Elon Musk tung “vũ khí giao thông mới”: Không cần tài xế, không cần Uber
Elon Musk đang từng bước triển khai mô hình xe tự hành dựa trên công nghệ của Tesla.
Robotaxi: Bước nhảy lớn từ ý tưởng đến triển khai
Elon Musk – người sáng lập Tesla từ lâu đã không che giấu tham vọng thay đổi mô hình vận tải cá nhân. Với ông, xe tự hành không chỉ là một công nghệ mới mà là nền tảng cho một cuộc cách mạng. Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, ông từng khẳng định không cần mua lại Uber hay Grab, bởi mục tiêu của Tesla là phát triển một nền tảng robotaxi – dịch vụ gọi xe không cần tài xế, dựa trên công nghệ FSD (Full Self-Driving).

Theo đó, Tesla không chỉ sử dụng đội xe riêng mà còn cho phép chủ sở hữu xe Tesla chia sẻ phương tiện, tương tự như mô hình Airbnb áp dụng cho ô tô. Đây được xem là một chiến lược đột phá: tạo hệ sinh thái vận tải tự hành mà không cần đầu tư khổng lồ vào đội xe như các hãng taxi truyền thống.
Tận dụng lợi thế lớn về dữ liệu, Tesla hiện sở hữu hơn 5 triệu xe được trang bị phần mềm FSD, chạy tổng cộng khoảng 50 tỷ dặm mỗi năm – tương đương 160.000 km dữ liệu mỗi phút. Điều này tạo ra một kho dữ liệu khổng lồ để đào tạo thuật toán AI, đồng thời nâng cao khả năng xử lý tình huống và độ an toàn của hệ thống tự lái.
Tesla dự kiến triển khai dịch vụ robotaxi đầu tiên tại Austin (Texas) vào tháng 6/2025, với 10 xe ban đầu, và tăng dần lên hàng trăm xe trong vài tháng. Giai đoạn đầu sẽ kết hợp điều phối từ xa, trước khi hướng tới mô hình hoàn toàn tự hành không cần tài xế dự bị.
Dữ liệu, công nghệ và mục tiêu 1 triệu xe tự hành
Điểm mạnh nổi bật của Elon Musk trong cuộc đua robotaxi nằm ở chiến lược “tự lực toàn phần”. Không chỉ phát triển phần mềm, Tesla kiểm soát cả phần cứng, hệ điều hành và hạ tầng dữ liệu. Song song với đó là sự hỗ trợ từ các công ty khác trong hệ sinh thái của Musk như xAI và Twitter-X – nơi cung cấp thêm dữ liệu hành vi người dùng để tăng tính cá nhân hóa trong trải nghiệm xe tự hành.

Tham vọng không dừng lại ở Austin. Elon Musk đặt mục tiêu triển khai 1 triệu xe tự hành tại Mỹ trước cuối năm 2026, tùy thuộc vào quy định pháp lý ở từng bang. Nếu thành công, Tesla không chỉ dẫn đầu thị trường robotaxi mà còn đặt ra chuẩn mực mới cho ngành giao thông đô thị.
Theo Electro IQ, robotaxi và các công nghệ liên quan có thể tạo ra doanh thu 1.200 tỷ USD chỉ trong năm 2025. Trong khi đó, Coherent Market Insights dự báo thị trường robotaxi toàn cầu sẽ đạt 135,74 tỷ USD vào năm 2032, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên tới 64,1%.
Cạnh tranh, rào cản pháp lý và bài toán niềm tin
Dù sở hữu nhiều lợi thế, Elon Musk và Tesla cũng đối mặt với không ít thách thức. Một số công ty chọn cách tiếp cận khác: liên minh và chia sẻ nguồn lực. Ví dụ, Waymo (Alphabet) cung cấp dịch vụ robotaxi qua Uber tại một số thành phố của Mỹ, trong khi Lyft bắt tay với các đối tác như Mobileye và May Mobility để triển khai xe tự hành vào mùa hè 2025.
Tuy nhiên, liên minh đồng nghĩa với việc phụ thuộc vào bên thứ ba và không kiểm soát hoàn toàn về công nghệ – điều mà Musk luôn tránh. Thay vào đó, Tesla hướng tới kiểm soát toàn chuỗi, từ dữ liệu đến vận hành.
Dù vậy, bài toán an toàn vẫn là tâm điểm tranh cãi. Báo cáo quý IV/2024 của Tesla cho biết: trung bình mỗi 5,94 triệu dặm chạy với Autopilot sẽ có một vụ va chạm – thấp hơn nhiều so với mức 1 vụ mỗi 0,6 triệu dặm ở xe thông thường. Tuy nhiên, vẫn ghi nhận các vi phạm như vượt đèn đỏ hoặc lỗi nhận diện biển báo, khiến dư luận đặt dấu hỏi về mức độ an toàn tuyệt đối.
Mặt khác, quy định tại các bang của Mỹ còn rời rạc. Tesla vẫn đang chờ phê duyệt hoạt động robotaxi tại các bang lớn như California – nơi yêu cầu đặc biệt nghiêm ngặt. Cùng với đó là những vụ kiện liên quan đến tai nạn xe tự hành và tranh cãi về trách nhiệm pháp lý khi không có người lái trực tiếp.