Geleximco hút bao nhiêu tiền từ trái phiếu trước khi Nghị định 81 có hiệu lực?

Cập nhật: 09:23 | 23/11/2020 Theo dõi KTCK trên

Theo thống kê trên HNX, từ đầu năm đến nay Geleximco đã phát hành tổng cộng 39 lô trái phiếu tập trung chủ yếu ở tháng 6, 7 và 8. Động thái huy động mạnh diễn ra trước thềm Nghị định mới có hiệu lực vào đầu tháng 9/2020.

Thị trường chứng khoán ngày 23/11/2020: Thông tin trước giờ mở cửa

Lịch trả cổ tức đợt cuối tháng 11/2020: Ồ ạt chốt quyền cổ tức hàng nghìn tỷ đồng

1913-trai-phiyu
Geleximco hút bao nhiêu tiền từ trái phiếu trước khi Nghị định 81 có hiệu lực? (Nguồn: geleximco.vn)

Cụ thể, chỉ trong 3 ngày từ 24-26/8/2020, Tập đoàn Geleximco đã phát hành 15 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 584 tỷ đồng. Trong đó 8 lô trái phiếu có tổng giá trị hơn 280 tỷ được phát hành vào ngày 24/8, 4 lô trái phiếu với giá trị 168 tỷ đồng được phát hành vào ngày 25/8 và ba lô trái phiếu với giá trị 136 tỷ đồng được phát hành vào ngày 26/8.

15 lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 2 năm và thông tin về tài sản đảm bảo không được doanh nghiệp công bố.

Trong tháng 8/2020, Geleximco đã thế chấp 33 ô đất với tổng diện tích khoảng 5.136 m2 cho ngân hàng Maritime Bank.

Theo thống kê trên HNX từ đầu năm tới nay, Geleximco đã phát hành tổng cộng 39 lô trái phiếu đều có kỳ hạn 2 năm với tổng giá trị 1.518 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này tập trung chủ yếu ở tháng 6, 7 và 8.

Geleximco đẩy mạnh huy động trái phiếu ngay trước thời điểm Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực vào đầu tháng 9 nhằm kìm hãm sức tăng trưởng quá nóng của trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua.

Nghị định 81 ban hành để hạn chế khối lượng phát hành của mỗi doanh nghiệp, dư nợ phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành, bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành, không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu tại quý gần nhất.

Tiếp đến là giảm tình trạng chia nhỏ lô phát hành để đảm bảo điều kiện là chào bán riêng lẻ. Các đợt phát hành phải phải cách nhau tối thiểu 6 tháng, mỗi đợt phải hoàn thành trong vòng 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin.

Do đó sau ngày 1/9 việc chia nhỏ lô phát hành trái phiếu sẽ gặp khó khăn do các đợt phát hành phải phải cách nhau tối thiểu 6 tháng trong khi trước thời điểm này Geleximco đều chia nhỏ các lô trái phiếu với giá trị chỉ vài chục tỷ đồng và liên tục phát hành nhiều lô.

Trong Nghị đinh mới cũng yêu cầu tiêu chuẩn với tổ chức phát hành phải được nâng cao. Báo cáo tài chính kiểm toán trong bộ hồ sơ phát hành phải có ý kiến chấp nhận toàn phần, nếu ngoại trừ phải có giải thích hợp lý và xác nhận của kiểm toán yếu tố ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện phát hành.

Ngoài ra, Sở giao dịch chứng khoán báo cáo định kỳ hàng tháng/quý/năm cho Bộ Tài chính thay vì 6 tháng như trước đây. Điều này nhằm đảm bảo tính cập nhật của thông tin và sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Nhìn chung toàn thị trường đã giảm nhiệt sau Nghị định mới, theo thống kê của HNX thì sang tháng 10/2020 có 20 doanh nghiệp đã phát hành thành công 90 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên tổng số 44 đợt đăng ký. Giá trị phát hành thành công đạt 9.504 tỷ đồng, chiếm 62,7% tổng giá trị đăng ký phát hành, giảm 1.000 tỷ đồng so với giá trị phát hành tháng 9.

Trong tháng 10, việc mua lại trái phiếu từ các trái chủ cũng được các doanh nghiệp thực hiện khá thường xuyên, cụ thể có 117 đợt mua lại diễn ra, với tổng giá trị mua lại đạt hơn 5.430 tỷ đồng.

Kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu thống kê hàng tháng từ HNX (tháng 8/2019), tháng 10 năm nay là tháng có giá trị phát hành thấp thứ 2 sau 15 tháng thống kê.

Giá trị này đã giảm đến 82% so với tháng cao nhất (tháng 12/2019 huy động 54.855 tỷ đồng) và giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 2 giảm liên tiếp sau khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực.

Lâm Tuyền