Giá cà phê hôm nay 28/4/2022: Cà phê robusta tiếp tục sụt giảm

Cập nhật: 06:29 | 28/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Giá cà phê robusta tiếp tục sụt giảm ngay trong ngày thông báo đầu tiên do áp lực ra hàng vụ mới năm nay của Brazil và Indonesia. Tuy nhiên, góp phần vào sự sụt giảm còn do đồng Real suy yếu trở lại, USDX tiếp nối đà tăng khiến phần lớn các giới đầu cơ vẫn còn đứng bên ngoài các thị trường.

Giá cà phê hôm nay 27/4/2022: Thị trường trong nước giảm nhẹ

Giá cà phê hôm nay 26/4/2022: Thị trường cà phê lao dốc không phanh

Giá cà phê hôm nay 25/6/2022: Biến động mạnh

Giá cà phê thế giới

Giá cà phê arabica vẫn giảm sau báo cáo thời tiết khô hạn tại vùng trồng chính của bang Minas Gerais ở Brasil đã không có giọt mưa nào suốt tuần qua. Thiếu mưa khiến hạt cà phê không mẩy, năng suất và chất lượng sụt giảm là mối lo không chỉ riêng của nhà nông.

Trong khi đó, hiện vị thế kinh doanh của cả 2 sàn đều ủng hộ hướng tăng do con số dư mua giảm khá mạnh trong tuần trước. Vấn đề là tâm lý chờ đợi quyết định tăng lãi suất điều hành đồng USD của Fed ảnh hưởng tới đâu.

2750-giacaphe
Ảnh minh họa

Đóng cửa phiên giao ngày 27/4, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 5/2022 tiếp tục giảm 22 USD (1,07%), giao dịch tại 2.032 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 20 USD (0,97%) giao dịch tại 2.041 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York điều chỉnh giảm, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 5,6 Cent (2,53%), giao dịch tại 215,55 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 5,5 Cent/lb (2.49%), giao dịch tại 215,50 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình khá.

Giá cà phê trong nước

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 27/4, giá cà phê thu mua trong khoảng 39.900 - 40.500 đồng/kg. Cụ thể, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 39.900 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê ở mức 40.500 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê được thu mua cùng mức 40.400 đồng/kg. Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 40.400 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.300 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 40.400 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.300 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.400 đồng/kg. Giá cà phê hôm nay (28/4) được cập nhật vào lúc 9h cùng ngày.

Thông tin thị trường cà phê

Thị trường cà phê toàn cầu đang gồm cả hai màu sáng lối.

Về tiêu thụ, những cản trở chính hiện nay là chiến tranh tại Ukraine chưa biết chấm dứt lúc nào cộng với lạm phát phi mã tại nhiều nước, nhất là các vùng tiêu thụ chính, có thể làm giảm khả năng tiêu thụ vì dân chúng phải thắt lưng buộc bụng trong thời lạm phát.

Một yếu tố quan trọng khác có ảnh hưởng đến giá cà phê là giá trị đồng Real của Brazil. Nếu như đồng Real giảm trong cặp tỷ giá với USD, giá cà phê sẽ yếu do nông dân Brazil sẽ bán mạnh; chiều ngược lại đồng Real mạnh, giá cà phê arabica sẽ tăng.

Cho nên, thị trường dễ bị dẫn đường bởi những thông tin về thời tiết khi Brazil vào mùa rét. Giá cà phê hai sàn có lúc sẽ tăng mạnh với những tin này.

Nhưng khi thị trường kiểm tra lại, mức độ rét không đáng kể, thì lúc ấy giá lại đổ sụp một cách nhanh chóng. Chính vì thế, nhà sản xuất và kinh doanh cà phê nên hết sức thận trọng trong giai đoạn này trở đi đến tháng 08/2022 khi Brazil ra khỏi mùa Đông.

Nhìn từ phía cung cầu, ta thấy nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc ngày càng cao nhưng thị trường đang có thông tin nhà xuất khẩu Việt Nam và Brazil xuất khẩu ngày càng nhiều. Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính, năm nay Trung Quốc sẽ nhập khẩu thêm 4 triệu bao, tức tăng 5% so với năm 2021. Mặt khác, tình hình khô hanh tại vùng trồng cà phê trọng điểm Brazil là Minas Gerais với lượng mưa chỉ đo được 40% so với bình quân nhiều năm.

Xuất khẩu cà phê sang Bỉ tăng đột biến, quý I gần gấp đôi cả năm 2021

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong tháng 3, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Bỉ đạt 29 nghìn tấn, trị giá 62 triệu USD, tăng gần 5,5 lần về lượng và tăng 6,7 lần% giá trị so với tháng 3/2021.

Tính chung quý I, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Bỉ đạt 66 nghìn tấn, tương đương 135 triệu USD, tăng 5,5 lần về lượng và tăng 6,8 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá cà phê xuất khẩu sang Bỉ trong quý I đạt mức 2.054 USD/tấn, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Kết quả này đã đưa Bỉ trở thành thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ hai của Việt Nam trong quý I, chiếm tỷ trọng 11% tổng lượng và 10% tổng kim ngạch. Xuất khẩu cà phê sang thị trường Bỉ bứt phá mạnh đã tác động tích cực lên toàn ngành.

Trước đó, vào năm 2021, xuất khẩu cà phê sang Bỉ đạt gần 46 nghìn tấn, tương đương 75 triệu USD, giảm 25% về lượng và giảm 21% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Bỉ giảm từ 17,3% trong năm 2020 xuống 12% trong năm 2021.

Như vậy, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Bỉ trong quý I tăng đột biến, gần gấp đôi cả năm 2021.

Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết Bỉ là nhà nhập khẩu cà phê nhân lớn thứ ba của châu Âu. Hơn 96% lượng cà phê nhập khẩu của Bỉ có nguồn gốc trực tiếp từ các nước sản xuất cà phê, nguồn cung trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đồng thời, Bỉ cũng là nước tái xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất ở châu Âu. Bỉ chủ yếu tái xuất khẩu sang các nước láng giềng, trong đó Hà Lan chiếm 55% lượng cà phê nhân tái xuất của Bỉ năm 2020; Pháp chiếm 25% và Đức chiếm 4%...

Ngoài ra, Bỉ còn là một trung tâm thương mại cà phê quan trọng ở châu Âu. Một phần lớn cà phê được giao dịch trên thế giới đến cảng Antwerp, nơi được sử dụng cho mục đích trung chuyển. Cảng Antwerp chiếm khoảng 50% hoạt động kinh doanh hậu cần cà phê của châu Âu. Đây là nơi lưu trữ cà phê lớn nhất trên thế giới, cho phép lưu trữ hơn 250 nghìn tấn cà phê.

Trong khi đó, cảng Zeebrugge là một điểm nhập cảnh quan trọng khác của cà phê ở Bỉ. Cảng này cung cấp một cơ sở lưu trữ hiện đại được kiểm soát nhiệt độ và một cơ sở phân phối cà phê nhân cho phần còn lại của Châu Âu bằng đường sắt, đường bộ và đường biển.

Đầu năm 2021, hai cảng này đã sáp nhập, điều này sẽ củng cố hơn nữa vị thế của Bỉ như một trung tâm thương mại cà phê quan trọng ở châu Âu. Sau khi hoàn thành, các cảng sẽ hoạt động dưới tên cảng Antwerp-Bruges.

Do vậy, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng Bỉ sẽ tiếp tục là một trong những điểm đến quan trọng nhất đối với các nhà xuất khẩu cà phê muốn vào các thị trường mục tiêu khác ở châu Âu.

Linh Linh

Tin cũ hơn
Xem thêm