Giá dầu neo cao, Dự án Lô B - Ô Môn rục rịch triển khai, cổ phiếu nào hưởng lợi nhất?

Cập nhật: 08:29 | 03/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Tính tới hiện tại, nhóm cổ phiếu dầu khí đang được hưởng lợi kép nhờ giá dầu thế giới neo cao cũng như dự án Lô B - Ô Môn được triển khai.

Vào ngày 28/3/2024,Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đối tác đã thực hiện việc ký kết một loạt các thỏa thuận thương mại liên quan đến chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn, nhằm hỗ trợ cho việc duy trì tiến độ tổng thể của dự án và tiến gần hơn đến Quyết định Đầu tư cuối cùng (FID).

Giá dầu neo cao, Dự án Lô B - Ô Môn rục rịch triển khai, cổ phiếu nào hưởng lợi nhất?
Dự án Lô B - Ô Môn tiến gần hơn đến Quyết định Đầu tư cuối cùng.

Ngoài các hợp đồng cơ bản như hợp đồng mua bán khí (GSPA), vận chuyển khí (GTA), đấu nối, vận hành và dịch vụ (TOSA), dự án cũng đã hoàn tất việc ký kết Hợp đồng bán khí Lô B (GSA) giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Phát điện 2 – EVNGENCO2 (đơn vị chủ đầu tư của Nhà máy điện Ô Môn I). Theo GSA này, lượng khí khai thác từ Lô B sẽ được chia sẻ, trong đó một phần sẽ cung cấp cho Nhà máy điện Ô Môn I với lượng khí hàng năm khoảng 1.265 tỷ m3 trong giai đoạn ổn định, tương đương với 25% tổng lượng khí khai thác hàng năm của Lô B.

Trước đó, vào tháng 10 và tháng 11 năm 2023, sau một thời gian trì hoãn, các bên liên quan đến dự án Lô B – Ô Môn đã ký kết các Thỏa thuận Khung và Biên bản Thỏa thuận. Đồng thời, Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) đã tiến hành trao thầu hạn chế (LLOA) cho hai gói thầu EPCI#1 và EPCI#2 ở khâu thượng nguồn, mặc dù FID chưa được phê duyệt. Đây là biện pháp linh hoạt của các bên liên quan nhằm đảm bảo tiến độ dự án trong thời gian chờ đợi quyết định cuối cùng về FID.

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán MB đã đánh giá rằng các hợp đồng chính cho chuỗi dự án Lô B – Ô Môn đã được ký kết. Tuy nhiên, các vấn đề cần phải giải quyết trước khi có FID bao gồm: (1) Hợp đồng bán khí GSA cho Nhà máy Điện Ô Môn II, III và IV, (2) Hợp đồng mua bán điện PPA cho cả 4 nhà máy điện. Hiện tại, chỉ có GSA cho Nhà máy điện Ô Môn I đã được ký kết và nhà máy này đã đi vào vận hành.

Theo thông tin mới nhất từ MBS, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III và IV đang tiến hành các công việc chuẩn bị đầu tư (trước đó đã chuyển đổi chủ đầu tư từ EVN sang PVN), đồng thời nghiên cứu các cơ chế nhằm đảm bảo tiến độ chung của chuỗi dự án Lô B. Trong khi đó, đối với Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II, PVN đã ký kết thỏa thuận khung về hợp đồng bán khí cho dự án với đối tác là liên danh Marubeni – WTO vào tháng 3/2023.

Trước sự tiến triển tích cực trong đàm phán các hợp đồng thương mại của các bên liên quan trong thời gian gần đây, MBS dự đoán rằng Quyết định Đầu tư cuối cùng (FID) cho dự án có thể sẽ không được phê duyệt trước khi các gói thầu hạn chế hết hiệu lực. Tuy nhiên, các bên đều thể hiện sự hợp tác tích cực để đạt được thỏa thuận bổ sung. Trong tình huống này, có khả năng cao các bên sẽ tiếp tục gia hạn các gói thầu hạn chế hoặc ký một thỏa thuận phụ (Side Agreement) khác để dự án tiếp tục triển khai cho đến khi FID được chấp thuận.

Theo thông tin mới nhất từ MBS, MOECO (thuộc Mitsui) – đơn vị nắm cổ phần trong dự án ở cả hai khâu thượng nguồn và trung nguồn - đã chấp thuận Quyết định Đầu tư cuối cùng cho chuỗi dự án Lô B. Điều này đồng nghĩa với việc Quyết định Đầu tư cuối cùng cần phản hồi từ PVN và PTTEP để được chính thức chấp thuận. Dự báo từ nhóm phân tích cho thấy FID cho dự án có thể sẽ được phê duyệt vào cuối Quý 2 năm 2024.

Nhóm phân tích của MBS đồng ý rằng một số doanh nghiệp niêm yết có thể hưởng lợi từ việc tham gia vào các giai đoạn khác nhau của chuỗi dự án Lô B – Ô Môn. Có thể kể đến như: PVS (tham gia các gói thầu EPCI#1 và EPCI#2 ở khâu thượng nguồn; tham gia gói thầu EPC đường ống bờ), PVD (có thể tham gia vào giai đoạn đầu của dự án từ năm 2025 và thực hiện khoan các giếng khai thác bổ sung vào giai đoạn sau của dự án), GAS (quản lý đường ống vận chuyển khí Lô B).

Dựa vào cơ sở trên cũng như kết quả định giá, MBS xác định giá trị hợp lý của các cổ phiếu PVS, PVD và GAS lần lượt là 47.000 đồng/cp, 35.000 đồng/cp và 82.300 đồng/cp. Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu trên đồng loạt giữ được xu hướng tăng giá. Cá biệt, cổ phiếu PVS bất ngờ vượt đỉnh trong phiên giao dịch hôm qua khi đóng cửa tại vùng 43.700 đồng/cp.

Bên cạnh dự án Lô B - Ô Môn, nhóm cổ phiếu này còn được hưởng lợi kép khi giá dầu thế giới liên tục tăng trong các ngày gần đây. Kết thúc phiên giao dịch ngày 2-4, giá dầu tăng gần 2%. Sự leo dốc của giá dầu được hỗ trợ bởi lo ngại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở năng lượng của Nga gia tăng và xung đột leo thang ở Trung Đông.

Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 1,5 USD, tương đương 1,7%, lên mức 88,92 USD/thùng sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 10-2023 - 89,23 USD/thùng. Cùng chiều, giá dầu thô WTI của Mỹ kỳ hạn tháng 5 tăng 1,44 USD, tương đương 1,72%, lên mức 85,15 USD/thùng. Mức giá cao nhất trong phiên của dầu WTI là 85,46 USD/thùng.

Cổ phiếu CNG âm thầm tăng tốc, Chứng khoán Yuanta cũng vừa ra khuyến nghị

Chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa có báo cáo phân tích và đưa ra khuyến nghị với cổ phiếu của Công ty CP CNG (HOSE: ...

Tập đoàn Dầu khí AnPha bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Kiểm toán CPA Việt Nam cho biết, Tập đoàn Dầu khí AnPha ghi nhận nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn 337,9 ...

Mua gì hôm nay 3/4: PVD, VRE, VHM?

Dự án Lô B - Ô Môn được triển khai sẽ là động lực giúp cổ phiếu PVD tăng trưởng trong thời gian sắp tới.

Minh Hiếu