EVFTA: Xuất khẩu gạo sang EU tăng gấp 4 lần

Cập nhật: 16:24 | 06/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Sau khi Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU đã có bước chuyển mình ấn tượng.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 6,5% trong năm nay

Giá gas hôm nay 6/4/2022: Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt

Giá thép hôm nay 6/4/2022: Tiếp đà tăng do thiếu hụt nguồn cung

Xuất khẩu gạo sang EU tăng gấp 4 lần nhờ cú hích từ EVFTA

Cụ thể, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay các doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 15.500 tấn gạo sang thị trường EU, giá trị thu về 11,7 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trước đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU cũng tăng 13,3% về lượng và 34,2% về trị giá trong năm 2021, đạt 63.927 tấn với trị giá 44,6 triệu USD.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, kết quả này cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả một số lợi thế từ Hiệp định EVFTA để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cước vận tải biển đi EU tăng mạnh và nhập khẩu gạo của thị trường này giảm trong năm 2021.

2218-xuatkhaugao
Ảnh minh họa

Đáng chú ý, trong khi giá xuất khẩu gạo bình quân của cả nước giảm 12,1% trong 2 tháng đầu năm xuống còn 469 USD/tấn thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn ghi nhận mức tăng 9% lên 755 USD/tấn.

Giá gạo của Việt Nam sang thị trường EU cao hơn mức trung bình của cả nước do chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường này chủ yếu là gạo thơm có giá trị cao. Các loại gạo thơm như: ST 24, ST 25, Jasmine, KDM… chiếm đến gần một nửa lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU trong 2 tháng với hơn 7.500 tấn, tăng 285,3% so với cùng kỳ. EU tuy không phải là khu vực tiêu thụ nhiều gạo nhưng đây lại là thị trường có nhiều tiềm năng đối với các loại gạo thơm có giá trị cao của Việt Nam.

Trong khối EU, Italy đã bất ngờ vươn lên dẫn đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong khối EU trong 2 tháng đầu năm với lượng nhập khẩu 6.353 tấn, tăng phi mã 26 lần so với cùng kỳ.

Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu gạo chủ lực khác của Việt Nam tại EU trong 2 tháng đầu năm nay gồm có Đức (2.362 tấn), Pháp (1.469 tấn), Hà Lan (1.439 tấn)…

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam sang EU trong 2 tháng đầu năm này gồm Công Ty TNHH XNK Đại Dương Xanh chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU, CTCP Tập đoàn Lộc Trời chiếm 15%, Công ty CP TM DV Gạo Thịnh chiếm 9,8%…

Cú hích từ EVFTA

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU dự báo còn tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.

Việc tận dụng lợi thế EVFTA để xuất khẩu gạo thơm với thuế 0% nằm trong tay các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu lớn, được canh tác theo tiêu chuẩn cao như Lộc Trời, Tân Long, Trung An…

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong những năm qua, một trong những nguyên nhân cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường EU là bởi thuế suất EU áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao.

Đồng thời, Việt Nam chưa được EU dành hạn ngạch thuế quan nên rất khó cạnh tranh với gạo của các nước khác như Thái Lan, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Pakistan được phân bổ lượng hạn ngạch thuế quan và các nước như Lào, Campuchia, Myanmar được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch.

Tuy nhiên, theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm).

Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hằng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.

Với nhu cầu ổn định, đặc biệt là ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Mặc dù vậy, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại châu Âu, cước vận tải biển vẫn duy trì ở mức cao có thể khiến việc khai thác các lợi thế của EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường EU gặp khó khăn trong năm 2022.

Giá lúa gạo hôm nay

Tại An Giang, giá lúa hôm nay (6/4) điều chỉnh 100 - 200 đồng/kg tại hai giống lúa là OM 5451 và OM 18. Trong đó, lúa OM 5451 hiện có giá là 5.600 - 5.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với ngày hôm qua. Trong khi đó, lúa OM 18 giảm 200 đồng/kg xuống còn 5.800 - 6.000 đồng/kg.

Các giống lúa khác tiếp tục chững lại trong ngày hôm nay. Theo đó, IR 50404 có giá khoảng 5.500 - 5.600 đồng/kg, Đài thơm 8 chững lại tại mốc 5.800 - 5.900 đồng/kg, lúa Jasmine tiếp tục có giá 5.700 - 5.900 đồng/kg, Nàng Nhen (khô) đi ngang tại mốc 11.500 - 12.000 đồng/kg, Nàng hoa 9 giữ mức 5.900 - 6.000 đồng/kg, lúa Nhật có giá 8.000 - 8.500 đồng/kg và OM 380 duy trì giá 5.500 - 5.600 đồng/kg.

Theo khảo sát, giá nếp hôm nay được điều chỉnh giảm từ 100 đồng/kg đến 300 đồng/kg. Cụ thể, nếp Long An (tươi) hiện có giá là 5.300 - 5.500 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với phiên giao dịch trước đó. Nếp AG (tươi) có giá 5.500 - 5.850 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg cùng ngày.

Giá gạo hôm nay tại chợ An Giang tiếp tục không biến động. Cụ thể, gạo thơm Jasmine đang có giá là 15.000 - 16.000 đồng/kg, Sóc thường tiếp tục giữ mốc 13.500 - 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài đi ngang khi thu mua với giá 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo nàng Nhen duy trì ở mốc 20.000 đồng/kg, gạo Hương Lài chững lại, giữ mức 19.000 đồng/kg và gạo trắng thông dụng đang có giá 14.000 đồng/kg.

Minh Phương