Chuyển động

FECON (FCN): Trúng thầu nghìn tỷ, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận ‘kém vui’

Cao Thái 09/05/2025 10:21

FECON (FCN) ghi nhận doanh thu quý 1 tăng mạnh nhờ những gói thầu nghìn tỷ nhưng lợi nhuận ảm đạm, dòng tiền tiếp tục suy giảm.

Tại ĐHCĐ thường niên 2025 mới đây, Tổng giám đốc điều hành Công ty CP FECON (HOSE: FCN) - ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết trong quý đầu năm, tổng doanh số hợp đồng của công ty đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, bằng 20% kế hoạch năm và 85% so với cùng kỳ. Các dự án tiêu biểu có thể kể đến gói thầu 11.5 của sân bay Long Thành – nơi FECON tham gia liên danh cùng Coteccons và CC1, với tổng giá trúng thầu khoảng 3.144 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng góp mặt tại dự án Nhà máy điện rác Củ Chi và đang cạnh tranh tại gói thầu EPC có giá trị hơn 17.820 tỷ đồng thuộc Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn IV do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư.

fe3.jpg
FECON đều đặn góp mặt trong các gói thầu xây dựng giá trị lớn

Dù cơ hội tăng trưởng lớn đang mở ra, nhưng hiệu quả tài chính trong quý 1 của ‘ông lớn’ xây lắp vẫn chưa theo kịp kỳ vọng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, FECON ghi nhận doanh thu thuần 820,6 tỷ đồng, tăng hơn 34% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp cũng cải thiện lên 131,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận nhanh chóng bị bào mòn bởi chi phí tài chính và vận hành. Cụ thể, chi phí tài chính tăng vọt từ 48,4 tỷ đồng lên 67,6 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm tới 57,5 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lên 54,3 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ còn vỏn vẹn 1 tỷ đồng – một con số khá khiêm tốn so với quy mô doanh thu.

Ở cấp độ công ty mẹ, bức tranh còn tiêu cực hơn. Doanh thu tăng gần gấp đôi lên 633,8 tỷ đồng nhưng công ty mẹ FECON vẫn báo lỗ 13,4 tỷ đồng trong quý 1. Nguyên nhân là do chi phí giá vốn cao, cộng thêm chi phí lãi vay tiếp tục gia tăng. Đồng thời, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vẫn âm 87,1 tỷ đồng; dòng tiền tài chính âm 13,4 tỷ, khiến tổng lưu chuyển tiền thuần cả kỳ âm tới 100 tỷ đồng.

fe2.jpg
FECON 'đỏ mắt' tìm lợi nhuận dù doanh thu tăng trưởng cao

Cấp độ hợp nhất cũng không mấy sáng sủa. Dòng tiền kinh doanh quý 1/2025 âm 162,9 tỷ đồng, sâu hơn mức âm 156,5 tỷ đồng cùng kỳ. Đặc biệt, dòng tiền đầu tư chuyển từ dương 14 tỷ năm ngoái sang âm 138,8 tỷ đồng trong kỳ – phản ánh sức ép giải ngân lớn cho các dự án đang triển khai. Mặc dù doanh nghiệp đã vay thêm gần 974 tỷ đồng và trả nợ gốc 851 tỷ, dòng tiền tài chính dương 107,7 tỷ vẫn không đủ bù đắp thiếu hụt, khi lưu chuyển tiền thuần hợp nhất vẫn âm tới 194 tỷ đồng.

Nợ vay hơn 4.000 tỷ

Tổng tài sản của FECON đến cuối quý 1 đạt 9.904,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, phần tăng chủ yếu đến từ tài sản dở dang dài hạn – vốn chưa thể chuyển hóa thành dòng tiền hoặc lợi nhuận trong ngắn hạn. Tài sản dở dang tăng từ 1.032 tỷ lên 1.231,8 tỷ đồng, trong khi tài sản cố định giảm nhẹ. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn cũng giảm, cho thấy doanh nghiệp đang dồn lực cho hoạt động cốt lõi. Tài sản ngắn hạn ở mức 6.411,3 tỷ đồng, nhưng cấu trúc bên trong có sự dịch chuyển đáng kể: tiền và tương đương tiền giảm mạnh từ 472,9 tỷ đồng còn 278,99 tỷ đồng, chủ yếu do tiền gửi ngân hàng giảm gần 60%. Mức tiền mặt hiện tại chỉ còn hơn 37 tỷ đồng, quá thấp nếu so với quy mô nợ ngắn hạn.

fee.jpg
FECON là nhà thầu hàng đầu về thi công ngầm đô thị

Đáng lưu ý, khoản phải thu ngắn hạn khác tiếp tục tăng lên 1.232 tỷ đồng, trong đó có tới 775,4 tỷ đồng là tạm ứng – phản ánh lượng vốn doanh nghiệp đã ứng trước cho nhà thầu, đối tác nhưng chưa thu hồi. Cùng với đó, hàng tồn kho tăng từ 1.683 tỷ lên 1.900 tỷ đồng, tập trung vào chi phí sản xuất – kinh doanh dở dang với giá trị tới 1.834 tỷ đồng. Điều này cho thấy một lượng lớn công trình đang thi công nhưng chưa đến giai đoạn nghiệm thu, thanh toán.

Nợ phải trả của FECON tại cuối quý 1/2025 là 6.546,6 tỷ đồng, tăng so với đầu năm. Trong đó, nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn cộng lại vượt 4.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm nhẹ xuống còn 3.357,8 tỷ đồng, khiến tỷ lệ đòn bẩy tài chính gia tăng. Nếu dòng tiền và lợi nhuận không sớm cải thiện, áp lực trả nợ sẽ tiếp tục đè nặng trong các quý sau.

Chúng tôi tập trung đầu tư chiều sâu vào phần thi công cốt lõi, đặc biệt là ngầm đô thị, đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia, để trở thành tập đoàn số 1, số 2 toàn thị trường về hai mảng này tại Việt Nam.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON

Có thể thấy sau quý đầu năm, FECON vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu và mở rộng hợp đồng mới. Tuy nhiên, bài toán lợi nhuận và thanh khoản đang trở thành điểm nghẽn. Trong bối cảnh doanh nghiệp bước vào chu kỳ giải ngân cao của đầu tư công, kỳ vọng về sự phục hồi là có cơ sở – nhưng điều đó sẽ phụ thuộc lớn vào việc FECON có kiểm soát tốt chi phí, đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu và thu hồi vốn từ các dự án trọng điểm hay không.

      Nổi bật
          Mới nhất
          FECON (FCN): Trúng thầu nghìn tỷ, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận ‘kém vui’
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO