FTSE công bố đánh giá về tiến trình nâng hạng chứng khoán Việt Nam
Việt Nam được FTSE Russell ghi nhận cải cách mạnh mẽ, đặc biệt với hệ thống KRX sắp vận hành. Khả năng chứng khoán Việt Nam được nâng hạng vào kỳ tháng 9 tới là rất đáng kỳ vọng.
FTSE Russell vừa chính thức công bố báo cáo phân loại thị trường mới nhất, theo đó Việt Nam tiếp tục được duy trì trong danh sách theo dõi nâng hạng từ “thị trường cận biên” (Frontier Markets) lên “thị trường mới nổi loại 2” (Secondary Emerging Markets) – vị trí mà thị trường Việt đã nắm giữ kể từ tháng 9/2018.
Dù chưa có bước tiến lớn như kỳ vọng, nhưng đây vẫn là tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam đang tiến dần tới đích trong lộ trình nâng hạng, đặc biệt khi các cải cách quan trọng đã và đang được đẩy mạnh.

Theo đánh giá của FTSE Russell, Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được hai tiêu chí quan trọng: “Chu kỳ thanh toán (Delivery versus Payment - DvP)” và “Thanh toán – chi phí liên quan đến các giao dịch không thành công (Failed Trades)”.
Cả hai tiêu chí tiếp tục bị xếp loại là “Hạn chế”, cho thấy những vướng mắc còn tồn tại trong hệ thống giao dịch và cơ chế xử lý rủi ro. Tuy nhiên, tổ chức này cũng ghi nhận những nỗ lực cải cách mạnh mẽ từ phía các cơ quan quản lý Việt Nam trong suốt thời gian qua, đặc biệt là việc triển khai mô hình “không cấp vốn trước” (Non Pre-funding – NPF) từ tháng 11/2024. Đây từng là một trong những rào cản lớn nhất ngăn Việt Nam được nâng hạng.
Theo mô hình NPF, các công ty chứng khoán trong nước đã có thể cung cấp mức ký quỹ phù hợp cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (FII), qua đó loại bỏ yêu cầu ký quỹ 100% trước giao dịch – động thái từng bị xem là bất lợi so với các thị trường mới nổi khác. FTSE Russell đang tiếp tục theo dõi hiệu quả triển khai mô hình này cũng như phản hồi từ các thành viên thị trường.
Ngoài ra, một số điểm cần cải thiện khác cũng được nhấn mạnh như quy trình đăng ký tài khoản giao dịch mới còn kéo dài, và việc thiếu cơ chế cho phép giao dịch hiệu quả với các mã cổ phiếu đã chạm giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL).
Dẫu còn những hạn chế, FTSE Russell vẫn đánh giá cao nỗ lực cải cách không ngừng nghỉ từ phía Việt Nam. Các cơ quan quản lý như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) và các tổ chức quốc tế như Nhóm Ngân hàng Thế giới đang phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến trình nâng hạng. Một mảnh ghép quan trọng khác trong lộ trình này chính là hệ thống giao dịch mới KRX – được kỳ vọng sẽ chính thức đi vào vận hành từ ngày 5/5 tới. Hệ thống này sẽ mở ra khả năng thực hiện giao dịch T+0, giao dịch bán khống và thiết lập cơ chế bù trừ tập trung (CCP), qua đó tiệm cận với các chuẩn mực toàn cầu.
Trong thư gửi nhà đầu tư vào cuối tháng 3, ông Petri Deryng, quản lý danh mục đầu tư của Pyn Elite Fund cũng khẳng định rằng, FTSE đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống KRX trong việc đánh giá phân loại thị trường. Theo ông, nếu không có biến động bất ngờ, việc nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi có thể được quyết định ngay trong kỳ đánh giá tháng 9 tới. Điều quan trọng không chỉ là thời điểm, mà là các điều kiện để hội nhập sâu hơn với dòng vốn toàn cầu đang dần được đáp ứng.
Tuy nhiên, trái ngược với tiến trình nâng hạng tại FTSE, câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi tại MSCI – một tổ chức cung cấp chỉ số lớn khác vẫn còn khá xa vời. Pyn Elite Fund cho biết, hiện chưa có tín hiệu cụ thể nào từ MSCI, do Việt Nam vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài, một trong những điều kiện then chốt khiến MSCI chưa thể thay đổi phân loại.
Dù vậy, việc duy trì trong danh sách theo dõi nâng hạng và liên tiếp có những bước cải cách mang tính đột phá đã phần nào khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn quốc tế.
Khi hệ thống KRX chính thức vận hành và các tiêu chí còn lại dần được đáp ứng, triển vọng nâng hạng chính thức sẽ không còn xa, mở ra cánh cửa mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào một chu kỳ phát triển sâu rộng hơn trong tương lai gần.