Được “ông trùm” Hóa chất Đức Giang (DGC) hậu thuẫn, Ắc quy Tia Sáng (TSB) “thử sức” với pin lithium, đặt mục tiêu lãi năm 2024 tăng gấp đôi

Cập nhật: 10:34 | 27/02/2024 Theo dõi KTCK trên

Năm 2024, Ắc quy Tia Sáng đặt mục tiêu doanh thu đạt 200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8 tỷ đồng, đồng thời phát triển mặt hàng mới là pin lithium và ắc quy chì dùng cho xe đạp và xe máy. Kế hoạch sản xuất kinh doanh nói trên được xem bước khởi đầu cho tham vọng của “ông trùm” đứng sau - Hoá chất Đức Giang.

Mới đây, Công ty CP Ắc quy Tia Sáng (HNX: TSB) đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 dự kiến tổ chức ngày 15/3 tại TP. Hải Phòng với nhiều nội dung quan trọng.

Về kế hoạch kinh doanh, bước sang năm 2024, doanh nghiệp đạt mục tiêu sản xuất 140.000 Kwh ắc quy các loại, qua đó mang về 200 tỷ đồng doanh thu, tăng 27% so với thực hiện năm 2023. Lợi nhuận sau thuế được kỳ vọng đạt 8 tỷ đồng, tăng 90% so với thực hiện năm 2023. Ắc quy Tia sáng dự kiến chia cổ tức ở mức 10%. Về phía người lao động, thu nhập ước tính ở mức 14 triệu đồng/người/tháng.

Được “ông trùm” Hóa chất Đức Giang (DGC) hậu thuẫn, Ắc quy Tia Sáng (TSB) “thử sức” với pin lithium, đặt mục tiêu lãi năm 2024 tăng gấp đôi
Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Ắc quy Tia Sáng

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng lên kế hoạch sửa chữa nhà xưởng và thay thiết bị cắt điện cực. Đặc biệt, Ắc quy Tia Sáng sẽ sản xuất và phát triển các mặt hàng mới như pin lithium, ắc quy chì dùng cho xe đạp và xe máy đồng thời tăng cường mở rộng thêm các nhà phân phối trên địa bàn còn thiếu.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh nói trên được giới quan sát nhìn nhận là bước khởi đầu cho tham vọng của “ông trùm” hoá chất đứng sau Ắc quy Tia Sáng - Công ty CP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (HOSE: DGC). Cần biết, sau khi thâu tóm thành công Ắc quy Tia Sáng, Hoá chất Đức Giang đã đặt mục tiêu đẩy doanh thu của công ty con lên mức 1.000 tỷ đồng với chiến lược tận dụng nền tảng của Ắc quy Tia Sáng để sản xuất pin lithium - một yếu tố rất quan trọng cho dòng xe điện hiện nay nhưng Việt Nam lại chưa thể sản xuất mà vẫn đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác. Nếu thành công, đây sẽ là pin lithium đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam.

Được “ông trùm” Hóa chất Đức Giang (DGC) hậu thuẫn, Ắc quy Tia Sáng (TSB) “thử sức” với pin lithium, đặt mục tiêu lãi năm 2024 tăng gấp đôi
Ắc quy Tia Sáng sẽ sản xuất pin lithium trong năm 2024

Trở lại với cuộc họp ĐHĐCĐ tới đây của Ắc quy Tia Sáng, một nội dung đáng chú ý khác là phương án phân chia lợi nhuận. Được biết, tính đến ngày 31/12/2023, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại của Ắc quy Tia Sáng là gần 3,6 tỷ đồng. Tính thêm khoảng gần 155 triệu đồng tiền lợi nhuận còn lại chưa phân phối từ năm 2022 chuyển sang, lợi nhuận còn lại để phân phối của doanh nghiệp là hơn 3,75 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ được Ắc quy Tia Sáng sử dụng để chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 với mức chi trả là 5,56%.

Về nhân sự, doanh nghiệp cũng trình cổ đông việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT với bà Nguyễn Thị Thanh Hà sau khi vị này từ nhiệm vào ngày 15/2. Người được bầu bổ sung là ông Lương Thanh Tuyến.

Thương vụ M&A đình đám năm 2023

Theo tìm hiểu, Ắc quy Tia Sáng có tiền thân là nhà máy Ắc quy Tam Bạc, được thành lập ngày 2/9/1960 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng. Tháng 5/1993, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Ắc quy Tia Sáng và đến tháng 10/2004 thì chuyển đổi thành công ty cổ phần thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem). Hoạt động kinh doanh chính của Ắc quy Tia Sáng là sản xuất các loại ắc quy chì - axit tích điện khô, ắc quy kín khí miễn bảo dưỡng, kinh doanh các nguyên vật liệu, vật tư thuộc ngành sản xuất ắc quy, xuất nhập khẩu trực tiếp ắc quy các loại, các phụ kiện, nguyên vật liệu, vật tư cho sản xuất ắc quy và thiết bị máy móc phục vụ sản xuất ắc quy.

Được “ông trùm” Hóa chất Đức Giang (DGC) hậu thuẫn, Ắc quy Tia Sáng (TSB) “thử sức” với pin lithium, đặt mục tiêu lãi năm 2024 tăng gấp đôi
Đầu tháng 2/2023, Ắc quy Tia Sáng chính thức “về tay" Hoá chất Đức Giang

Đầu tháng 2/2023, Ắc quy Tia Sáng chính thức “về tay" Hoá chất Đức Giang, sau khi “ông trùm” ngành hoá chất hoàn tất mua vào hơn 3,4 triệu cổ phiếu TSB, nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này từ 0% lên 51%. Đây được xem là một trong những thương vụ M&A “đình đám" nhất năm 2023 bởi những đường đi nước bước mà Hoá chất Đức Giang thực hiện.

Còn nhớ, theo kế hoạch thoái vốn Nhà nước, tháng 12/2022, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã thông báo đấu giá toàn bộ hơn 3,4 triệu cổ phiếu TSB nắm giữ với giá khởi điểm là 39.200 đồng/cổ phiếu, cao gấp 4 lần thị giá trên sàn. Đầu tháng 1/2023, Vinachem bán hết số cổ phiếu nói trên cho hai cá nhân với mức giá bằng giá khởi điểm và thu về gần 135 tỷ đồng. Trong đó, bà Bùi Thị Hà Thu mua gần 3,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 45,9% vốn điều lệ (trở thành cổ đông lớn nhất), còn bà Nguyễn Thị Thu Hà mua số còn lại, tương ứng 5,1% vốn điều lệ.

Đáng nói, bà Bùi Thị Hà Thu là vợ của ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng Giám đốc Hoá chất Đức Giang và hai tháng sau đó, “ông trùm” ngành hoá chất đã mua lại toàn bộ số cổ phần của bà Hà Thu cùng bà Thu Hà với giá bằng giá đấu giá, hoàn tất việc “thâu tóm” Tibaco. Những diễn biến này khiến giới quan sát đặt ra giả thuyết rằng, Hoá chất Đức Giang đã chủ ý “mượn” người tham gia thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Tibaco.

Giả thuyết nói trên sau đó đã được chính Tập đoàn này xác nhận. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 tổ chức ngày 29/3, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Hoá chất Đức Giang tiết lộ, doanh nghiệp này đã lên kế hoạch mua lại phần vốn của Vinachem tại Tibaco trong bí mật và dùng cách “đi đường vòng” vì sợ các đối thủ sẽ tham gia và đẩy giá mua lên cao.

Mặc dù lựa chọn “đi đường vòng” nhưng thương vụ M&A của Hoá chất Đức Giang lại diễn ra trong thời gian khá ngắn, chỉ vỏn vẹn 3 tháng, cho thấy sự nhạy bén của doanh nghiệp này trong “cuộc chơi" thoái vốn Nhà nước.

Thương vụ M&A nói trên cũng được đánh giá là mang lại lợi ích cho tất cả các bên có liên quan. Đối với Hoá chất Đức Giang, việc sở hữu Ắc quy Tia Sáng sẽ giúp Tập đoàn này mở rộng phát triển sản xuất pin lithium phosphate - một sản phẩm quan trọng của ngành công nghiệp xe điện, vốn được đánh giá có nhiều tiềm năng trong tương lai.

Về phía Ắc quy Tia Sáng, việc “về chung nhà” với chất Đức Giang cũng mở ra cơ hội tận dụng các lợi thế về công nghệ, quản trị và vốn của tập đoàn này để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường ắc quy. Còn Vinachem, rõ ràng, thương vụ thoái vốn đã mang về một “món hời” khi giá đấu giá cao hơn gấp đôi so với thị giá của cổ phiếu TSB trên thị trường chứng khoán.

Hóa chất Đức Giang (DGC) "nuốt trọn" một doanh nghiệp phốt pho 3 tháng tuổi ở Lào Cai

Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) vừa mạnh tay chi 635 tỷ đồng để mua lại toàn bộ vốn của ...

Gia đình chủ tịch DGC nắm quyền kiểm soát Ắc quy Tia Sáng (TSB)

Từ thời điểm nhóm cổ đông trên gia tăng tỷ lệ sở hữu, giá cổ phiếu TSB điều chỉnh từ mức đỉnh 46.800 đồng/cp xuống ...

Về tay Hóa chất Đức Giang, lợi nhuận quý I của Ắc quy Tia sáng (TSB) giảm tốc

Về tay chủ mới là Hóa chất Đức Giang, Ắc quy Tia sáng công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 không mấy khả quan, ...

Hà Lê

Tin cũ hơn
Xem thêm