FLC bị cưỡng chế thuế 905 tỷ đồng trong 1 tháng, bằng tổng lãi từ 2018 - 2021 cộng lại

Anh Tú 15/09/2022 12:59

Chỉ tính riêng từ nửa cuối tháng 8/2022 tới nay, Tập đoàn FLC đã bị các cơ quan thuế thông báo cưỡng chế số tiền khổng lồ.

Ngày 14/9/2022, CTCP Tập đoàn FLC vừa công bố quyết định cưỡng chế Thuế của Cục Thuế TP. Hà Nội.

Lý do cưỡng chế là công ty có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định; biện pháp cưỡng chế là "ngừng sử dụng hóa đơn".

Số tiền bị cưỡng chế được thông báo là gần 326 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 28/8/2022, Tập đoàn FLC đã thông báo nhận được các quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình với tổng số tiền hơn 448 tỷ đồng.

Lý do cưỡng chế tương tự và biện pháp cưỡng chế là trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của CTCP Tập đoàn FLC mở tại các Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh Hà Nội; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - Chi nhánh Quận 1 (TP. HCM); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Xuân (Hà Nội).

Ngày 18/8, Chi Cục Thuế khu vực TP. Sầm Sơn - Quảng Xương cũng đã ra quyết định cưỡng chế thuế đối với tập đoàn này với tổng số tiền 130,8 tỷ đồng.

Ngày 30/3, Chi Cục Thuế khu vực TP. Sầm Sơn - Quảng Xương cũng ban hành 11 quyết định cưỡng chế với tổng số tiền 124,8 tỷ đồng đối với FLC.

Tổng số tiền FLC bị cưỡng chế thi hành trong 4 đợt nêu trên là 1.030 tỷ đồng.

Nếu chỉ tính từ nửa cuối tháng 8 tới nay, Tập đoàn này đã bị cưỡng chế thuế tổng số tiền 905 tỷ đồng - gần bằng lợi nhuận sau thuế hợp nhất của 4 năm liền trước cộng lại (từ 2018 - 2021 đạt 1.000 tỷ đồng).

      Nổi bật
          Mới nhất
          FLC bị cưỡng chế thuế 905 tỷ đồng trong 1 tháng, bằng tổng lãi từ 2018 - 2021 cộng lại
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO