ tăng giá, mở đường sang Trung Quốc

Kim Dung 21/05/2025 3:02

Giá lúa gạo hôm nay 21/5 ổn định tại ĐBSCL, riêng cám gạo tăng thêm 200 đồng/kg. Xuất khẩu cám gạo sang Trung Quốc mở ra cơ hội lớn cho phụ phẩm ngành lúa.

Giá gạo nội địa ổn định, cám gạo tiếp tục tăng mạnh

Ghi nhận tại thị trường Đồng bằng sông Cửu Long trong ngày 21/5 cho thấy mặt bằng giá lúa gạo không biến động nhiều so với hôm qua. Gạo nguyên liệu IR 504 tăng nhẹ 50 đồng/kg, hiện dao động từ 8.250 – 8.350 đồng/kg. Trong khi đó, gạo nguyên liệu CL 555 giữ ổn định trong khoảng 8.600 – 8.800 đồng/kg.

lua21.jpg
Giá lúa gạo hôm nay 21/5 ổn định tại ĐBSCL, riêng cám gạo tăng thêm 200 đồng/kg

Ở nhóm phụ phẩm, tấm OM 5451 vẫn giữ mức giá cũ từ 7.500 – 7.600 đồng/kg. Đáng chú ý, cám gạo tiếp tục đà tăng khi thêm 200 đồng/kg, nâng mức giá lên 7.900 – 8.200 đồng/kg. Đây là lần tăng thứ hai liên tiếp trong vòng 3 ngày qua, phản ánh nhu cầu cao từ thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Việc Việt Nam vừa ký kết Nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu cám gạo và cám gạo chiết ly được xem là bước ngoặt quan trọng, không chỉ mở rộng đầu ra cho sản phẩm phụ này mà còn góp phần ổn định giá tại thị trường nội địa, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ.

Giá lúa tại An Giang ổn định, chưa có tín hiệu tăng mới

Trên địa bàn tỉnh An Giang – vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước, giá thu mua lúa hôm nay không có thay đổi so với hôm qua. Lúa Đài Thơm 8 (tươi) và OM 18 (tươi) tiếp tục duy trì ở mức 6.800 đồng/kg. Các loại lúa chất lượng cao như Nàng Hoa 9 dao động từ 6.650 – 6.750 đồng/kg, trong khi OM 5451 giữ mức 6.000 – 6.200 đồng/kg.

Lúa IR 50404 và OM 380 – hai giống lúa có năng suất cao – vẫn được thương lái thu mua ở mức 5.300 – 5.500 đồng/kg. Giá nếp IR 4625 (tươi) hiện giao dịch trong khoảng 7.700 – 7.900 đồng/kg, còn nếp khô đạt 9.700 – 9.900 đồng/kg. Nhìn chung, thị trường lúa tại An Giang đang trong trạng thái ổn định, chưa xuất hiện tín hiệu tăng giá mới trong ngắn hạn.

Ở kênh bán lẻ, giá gạo thương phẩm tại chợ vẫn đi ngang. Gạo thường dao động từ 13.000 – 15.000 đồng/kg, gạo thơm Jasmine từ 16.000 – 18.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen giữ mức 28.000 đồng/kg, và các loại gạo đặc sản như Hương Lài, Nàng Hoa, gạo Nhật vẫn duy trì mức giá cao từ 20.000 – 22.000 đồng/kg.

Xuất khẩu ổn định, Trung Quốc tiếp tục tăng nhập khẩu gạo Việt

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ ổn định ở mức 397 USD/tấn tính đến ngày 20/5. Mức giá này thấp hơn một chút so với Thái Lan (404 USD/tấn) nhưng lại cao hơn đáng kể so với gạo cùng loại của Ấn Độ và Pakistan – vốn dao động từ 382 – 387 USD/tấn.

Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong tháng 3, quốc gia này đã nhập khẩu 240.000 tấn gạo, tăng mạnh 130.000 tấn so với tháng trước. Tính đến hết quý I/2025, tổng lượng gạo nhập khẩu đạt 520.000 tấn, tăng tới 69,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu nguồn cung với 94.900 tấn – chiếm tỷ trọng cao nhất.

Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu gạo đánh bóng (chiếm 76,02%), gạo tấm (23,97%) và một lượng nhỏ gạo lứt. Tuy nhiên, thị trường này hiện đang trong giai đoạn tiêu thụ thấp điểm, lượng mua vào giảm, tỷ lệ giao dịch qua các sàn đấu giá vẫn ở mức thấp.

Lúa vụ mới tại Trung Quốc đang trong giai đoạn gieo mạ và phát triển, nhưng thời tiết cực đoan như hạn hán ở Quảng Tây hay ngập úng nhẹ tại Cát Lâm có thể ảnh hưởng đến năng suất nếu kéo dài. Trong ngắn hạn, thị trường gạo nội địa Trung Quốc dự kiến vẫn đi ngang, chưa tạo cú hích lớn cho xuất khẩu từ các nước như Việt Nam.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Giá lúa gạo hôm nay 21/5: Một phụ phẩm lặng lẽ tăng giá, mở đường sang Trung Quốc
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO