Chủ trương - Chính sách

GDP 6 tháng đầu năm 2025: Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục

Hoàng Xuân 05/07/2025 19:27

GDP Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 tăng cao nhất trong 14 năm, bất chấp suy thoái toàn cầu. Cả ba khu vực kinh tế đều bứt phá ấn tượng.

việt nam vươn mình
Kết quả này có được đến từ sự phục hồi đồng đều và mạnh mẽ của cả ba khu vực kinh tế

Kinh tế Việt Nam tăng tốc

Trong khi kinh tế toàn cầu đang bị phủ bóng bởi bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự kéo dài, chính sách bảo hộ mậu dịch và những rủi ro tài chính leo thang, nền kinh tế Việt Nam đã làm nên điều kỳ diệu.

Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025 do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố ngày 5/7 cho thấy: GDP 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 7,52%, cao nhất kể từ năm 2011, một con số vượt qua kỳ vọng trong bối cảnh thách thức toàn cầu bao trùm.

gdp việt nam 6 tháng

Tình hình kinh tế quốc tế ghi nhận hàng loạt điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng. Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo còn 2,3%, Liên Hợp Quốc xuống mức 2,4%, trong khi IMF và OECD lần lượt chỉ còn 2,8% và 2,9%. Trong khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng của Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia cũng đều bị điều chỉnh giảm so với năm 2024.

Trước làn sóng suy giảm toàn cầu, Việt Nam đã chọn cách chủ động thích ứng. Từ đầu năm, hàng loạt quyết sách lớn đã được ban hành và thực thi đồng bộ như: cải cách bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, đẩy nhanh chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư và phân quyền quản lý mạnh mẽ cho địa phương.

Kết quả cho thấy, GDP quý II ước tăng 7,96% so với cùng kỳ, góp phần đưa mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm lên 7,52%, bỏ xa các nền kinh tế cùng nhóm thu nhập. Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, kết quả này đến từ sự phục hồi đồng đều và mạnh mẽ của cả ba khu vực kinh tế.

Dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp cùng bứt phá

Đóng vai trò đầu tàu trong bức tranh tăng trưởng 6 tháng đầu năm là khu vực dịch vụ – tăng 8,14%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Các lĩnh vực có mức tăng đáng kể gồm: bán buôn, bán lẻ tăng 7,03%; vận tải, kho bãi tăng 9,82%; lưu trú, ăn uống tăng mạnh 10,46%. Đặc biệt, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ – vốn là nhóm ngành gắn với hiệu quả quản lý công – đạt mức tăng lên đến 14,58%.

Tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong cơ cấu GDP cũng tăng lên 43,4%, so với 42,98% cùng kỳ năm trước, phản ánh xu hướng tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiện đại, dịch vụ hóa. Đây là yếu tố mang tính chất dài hạn, giúp tăng sức đề kháng của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là điểm tựa bền vững với mức tăng 8,33%, đóng góp hơn 42,2% vào tăng trưởng chung. Trong đó, công nghiệp chế biến – chế tạo duy trì vị thế là động lực cốt lõi khi tăng 10,11%, riêng ngành xây dựng tăng kỷ lục 9,62% – mức cao nhất trong 14 năm, nhờ đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng lớn trên cả nước.

Dù ngành khai khoáng giảm 4,25% ảnh hưởng nhẹ đến tốc độ tăng chung, nhưng bù lại, các ngành sản xuất – chế biến vẫn chiếm ưu thế và giữ vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Nông, lâm nghiệp và thủy sản – “trụ đỡ xanh” của nền kinh tế – tăng 3,84% và chiếm 5,59% vào tăng trưởng chung. Ngành nông nghiệp không chỉ ổn định an ninh lương thực trong nước mà còn đóng góp lớn cho xuất khẩu với nhiều mặt hàng nông sản đạt giá trị cao như gạo, cà phê, rau quả.

Đáng chú ý, xét về mức sử dụng GDP, cả tiêu dùng cuối cùng (tăng 7,95%) và tích lũy tài sản (tăng 7,98%) đều cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu nội địa và tín hiệu tích cực trong đầu tư tư nhân.

Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2025 không chỉ thể hiện khả năng ứng biến linh hoạt của nền kinh tế Việt Nam mà còn củng cố vững chắc niềm tin vào khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đã được Chính phủ đề ra.

      Nổi bật
          Mới nhất
          GDP 6 tháng đầu năm 2025: Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO