Giá cổ phiếu giảm "thủng đáy" 1 năm, SeABank (SSB) ngừng thương vụ nghìn tỷ

Cập nhật: 05:55 | 13/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) vừa công bố thông tin bất thường về dừng thương vụ bán cổ phần cho quỹ đầu tư Norfund thuộc Chính phủ Nauy trong bối cảnh cổ phiếu SSB suy giảm mạnh trong phiên ngày 10/11.

SeABank vừa có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về quyết định dừng phương án chào bán riêng lẻ hơn 94 triệu cổ phiếu SSB cho quỹ đầu tư Norwegian Investment Fund (Norfund). Ban điều hành Ngân hàng SeABank cũng cho biết sẽ báo cáo Đại hội đồng cổ đông gần nhất về việc dừng thương vụ trên.

Chi tiết, vào tháng 7/2023, HĐQT thông qua phương án phát hành 295,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, phát hành hơn 118 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ vốn chủ sở hữu, đồng thời chào bán riêng lẻ 94,6 triệu cổ phiếu và 42 triệu cổ phiếu ESOP.

Trong đó, phương án chào bán riêng lẻ 94,6 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 4,63% cho Norfund, SeABank đưa ra mức giá không thấp hơn giá trị sổ sách tại báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2022 đã kiểm toán là 12.861 đồng/cp. Giá chào bán tối đa dự kiến là 37.032 đồng/cp. Tuy nhiên, giá chào bán phụ thuộc vào quá trình đàm phán, thỏa thuận giữa SeABank và các nhà đầu tư.

Lô cổ phiếu chào bán cho Norfund sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm nay hoặc thời điểm khác do HĐQT Ngân hàng SeABank quyết định.

Nhà băng SeABank từng tính toán thu về tối thiểu 1.216 tỷ đồng từ thương vụ và số tiền thu về sẽ được sử dụng cho hoạt động kinh doanh là 1.095 tỷ đồng và 121 tỷ đồng còn lại dùng để đầu tư cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, mở rộng mạng lưới.

Giữa bối cảnh nhà băng này ngừng giao dịch cổ phiếu với Norfund, cổ phiếu SSB đang diến biến khá tiêu cực khi xuyên thủng đáy hơn 1 năm trở lại đây. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (10/11), cổ phiếu của SeABank giảm 2,86% xuống vùng 23.800 đồng với khối lượng giao dịch gần 1,4 triệu đơn vị. So với ngày lập đỉnh năm nay (8/08), thị giá SSB đã "bốc hơi" hơn 22%. Đáng chú ý, trong phiên 3/11, cổ phiếu SSB giảm tới 6,36% với thanh khoản đột biến gần 15 lần so với trung bình 10 ngày, đạt 15,3 triệu đơn vị. Ngoài ra, sau ngày lập đỉnh, cổ phiếu SSB chưa có dấu hiệu hồi phục trở lại khi liên tiếp giảm trong vòng 3 tháng.

Xét trên góc độ kỹ thuật, cổ phiếu SSB đang trong chu kỳ suy giảm trong khoảng 10 phiên giao dịch gần đây và chưa có bất cứ dự đoán nào cổ phiếu này sẽ trở về với vùng tăng giá trong 1-3 phiên sắp tới. Chỉ số lãi trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 1.366 điểm, chỉ số P/E đạt 17,42 điểm.

Giá cổ phiếu giảm
Cổ phiếu SSB "thủng đáy" so với trung bình 3 tháng giao dịch.

Diễn biến liên quan, vào ngày 9/11, SeABank đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn của nhà băng này tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho AEON Financial với giá 4.300 tỷ đồng.

Hành động chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại PTF là bước đi nằm trong lộ trình đã được Đại hội đồng cổ đông SeABank thông qua nhằm tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng có nhu cầu nhận chuyển nhượng phần vốn góp của SeABank tại PTF.

Hai bên sẽ xin ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hoàn tất giao dịch chuyển nhượng. Sau khi hoàn thành việc chuyển nhượng, SeABank sẽ có thêm vốn để mở rộng quy mô, tăng cường năng lực tài chính, đầu tư công nghệ, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng yếu tại ngân hàng.

Norfund là tổ chức tài chính phát triển được thành lập bởi Storting (quốc hội) Na Uy vào năm 1997 và thuộc sở hữu của Bộ Ngoại giao Na Uy. Quỹ nhận vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, phần thặng dư trong danh mục đầu tư sẽ được tái đầu tư. Trụ sở chính đặt tại Oslo với các văn phòng địa phương ở Thái Lan, Costa Rica, Kenya, Nam Phi, Bangkok và Ghana. Norfund cũng là một phần của EDFI, Hiệp hội các tổ chức tài chính phát triển châu Âu.

Sứ mệnh của Norfund là tạo việc làm và cải thiện cuộc sống bằng cách đầu tư vào các doanh nghiệp thúc đẩy sự phát triển bền vững ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, Norfund đầu tư vào quá trình chuyển đổi sang số 0 ròng ở các thị trường mới nổi. Quỹ hỗ trợ xây dựng các doanh nghiệp và ngành công nghiệp bền vững ở các nước đang phát triển bằng cách cung cấp vốn cổ phần và vốn rủi ro khác cho các doanh nghiệp mà lẽ ra không được tài trợ. Mục tiêu là có tác dụng xúc tác bằng cách huy động vốn tư nhân và thương mại.

Mộng Diệp