Đường nhập khẩu "thâu tóm" thị trường Việt

Cập nhật: 11:31 | 19/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) dẫn số liệu của tổng cục Hải Quan Việt Nam cho biết ba tháng đầu năm 2021 đã xảy ra hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN.

Thị trường xuất khẩu thép bắt đầu giảm sau đà tăng phi mã vào tháng 3/2021

Giá cà phê hôm nay 19/5/2021: Vọt tăng mạnh mẽ

Giá xăng dầu hôm nay 19/5/2021: Dầu Brent đạt mức 70 USD

Cụ thể, lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam đã gia tăng mức độ bùng nổ ở mức hơn 188.200 tấn khi so sánh cùng kỳ với ba tháng đầu năm 2020 chỉ hơn 3.280 tấn.

"Mức tăng là 5735% so với cùng kỳ thực sự là hiện tượng không bình thường, và chắc chắn cả 5 nước ASEAN nêu trên hoàn toàn không có phát triển gì về sản xuất mía đường để có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng bùng nổ như vậy.

Thực chất đây là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, khi cả năm nước trên đều có nhập khẩu đường từ Thái Lan, và bản chất lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 nước ASEAN nêu trên đều có liên quan xuất xứ từ Thái Lan", VSSA nhận định.

Bên cạnh đó, trong tháng 4/2021, tình hình gian lận thương mại đường nhập lậu vẫn hoạt động, bất chấp việc gia tăng kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19.

0649-duongnhapkhau
Ảnh minh họa

Theo VSSA loại đường nhập khẩu từ các nước ASEAN (lẩn tránh thuế chống phá giá và chống trợ cấp) và đường “nhập lậu” từ Campuchia và Lào hoàn toàn làm chủ thị trường khiến cho đường sản xuất từ mía trong nước hầu như không thể tiêu thụ được.

Trong tháng 4/2021 hầu hết các nhà máy mía của ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2020-2021, chỉ còn nhà máy đường Sóc Trăng còn tiếp tục hoạt động.

Lũy kế đến cuối tháng 4/2021 toàn ngành đã ép được gần 6,3 triệu tấn mía sản xuất được 661.712 tấn đường. Ước tính sản lượng đường của vụ 2020-2021 sẽ đạt khoảng dưới 700.000 tấn, thấp hơn vụ trước 2019-2020.

Vụ ép mía đã vào giai đoạn cuối vụ, nhập khẩu đường chính ngạch từ Thái Lan và các nước ASEAN tiếp tục đưa về cộng với hoạt động tích cực của gian lận thương mại đường nhập lậu đưa một lượng đường lớn vào thị trường Việt Nam.

"Số liệu sản xuất đã bộc lộ thiệt hại vô cùng nghiêm trọng mà ngành đường Việt Nam phải gánh chịu trước sự tàn phá của nguồn đường phá giá có nguồn gốc nhập khẩu trong nhiều năm liên tiếp, cộng với tác động của biến đổi khí hậu những năm gần đây tại các vùng sản xuất mía", VSSA chia sẻ.

80 đại diện dự tham vấn công khai điều tra chống bán phá giá đường mía Thái Lan

Ngày 12/5, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức buổi tham vấn công khai dưới hình thức trực tuyến liên quan đến vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Buổi tham vấn công khai được thực hiện theo quy định tại Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và Điều 13 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm tạo cơ hội cho các bên liên quan đến vụ việc trình bày ý kiến, quan điểm cũng như cung cấp các thông tin có liên quan đến vụ việc.

Buổi tham vấn đã diễn ra với sự tham dự của hơn 80 đại biểu đại diện cho các nhóm bên liên quan đến vụ việc.

Cụ thể gồm đại diện phía Thái Lan (Chính phủ Thái Lan và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Thái Lan); đại diện các Bộ ngành có liên quan; đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp sản xuất trong nước; đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu và các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm thuộc đối tượng điều tra; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, tại buổi tham vấn, Cơ quan điều tra đã lắng nghe ý kiến của đại diện tất cả các nhóm bên liên quan về vụ việc.

"Tất cả các ý kiến, quan điểm của các bên liên quan sẽ được Cơ quan điều tra tổng hợp, xem xét và đánh giá kỹ lưỡng trong kết luận điều tra cuối cùng của vụ việc và đảm bảo việc điều tra được thực hiện một cách công bằng, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và WTO", Cục Phòng vệ thương mại cho biết.

Trước đó, ngày 20/8/2020, Bộ Công Thương nhận được Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của 6 doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước.

Ngày 21/9/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.

Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 477/QĐ-BTC về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo đó, các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%. Do đó, mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan là 48,88%.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tác động kinh tế - xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, ngành sản xuất, chế biến đường trong nước (gồm cả tạo điều kiện về nguyên liệu cho sản xuất), người tiêu dùng, Bộ Công Thương quyết định tạm thời thu thuế CBPG, CTC đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%.

"Mức thuế này sẽ được rà soát thường xuyên để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng nếu có biểu hiện chuyển mạnh từ nhập khẩu đường tinh luyện, đường trắng sang nhập khẩu đường thô để lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp ở mức cao hơn", đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khẳng định.

Thu Uyên (Tổng hợp)