Giá lúa gạo hôm nay 18/3: Tăng 100 - 600 đồng/kg trên nhiều giống lúa, nếp

Cập nhật: 11:31 | 18/03/2022 Theo dõi KTCK trên

Giá lúa gạo hôm nay 18/3 tăng rải rác tại nhiều giống lúa, nếp được khảo sát. Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ mang lại lợi ích lớn cho người nông dân lẫn môi trường ở vùng sản xuất. Vĩnh Long tiếp tục tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới.

Tại An Giang, giá lúa hôm nay (18/3) điều chỉnh tăng từ 100 đồng/kg đến 600 đồng/kg trên 4 giống lúa được khảo sát. Theo đó, lúa OM 5451 và OM 18 cùng nhích nhẹ 100 đồng/kg, hiện thu mua chung giá 5.700 - 5.800 đồng/kg. Cùng chiều tăng còn có Đài thơm 8 khi tăng 200 đồng/kg lên mức 5.800 - 6.000 đồng/kg. Lúa IR 50404 (khô) tăng nhiều nhất 600 đồng/kg, hiện giao dịch tại mốc 6.600 đồng/kg.

3033-gao1
Hình minh họa.

Các giống lúa còn lại không biến động trong hôm nay. Lúa IR 50404 (tươi) tiếp tục được thu mua trong khoảng 5.600 - 5.800 đồng/kg, Nàng Hoa 9 giao dịch với giá 5.800 - 5.900 đồng/kg, Nàng Nhen (khô) đi ngang với giá 11.500 - 12.000 đồng/kg và OM 380 duy trì ở mức 5.500 - 5.600 đồng/kg.

Giá các loại nếp hôm nay quay đầu tăng 300 - 500 đồng/kg tại một số giống nếp được khảo sát. Cụ thể, nếp vỏ (tươi) tăng 500 đồng/kg, hiện thu mua với giá 5.800 - 5.900 đồng/kg. Tương tự, nếp Long An (tươi) tăng 300 đồng/kg lên khoảng 5.600 - 5.800 đồng/kg. Nếp ruột tiếp tục không có điều chỉnh mới trong hôm nay, thu mua trong khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg.

Tại chợ An Giang, giá gạo hôm nay vẫn giữ nguyên mức giá cũ từ ngày đầu tuần. Gạo thơm Jasmine neo trong khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg, Gạo Sóc thường ở mốc 13.500 - 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài đi ngang khi thu mua với giá 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo nàng Nhen duy trì ở mốc 20.000 đồng/kg, gạo Hương Lài chững lại, giữ mức 19.000 đồng/kg và gạo trắng thông dụng đang có giá 14.000 đồng/kg.

Vĩnh Long phát triển dài hạn nông nghiệp hữu cơ

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp (SXNN) của tỉnh Vĩnh Long phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả tạo ra lượng hàng hóa lớn đảm bảo tiêu dùng, góp phần tham gia vào thị trường xuất khẩu chung của cả nước, theo báo Vĩnh Long.

Thực tế ở Vĩnh Long đã xuất hiện nhiều mô hình sử dụng phân hữu cơ hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ như cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Tiến (ở xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình), mô hình sản xuất gạo hữu cơ thảo dược Tấn Ðạt của HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Ðạt (xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm), mô hình chuỗi giá trị lúa gạo hữu cơ tại HTX nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận (xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm), mô hình trồng cam hữu cơ của HTX nông nghiệp cam sành Organics huyện Trà Ôn.

Ðến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 24 cơ sở sản xuất nông nghiệp - thủy sản và 31 trại. Trong đó có 13 cơ sở sản xuất cây trồng (diện tích hơn 300ha) được chứng nhận tiêu chuẩn GAP và tương đương. Nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP trên cây ăn trái đặc sản được chứng nhận đạt mới hoặc tái chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP hoặc Globalgap.

Ðiển hình là HTX nông nghiệp Làng hữu cơ xã Hiếu Thuận ở ấp Quang Mỹ, xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm. Vào cuối tháng 7/2019, HTX ra đời với 24 thành viên, hoạt động chủ yếu là sản xuất lúa 3 vụ/năm trên diện tích 20ha, đến nay đã lên đến 35ha. Bên cạnh hiệu quả từ sản xuất hữu cơ mang lại (nhất là cải thiện môi trường đồng ruộng ở khu HTX), nhờ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp nên hiệu quả kinh tế tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, SXNN của tỉnh còn nhiều hạn chế: sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng hàng hóa nông sản chưa cao, lợi nhuận còn thấp. Ðể khắc phục những nhược điểm trên, SXNN của tỉnh đang từng bước chuyển dịch sang SXNN an toàn, nông nghiệp hữu cơ (NNHC).

Ngày 3/6/2021, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 1314/QÐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Ðề án phát triển NNHC đến năm 2030 theo hướng giá trị gia tăng cao, bền vững và thân thiện môi trường. Tỉnh xác định kế hoạch này nhằm phục vụ Ðề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về NNHC của Vĩnh Long.

Tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2025 và năm 2030 đạt các mục tiêu: Diện tích đất trồng trọt hữu cơ lần lượt đạt 1% và 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3-1,5 lần và 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Kết quả bước đầu tạo điều kiện cho tỉnh mở rộng loại hình sản xuất này. Xác định động lực để phát triển sản SXNN là tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng và năng suất cao. Do vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiếp tục được tỉnh ưu tiên tập trung đầu tư phát triển trong thời gian tới.

Giá lúa gạo hôm nay 17/3: Tăng - giảm trái chiều ở một số giống lúa, nếp

Giá lúa gạo hôm nay 17/3 biến động trái chiều ở một số giống lúa, nếp được khảo sát. Năng suất lúa Đông Xuân 2021 ...

Giá lúa gạo hôm nay 16/3: Không ghi nhận thay đổi

Giá lúa gạo hôm nay 16/3, đi ngang tại tất cả các giống lúa, gạo, nếp được khảo sát. Tình hình hạn, mặn tại Long ...

Nga Lê