GIA ĐÌNH: Vu Lan báo hiếu – Hiểu về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong đạo Phật

Cập nhật: 16:13 | 24/08/2023 Theo dõi KTCK trên

Theo lời Phật dạy, cha mẹ sinh con cái không phải để thỏa mãn dục tính mà là thể hiện tình thương yêu đối với một phần máu mủ và sự sống của chính mình. Đây được xem là nền tảng ban đầu, là cơ sở phát sinh các mối quan hệ đạo đức xã hội về sau.

GIA ĐÌNH: Vu Lan báo hiếu – Hiểu về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong đạo Phật

Trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái

Nói đến mối quan hệ cha mẹ đối với con cái là nói đến tinh thần trách nhiệm và bổn phận của các bậc cha mẹ đối với một phần máu thịt mà mình đã sinh ra. Đạo Phật đã nhấn mạnh đến đạo đức trong mối quan hệ giới tính của các bậc cha mẹ. Chính do tính chất đạo đức này mà các bậc cha mẹ cảm thấy cần phải có trách nhiệm đạo đức đối với việc nuôi nấng và dạy dỗ cho con cái trưởng thành và có lợi ích cho xã hội. Mối quan hệ của cha mẹ như vậy được xem là nền tảng ban đầu, là cơ sở phát sinh các mối quan hệ đạo đức xã hội về sau. Kinh Thiện Sinh đã đề cập đến mối quan hệ đạo đức của các bậc cha mẹ đối với con cái qua năm tiêu chí căn bản.

Trước hết, thương yêu con cái: Trong trách nhiệm thiêng liêng thứ nhất này, các bậc cha mẹ ngoài việc nuôi nấng con cái về thể chất, còn phải nuôi con cái bằng đạo đức và lòng yêu thương chân chính. Đó chính là thể hiện tinh thần từ bi của Phật tử. Các bậc cha mẹ phải luôn luôn quan tâm, yêu thương con cái hết mực. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ nuôi con mà không biết dạy con tránh xa tội ác sẽ trở thành chướng ngại cho đời sống gia đình và xã hội. Đồng thời thể hiện sự yêu thương mù quáng, không đúng tinh thần của đạo Phật.

Điều thứ hai mà cha mẹ có trách nhiệm với con cái là không để chúng thiếu thốn. Không thiếu thốn ở đây phải thể hiện trên hai phương diện là vật chất và tinh thần. Trên phương diện vật chất, bậc làm cha mẹ phải tùy vào khả năng, điều kinh tế của mình để lo cho con cái đầy đủ từ miếng cơm, manh áo…vv, các phương tiện để học hành phát triển tài năng, trí tuệ. Trên phương diện tinh thần, cha mẹ phải luôn quan tâm chăm sóc, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn để động viên con cái có động lực vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Ngày nay nhiều bậc cha mẹ chỉ biết cung cấp cho con cái về mặt vật chất mà thiếu sự quan tâm về mặt tâm lý. Do đó con cái cảm thấy xa lạ với chính cha mẹ của mình…vv. dẫn đến khủng hoảng tâm lý mà sa đọa vào các tệ nạn xã hội.

Điều thứ ba, cần tạo dựng nghề nghiệp chân chính cho con cái. Giáo dục theo tinh thần đạo Phật luôn bắt đầu và đặt nền móng trên giáo dục đạo đức. Các bậc cha mẹ nào không đặt tầm quan trọng của giáo dục đạo đức ắt sẽ gặp phải cảnh người con bất hiếu, ngỗ nghịch và tạo ra cảnh mất đầm ấm hạnh phúc trong gia đình ở hiện tại và về sau, cho dòng tộc và tha nhân. Nói như thế không có nghĩa đạo Phật bỏ rơi sự giáo dục con cái trưởng thành về thể chất.

Cũng đạo Phật cho rằng, trách nhiệm của các bậc cha mẹ không chỉ dừng lại ở giáo dục đạo đức tránh ác làm lành, ổn định nghề nghiệp cho con mà còn chăm lo đến đời sống lứa đôi cho con cái. Cần nhấn mạnh ở đây rằng xây dựng gia thất cho con cái không có nghĩa là ép buộc con cái phải làm chồng /vợ một người nào đó mà mình thích, thay vì người mà chúng yêu thương. Ngoài ra, một ý nghĩa giáo dục khác là nếu cha mẹ có thể dạy và tạo dựng nghề nghiệp chân chính và ổn định cho con cái thì các bậc cha mẹ cũng có thể cố vấn tình yêu và hôn nhân cho chúng. Lời dạy này mang tính giáo dục rất cao.

Và trách nhiệm thứ năm, cha mẹ có của cải vừa ý đều giao hết cho con cái. Trách nhiệm này mang ý nghĩa pháp lý và đạo đức rất cao. Về phương diện pháp lý, việc truyền trao này bao gồm di chúc và tài sản thừa tự cho con cái. Có nhiều bậc cha mẹ đã không nghĩ tới chuyện này khi còn khỏe mạnh. Do đó, một khi nhắm mắt xuôi tay, con cái bất hiếu đã gây cảnh nồi da xáo thịt về quyền thừa tự, tranh giành tài sản do cha mẹ để lại. Chính vì thế, để tránh các tình trạng trên, Đức Phật đã dạy các bậc cha mẹ phải di chúc và trao truyền gia tài khi mình còn sáng suốt và khỏe mạnh. Chỉ có trong tình trạng khỏe mạnh và sáng suốt, người ta mới có thể chọn người xứng đáng và thích hợp để mà ủy thác.

GIA ĐÌNH: Vu Lan báo hiếu – Hiểu về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong đạo Phật

Bổn phận của con cái đối với cha mẹ

Theo tinh thần duyên khởi của đạo Phật, bất cứ mối quan hệ nào cũng phải có sự đối lưu của ít nhất hai thành phần. Ở đây sự đối lưu là giữa cha mẹ và con cái và ngược lại. Tinh thần giáo dục của Đức Phật không đơn thuần và một chiều, mà đó là sự đối lưu của ít nhất hai trị số con người trong mối quan hệ vừa đạo đức và giáo dục. Sự hiếu thảo của người con cũng được thể hiện qua năm trách nhiệm.

Trách nhiệm đạo đức trước tiên của một người con đối với hai đấng sinh thành ra mình theo Đức Phật là phải biết làm tăng thêm của cải, vật chất để nuôi dưỡng cha mẹ. Hay nói cách khác người con phải lấy sự báo đền cha mẹ bằng cách chăm sóc cha mẹ về đời sống vật chất, cũng như chính cha mẹ đã lo cho chúng ta trưởng thành, trong suốt những năm vị thành niên.

Sự chăm lo đến đời sống vật chất của cha mẹ ở đây cho thấy đạo Phật rất thực tiễn. Người con hiếu thảo không chỉ biết vâng lời cha mẹ, làm việc tốt cho gia đình và xã hội mà trước tiên và hơn hết là lo phần đời sống vật chất cho cha mẹ mình. Chăm lo đời sống vật chất bao gồm việc dâng tặng cho cha mẹ tiền chi tiêu, quà quý, thuốc thang, sự thăm viếng và phụng dưỡng khi cha mẹ đau ốm hay không còn sức lao động. Ý thức trách nhiệm làm tròn bổn phận của một người con là điều quan trọng thứ hai trong đạo hiếu thảo của người Phật tử. Lời dạy này mặc dù rất bao quát nhưng có ý nghĩa đạo đức rất lớn.

Có nhiều trường hợp người con vì thương cha kính mẹ mà làm nhiều điều tội ác để chu cấp tài sản cho cha mẹ. Đạo Phật chống lại sự hiếu thảo phi pháp như vậy. Nói cách khác cáng đáng việc nhà để trọn bổn phận tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cho phép là một trong những cách thể hiện chữ hiếu hợp lý nhất.

Các bậc làm cha mẹ đã suốt đời hy sinh vì con cái, cũng không ai đòi hỏi con cái phải dâng hiến cho mình những gì vượt ngoài khả của con cái. Khi còn trẻ cha mẹ đã hết mình lo cho con cái, nhưng khi về già, không còn sức lao động, không làm ra của cải vật chất nhưng cũng không ai muốn ngửa tay xin con cái. Cho nên phận làm con cái luôn phải biết vâng lời cha mẹ, tùy theo điều kiện hoàn cảnh kinh tế của gia đình mà dâng cho cha mẹ những gì cha mẹ muốn, không đợi cha mẹ phải đòi hỏi. Đây cũng là trách nhiệm thứ ba mà đạo làm con phải ghi nhớ.

Không tự làm gì khi chưa hỏi cha mẹ và không được trái ý cha mẹ được xem là bổn phận thứ tư của người làm con khi tiến hành bất cứ một công việc gì cũng phải hỏi cha mẹ trước, mục đích để giữ gìn danh dự và không đi ngược với truyền thống gia đình. Lời dạy này không nhằm khuyến khích một chế độ thế tập "cha truyền con nối" một cách mù quáng. Nó chỉ nhằm kêu gọi ý thức trách nhiệm bảo vệ và phát huy các truyền thống tốt đẹp của một gia phả, một làng xóm, một cộng đồng, một sắc tộc, một quốc gia mà thôi. Đạo Phật không dạy chúng ta phục tùng các truyền thống lạc hậu, phản với đạo đức và sự hướng thượng trong đạo đức và tu tập. Trong tinh thần này, những quan niệm duy trì truyền thống theo kiểu "con vua thì lại làm vua, con sải ở chùa thì quét lá đa" cần phải được loại bỏ ra khỏi quan điểm chữ hiếu trong đạo Phật.

Và thứ năm, phận làm con phải luôn tự giác dâng nhưng tài sản, vật chất của mình cho cha mẹ, mà không giấu diếm giữ làm của riêng. Đây chính là thể hiện tinh thần tập thể của một gia đình, nhằm bảo vệ và làm tăng tiến tài sản thừa tự.

Nếu "duy trì các truyền thống tốt đẹp của gia đình, quốc gia" là một nguyên tắc chung và bao quát đối với những người con có hiếu theo tinh thần lời Phật dạy thì "bảo vệ tài sản thừa tự" là một nguyên tắc cụ thể ứng dụng trong phạm vi của truyền thống gia tộc. Mối quan hệ giữa cha mẹ đối với con cái là mối quan hệ mang tính đạo đức và giáo dục rất cao. Các bậc cha mẹ không chỉ chăm lo về đời sống vật chất cho con cái mà còn và quan trọng hơn hết là chăm lo và phát triển đời sống đạo đức và trí tuệ của chúng. Đồng thời bổn phận của con cái không chỉ là chăm lo cho cha mẹ về mặt vật chất, mà phải luôn săn sóc cha mẹ về mặt tinh thần, không để cho cha mẹ phải phiền lòng.

Khang Kiên (tổng hợp)

An Nhiên

Tin liên quan