Giá điện điều chỉnh tăng 3%, áp dụng từ ngày 04/05/2023

Cập nhật: 11:40 | 04/05/2023 Theo dõi KTCK trên

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có Quyết định số 377/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 04/5/2023.

Ngày 27/4, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký ban hành quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng điều chỉnh giá từ hôm nay 04/05/2023. Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ Công Thương có văn bản số 304/BCT-ĐTĐL ngày 27/4/2023 về việc thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ liên quan đến điều chỉnh giá điện.

Mức giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được áp dụng là 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm VAT), giá điện mới đã tăng lên 1.920,3732 đồng/kWh (chưa gồm VAT), tức là tăng thêm hơn 55,9 đồng/kWh (tương ứng với mức 3%), sau 4 năm không được điều chỉnh kể từ lần gần nhất là hồi tháng 3/2019.

Giá điện điều chỉnh tăng 3%, áp dụng từ ngày 04/05/2023
Giá điện điều chỉnh tăng 3% từ ngày 04/05/2023.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện trên cơ sở Bộ Công Thương họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN.

Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm 2021 là 419.031,80 tỉ đồng; năm 2022 là 493.265,30 tỉ đồng.

Chi phí này bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.

Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Trong đó các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên.

Trong năm 2021, giá bán điện thương phẩm bình quân là 1.855,57 đồng/kWh, tăng 1,94% so với năm 2020. Sau đó năm 2022 mức giá này tiếp tục tăng lên là 1.882,73 đồng/kWh.

Dù mức giá này đã tăng 1,46% so với năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn mức giá thành sản xuất kinh doanh điện đã vượt lên trên 2.000 đồng/kWh.

Với mức giá như trên, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỉ đồng.

Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỉ đồng (gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng), nên đã giúp giảm lỗ cho EVN trong năm 2022 là còn 26.235,78 tỉ đồng.

Điểm đáng chú ý, EVN vẫn còn tới hơn 14.700 tỉ đồng khoản tiền chênh lệch tỉ giá hiện vẫn chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022. Theo EVN,việc chưa hạch toán khoản lỗ này là để góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không làm cho giá biến động quá lớn, vì điện có ảnh hưởng rất nhiều trong sản xuất kinh doanh.

Theo một số chuyên gia nhận định, việc EVN tăng giá điện sẽ có những tác động nhất định tới nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán. Giá điện tăng 3% sẽ chưa phản ứng ngay trong ngắn hạn, vì đây là một con số nhỏ tuy nhiên về dài hạn, nếu giá điện tiếp tục tăng sẽ gây ra áp lực lên lạm phát và chính sách tiền tệ có thể bị thay đổi.

Góc nhìn chuyên gia: Những tác động từ việc giá điện tăng lên thị trường chứng khoán

Trong tháng 3 năm 2023, Bộ Công thương đã trình Thủ tướng phương án điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện. Nếu phương án này ...

Thành An

Tin cũ hơn
Xem thêm