Được gọi mỹ miều là "Xứ", tỉnh này nói không với sáp nhập: Là quê hương của vị Lãnh tụ vĩ đại, có diện tích rộng lớn nhất Việt Nam
Nghệ An và 10 địa phương không sáp nhập là minh chứng rõ nét cho cách tiếp cận linh hoạt, phù hợp thực tiễn trong cải cách bộ máy hành chính.
Trong dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, 52 tỉnh, thành phố được đề xuất sáp nhập để tinh gọn bộ máy hành chính. Tuy nhiên, 11 địa phương được giữ nguyên, không sáp nhập, đang đặt ra một góc nhìn quan trọng về việc cải cách có chọn lọc, không cào bằng và phù hợp với điều kiện thực tiễn từng nơi.

Danh sách 11 tỉnh, thành không thuộc diện sáp nhập gồm: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Theo cơ quan soạn thảo, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã căn cứ trên các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, truyền thống văn hóa - lịch sử, yếu tố địa kinh tế, quốc phòng – an ninh, cùng với số lượng đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc.
Căn cứ theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung năm 2022), các tỉnh phải đạt ba tiêu chuẩn về diện tích, dân số và số đơn vị cấp huyện. Cụ thể, tỉnh miền núi cần diện tích từ 8.000 km², dân số tối thiểu 0,9 triệu người; các tỉnh còn lại cần diện tích từ 5.000 km² và dân số từ 1,4 triệu người; thành phố trực thuộc trung ương phải có diện tích tối thiểu 1.500 km², dân số từ 1 triệu người trở lên. Bên cạnh đó, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện phải từ 9 trở lên.
Các tỉnh, thành không sáp nhập đều đáp ứng hoặc vượt mức các tiêu chí trên, đồng thời thể hiện được năng lực quản trị và tính ổn định trong hệ thống chính quyền. Việc không sáp nhập không đồng nghĩa với đặc cách, mà là hệ quả của sự phát triển bền vững và phù hợp với đặc điểm từng vùng.
Nghệ An – trường hợp điển hình của cải cách có chọn lọc
Trong số các tỉnh được giữ nguyên, Nghệ An là ví dụ tiêu biểu cho sự kết hợp giữa các tiêu chí hành chính và yếu tố văn hóa – lịch sử. Với quy mô dân số lớn, diện tích rộng nhất Việt Nam với 16.490,25 km2, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện đông đảo và hoạt động hiệu quả, Nghệ An không chỉ đáp ứng đủ tiêu chuẩn mà còn đang đóng vai trò đầu tàu phát triển khu vực Bắc Trung Bộ.
.jpg)
Tổng GRDP năm 2024 của tỉnh ước đạt 216.900 tỷ đồng (tương đương 8,9 tỷ USD), với các thế mạnh về công nghiệp nhẹ, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ y tế, giáo dục, logistics và tiềm năng khai thác biển. Bên cạnh đó là hàng loạt dự án hạ tầng lớn đang được triển khai như cao tốc Bắc – Nam, đường ven biển, cảng Cửa Lò, tạo điều kiện để Nghệ An bước vào giai đoạn tăng tốc mới.
Tuy nhiên, không chỉ số liệu kinh tế, bản sắc văn hóa cũng là yếu tố quan trọng tạo nên tính bền vững trong mô hình quản trị của địa phương. Nghệ An – thường được gọi là “Xứ Nghệ” – không chỉ là đơn vị hành chính mà còn là vùng văn hóa đặc thù với phương ngữ riêng, truyền thống học vấn, chính trị và quân sự lâu đời. Danh xưng “xứ” không phổ biến với mọi địa phương, mà chỉ được gắn với những vùng đất đã kết tinh đầy đủ yếu tố lịch sử và văn hóa qua thời gian dài.
Tiếng Nghệ, với đặc điểm âm vị riêng biệt, thể hiện chiều sâu ngôn ngữ và tâm lý vùng miền, không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là "mã di truyền văn hóa", không thể đánh giá đơn thuần bằng tiêu chí hành chính.
Sáp nhập – cần thiết nhưng không máy móc
Theo kết luận 126-KL/TW của Bộ Chính trị, việc sáp nhập các đơn vị hành chính phải được thực hiện có lộ trình, linh hoạt, tránh áp dụng máy móc. Điều này càng thể hiện rõ trong việc giữ nguyên những địa phương đã có nền tảng quản trị ổn định, đóng vai trò chiến lược về kinh tế, văn hóa và quốc phòng.
Giữ nguyên không đồng nghĩa với bảo thủ, mà là sự lựa chọn có cơ sở trong một quá trình cải cách có chọn lọc. Trong trường hợp Nghệ An và các địa phương tương tự, ổn định chính là nền tảng để phát triển vượt bậc.