Giá lúa gạo hôm nay 17/3: Tăng - giảm trái chiều ở một số giống lúa, nếp

Cập nhật: 12:02 | 17/03/2022 Theo dõi KTCK trên

Giá lúa gạo hôm nay 17/3 biến động trái chiều ở một số giống lúa, nếp được khảo sát. Năng suất lúa Đông Xuân 2021 – 2022 ước đạt 71,91 tạ/ha, tăng 0,28 tạ/ha so với cùng kỳ, cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Giá lúa gạo hôm nay

Tại An Giang, giá lúa hôm nay (17/3) tăng 200 đồng/kg đối với giống lúa IR 50404 (tươi) và giảm 50 đồng/kg đối với giống lúa OM 18. Hiện thương lái đang thu mua hai loại lúa trên với giá 5.600 - 5.800 đồng/kg.

Trong khi đó, các giống lúa còn lại tiếp tục đi ngang trong hôm nay. Theo đó, lúa Đài thơm 8 đang có giá bán từ 5.700 - 5.800 đồng/kg, IR 50404 (khô) tiếp tục giữ mốc 6.000 đồng/kg, Nàng Hoa 9 hiện thu mua trong khoảng 5.800 - 5.900 đồng/kg, Nàng Nhen (khô) đi ngang với giá 11.500 - 12.000 đồng/kg.

Các giống lúa OM tiếp tục chững giá trên diện rộng. Theo đó, lúa OM 5451 giao dịch trong khoảng 5.600 - 5.800 đồng/kg và OM 380 duy trì ở mức 5.500 - 5.600 đồng/kg.

Giá các loại nếp hôm nay giảm 50 - 100 đồng/kg tại hai trên bốn giống nếp được khảo sát. Cụ thể, nếp vỏ (tươi) giảm 100 đồng/kg, hiện thu mua với giá 5.300 - 5.450 đồng/kg. Tương tự, nếp Long An (tươi) giảm 50 đồng/kg xuống còn 5.300 - 5.450 đồng/kg. Nếp ruột không có điều chỉnh mới, thu mua trong khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg.

Tại chợ An Giang, giá gạo hôm nay tiếp tục đi ngang. Gạo thơm Jasmine đang thu mua trong khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg, Gạo Sóc thường tiếp tục neo ở mốc 13.500 - 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài vẫn ở trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo nàng Nhen duy trì ở mốc 20.000 đồng/kg, gạo Hương Lài đi ngang tại mức 19.000 đồng/kg và gạo trắng thông dụng có giá 14.000 đồng/kg.

0149-gao1
Hình minh họa.

Lúa Đông Xuân đạt năng suất cao nhất trong 20 năm gần đây

Ngày 17/3, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2021 – 2022; triển khai kế hoạch hè thu, thu đông, vụ mùa năm 2022 tại Nam Bộ, theo báo Nông nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, vượt lên những khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2021 ngành nông nghiệp đã giành những thắng lợi nhất định, tăng trưởng xấp xỉ 3%, xuất khẩu nông sản trên 48 tỷ USD. Trong đó, ngành trồng trọt tăng trưởng 2,7%, ngành hàng lúa gạo tại ĐBSCL tăng 1,1 triệu tấn lúa trong khi đó diện tích giảm khoảng 18 nghìn ha.

Năm 2022, trong bối cảnh giá vật tư leo thang, đại dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát tốt, tình hình chiến sự các nước, giá dầu thế giới biến động liên tục,… dự báo sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực thế giới. Đối với vụ Hè Thu, Thu Đông sắp tới, Thứ trưởng cho rằng đây cũng là những vụ quan trọng trong bối cảnh như hiện nay, cần sự phối hợp quyết liệt chỉ đạo của các địa phương để thực hiện thắng lợi, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận xét, vụ Đông Xuân 2021 – 2022 sản xuất nông nghiệp đối mặt với 3 thách thức lớn là đại dịch COVID-19, giá phân bón tăng cao kỷ lục và hạn hán, xâm nhập mặn dự báo nhiều nguy cơ.

Vì vậy, công tác triển khai sản xuất Đông Xuân 2021 - 2022 tại các tỉnh, thành vùng Nam bộ được tiến hành sớm ngay từ tháng 10/2021. Kết quả sản xuất chung trong toàn vùng đạt được những mặt thuận lợi như rà soát thời vụ, mùa vụ kịp thời. Dự đoán những vùng có nguy cơ hạn, mặn và có biện pháp khắc phục.

Vùng ĐBSCL xuống giống 1.505 nghìn ha, giảm 15 nghìn ha. Năng suất ước đạt 72,51 tạ/ha, tăng 0,22 tạ/ha. Sản lượng ước đạt 10.912 nghìn tấn, giảm 75 nghìn tấn. Nhìn chung, tình hình xuống giống vụ đông xuân 2021 - 2022 tại các tỉnh ĐBSCL triển khai thực hiện sớm hơn ở các tỉnh ven biển để né hạn mặn trong mùa khô. Thời tiết thuận lợi hơn giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít. Thời gian lúa trổ gặp thời tiết tương đối thuận lợi giúp thụ phấn và đậu hạt tốt, xâm nhập mặn không gay gắt, nên vẫn đủ nước cung cấp cho cây lúa trong suốt quá trình cây sinh trưởng, phát triển nên cho năng suất cao.

Trong năm 2022, một số tỉnh ĐBSCL đã điều chỉnh giảm diện tích lúa khoảng 14,82 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước và 15,25 nghìn ha so với kế hoạch (Long An 1,88 nghìn ha, Tiền Giang 1 nghìn ha, Vĩnh Long giảm 1 nghìn ha, Đồng Tháp 6,94 nghìn ha, Cần Thơ 1 nghìn ha và 1,5 nghìn ha ở Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau). Diện tích không trồng lúa được chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn.

Theo Cục Trồng trọt, việc xuống giống trong tháng 1/2022 đã được khuyến cáo hạn chế tối đa, trừ một số diện tích phải xuống giống chậm do điều kiện tự nhiên và ảnh hưởng kéo dài của mùa vụ thu đông năm 2021 như Bạc Liêu khoảng 30 nghìn ha, còn lại là diện tích xuống giống không trong khung thời vụ khuyến cáo của Cục Trồng trọt và Sở NN&PTNT như: Long An (86.683 ha); Bến Tre (400 ha), Kiên Giang (khoảng 8.579 ha).

Giá lúa gạo hôm nay 16/3: Không ghi nhận thay đổi

Giá lúa gạo hôm nay 16/3, đi ngang tại tất cả các giống lúa, gạo, nếp được khảo sát. Tình hình hạn, mặn tại Long ...

Giá gạo tăng tại châu Á nhờ nhu cầu cao

Tuần trước, giá gạo của các trung tâm xuất khẩu chính của châu Á đã tăng vọt nhờ nhu cầu cao, trong khi các thương ...

Nga Lê

Tin cũ hơn
Xem thêm