Được trưởng thành trong nghề nghiệp là một cơ duyên lớn...

Cập nhật: 12:32 | 29/12/2021 Theo dõi KTCK trên

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài là một trong 67 Luật sư đầu tiên gia nhập Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh (10/1989), kiêm nhiệm Trưởng ban Chính trị xã hội Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. Năm 1995, ông chuyển sang hoạt động Luật sư chuyên nghiệp. Hiện, ông là Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Trung Hoài, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ Tòa án nhân dân Tối cao.

Là một Luật sư giàu kinh nghiệm nghề và có nhiều thời gian gắn bó với hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, hướng đến chào mừng Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III, ông muốn gửi đến độc giả Tạp chí Luật sư Việt Nam đôi điều tâm sự về nghề qua bài viết dưới đây.

Năm 2021, đã đi đến những ngày tháng cuối cùng, đánh dấu chặng đường gần tròn 40 năm sau khi tôi rời ghế giảng đường Khoa Luật quốc tế Trường Đại học Luật Hà Nội và hơn 32 năm hành nghề Luật sư, giật mình khi thấy thời gian trôi nhanh… Đây cũng là khoảng thời gian tôi có điều kiện va đập với đời sống tố tụng, chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp với nhiều biến động trong nền kinh tế thị trường và sự chuyển đổi cơ chế, chính sách và luật pháp, bên cạnh những người yếu thế, tự bản thân mỗi ngày được học hỏi và trưởng thành lên. Khi tham gia các hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam từ tháng 5/2009, tôi có cơ hội để dấn thân cùng các thành viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, mong muốn xây dựng Liên đoàn trở thành mái nhà chung của đội ngũ Luật sư Việt Nam, góp phần xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý cho Luật sư hành nghề, tạo sự tin cậy từ các chủ thể trong xã hội.

Cơ duyên với nghề Luật sư…

2923-1
Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam làm việc với lãnh đạo Bộ Công an ngày 23/8/2019 về việc góp ý xây dựng Thông tư mới bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra.

Khi mới gia nhập Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh (24/10/1989), những Luật sư mới vào nghề như chúng tôi rất bỡ ngỡ, lúng túng. Ấn tượng của tôi là tấm lòng của các Luật sư đồng nghiệp đi trước đã tận tình chỉ dẫn, dạy bảo những nền tảng căn bản, tố chất cần có của một Luật sư khi hành nghề như trong mái ấm của một gia đình. Quá trình tập sự thời đó có thể “chuyên nghiệp” hơn bây giờ, ngoài tham gia nghiên cứu hồ sơ, Luật sư tập sự được tham gia làm việc với khách hàng, được tranh tụng ở tòa án cấp quận huyện, thực hiện tất cả các kỹ năng và phạm vi hành nghề theo sự hướng dẫn của Luật sư thực thụ. Đặc biệt, để được công nhận là Luật sư chính thức, bên cạnh việc thực hiện bài kiểm tra viết, người tập sự phải trực tiếp bào chữa một vụ án đã đăng ký tại phiên tòa, phía sau có một hội đồng kiểm tra là các Luật sư thực thụ chứng kiến, đánh giá. Nói cách khác, người tập sự khi đó được “sống” trong môi trường hành nghề thật sự, có điều kiện trưởng thành từ trải nghiệm thực tế…

Sau khi kết thúc phiên tòa xét xử vụ cháy trụ sở Imexco, tôi được mời quay trở lại Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, nhận trách nhiệm Ủy viên biên tập, Trưởng ban Chính trị- xã hội Tuần báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, vừa hành nghề Luật sư kiêm nhiệm. Biết bao đắn đo, day dứt, lựa chọn từ bên trong tâm khảm của mình về sự dấn thân vào nghề báo hay nghề Luật sư, nhưng cuối cùng tôi đã quyết định chọn để trở thành Luật sư chuyên nghiệp vào đầu những năm 90.

Mỗi lĩnh vực, nghề nghiệp mà tôi có điều kiện trải nghiệm đều để lại những bài học, kinh nghiệm cho tôi được cơ hội trưởng thành, nhưng với quá trình được đào tạo, tôi ngày càng thấm thía hơn sứ mệnh cao quý của nghề Luật sư. Đó đơn giản không chỉ là nghề cung cấp dịch vụ, mà phải tích lũy được lượng kiến thức pháp lý và xã hội đủ dày để chia sẻ được tâm trạng, hoàn cảnh của những người yếu thế, thi thoảng là những người ở “tận đáy xã hội”, phải có bản lĩnh để vượt qua biết bao chông gai, trở ngại trên hành trình tiếp cận công lý, tôn trọng sự thật khách quan với sự tận hiến và tấm lòng yêu thương con người…

Bây giờ có điều kiện bình tâm nhìn lại, tôi nghĩ mỗi Luật sư đều cần cố gắng tự trau dồi kỹ năng, bồi đắp tố chất thông qua việc tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp và ngay trong thực tiễn đời sống tố tụng. Tự thân mỗi Luật sư không ai lựa chọn được khách hàng cho mình, cũng như không ai coi việc hành nghề là do may mắn, nên vẫn phải dấn thân để thực hiện chức phận cao quý của nghề nghiệp.

Đến với mái nhà chung của giới Luật sư

Khi tham gia hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam từ tháng 5/2009, tôi được Thường trực Liên đoàn phân công phụ trách công tác bảo vệ quyền lợi Luật sư và xây dựng pháp luật. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là cùng tập thể các thành viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ và Thường trực Liên đoàn gắn bó đoàn kết để cố gắng tạo lập vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư trong hành nghề, góp ý xây dựng và hoàn thiện pháp luật, kiến tạo môi trường pháp lý nhằm nâng cao vị thế của đội ngũ Luật sư trong xã hội.

Đã hơn 12 năm trôi qua, trong muôn vàn những khó khăn vì vừa hành nghề Luật sư, vừa tham gia công tác của Liên đoàn, tôi nhận được sự động viên, hỗ trợ của tập thể Thường trực Liên đoàn, Ban Thường vụ và Hội đồng Luật sư toàn quốc, cố gắng tham gia các hoạt động của Liên đoàn trên tất cả các lĩnh vực. Theo cảm nhận của tôi, từ chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đội ngũ Luật sư Việt Nam có cơ hội phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu của các chủ thể xã hội. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, Liên đoàn cũng đã chú tâm tham gia nhiều hơn vào hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật, đề xuất được một chương riêng về bào chữa, bảo vệ quyền lợi trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; góp ý để Bộ trưởng Bộ Công an ban hành thông tư bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra; các luật và nghị định, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, đề xuất và góp ý phát triển nguồn án lệ. Công tác bảo vệ quyền lợi Luật sư đã từng bước đi vào nề nếp, giải quyết kịp thời các yêu cầu bảo vệ của các Luật sư, nhận được sự hồi đáp và quan tâm giải quyết của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, tôi cũng có được niềm vui chia sẻ với các đồng nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong hành nghề, kinh nghiệm, kỹ năng tranh tụng trong các chương trình đào tạo bồi dưỡng của Liên đoàn, tham gia các chương trình đối thoại với các cơ quan tiến hành tố tụng, giảng bài tại Học viện Tư pháp, các Trường Cảnh sát và Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh, các lớp tập huấn với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế, Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, Đoàn Luật sư Cộng hòa Liên bang Đức…

Liên đoàn Luật sư Việt Nam qua 2 nhiệm kỳ đã mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức Luật sư quốc tế và quốc gia có nghề luật phát triển và trong khu vực, trong đó là thành viên của Hiệp hội Luật sư quốc tế (IBA), Hội Luật châu Á - Thái Bình Dương (LawAsia). Thông qua các dự án và chương trình hợp tác, Liên đoàn đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quý trong tổ chức hoạt động của tổ chức Luật sư quốc gia có nghề luật phát triển, kinh nghiệm trong các phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý và cách thức tạo lập sự tin cậy, gắn bó của các Luật sư. Mặc dù có sự khác biệt về mức độ phát triển, mô hình tố tụng, nhưng nghề Luật sư ở mỗi quốc gia bao giờ cũng cần vị thế độc lập trong hành nghề, dấn thân bảo vệ công lý và lẽ phải, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, hướng đến tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp.

Tuy khoảng cách có sự chênh lệch khá lớn cả về chiều dài lịch sử của nghề, tầm vóc và quy mô, tố chất nội lực của đội ngũ Luật sư ở Việt Nam, nhưng tôi thấy những thách thức của nghề Luật sư trước nhu cầu đóng góp cho sự phát triển của nền tư pháp công bằng, gần gũi và tạo thuận tiện cho người dân trong việc tiếp cận công lý thì ở đâu cũng như nhau.

Bản thân tôi nhận thấy hoạt động của Liên đoàn, các Ủy ban trực thuộc và từng cá nhân thành viên Hội đồng Luật sư toàn quốc có thể chưa đáp ứng hết nguyện vọng và tâm tư của đội ngũ Luật sư, nhưng chắc chắn ai cũng luôn tâm niệm cố gắng làm hết trách nhiệm để vượt qua những khó khăn, mong muốn sự gắn kết trên tinh thần đồng nghiệp của mỗi Luật sư thành viên, xây dựng Liên đoàn thật sự trở thành mái nhà chung của giới Luật sư Việt Nam.

Theo LSVN.VN

Tin liên quan