Đừng chạy theo thị hiếu đám đông

Cập nhật: 09:09 | 06/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Tôi lăn lộn trên thị trường chứng khoán từ năm 2012. Trải qua bao nhiêu con sóng dập vùi, cũng gọi là có ít thành quả cho bản thân. Điều tôi cảm thấy tâm đắc nhất đó là đừng bao giờ chạy theo đám đông.

Trước đây quan điểm của tôi khác hoàn toàn bây giờ, khi đầu tư tôi luôn tìm hiểu đủ thứ.

Tôi luôn nhớ có câu ca dao như này :

Người ta đi cấy lấy công,

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.

Trông trời, trông đất, trông mây

Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.

Ngày ấy tôi đầu tư cũng để ý đủ thứ như vậy. Mỗi khi đầu tư bất kỳ cổ phiếu nào tôi lên các diễn đàn, group để tham khảo góc nhìn của mọi người về doanh nghiệp. Chắc ai từng tham gia thị trường thời đó sẽ biết. Khi mấy website về chứng khoán chưa nở rộ thì các diễn đàn và group chứng khoán lúc đó lúc nào cũng nườm nượp người theo dõi. Tôi tham khảo từ phân tích cơ bản cho tới phân tích kỹ thuật. Tôi đam mê theo những bài phân tích nội tại doanh nghiệp dài cả trang giấy rồi lại tìm đọc những bài viết về kỹ thuật để nghiên cứu điểm mua, điểm bán. Chưa cảm thấy thoả mãn, tôi tìm đọc tất cả các comment liên quan. Những bài viết mấy trăm trang trên F189 hay các group chứng khoán tôi đọc không thiếu comment nào.

Đừng chạy theo thị hiếu đám đông
Trong đầu tư, thay vì chạy theo đám đông nên chọn cho mình một con đường riêng

Thời điểm đầu sự chăm chỉ của tôi mang lại cho tôi khá nhiều thứ. Khi người ta tập trung toàn bộ công sức vào một cái gì thì không ít thì nhiều họ sẽ nhận được ít nhất một thành quả nào đó. Tôi học được khá nhiều góc nhìn thú vị và cách nhìn hay về các doanh nghiệp. Cũng nhờ sự chăm chỉ đó mà sau này tôi có một cái nền rất tốt khi đánh giá và nhìn nhận các doanh nghiệp. Cho tới giờ tôi vẫn biết ơn những người thầy online ngày đó đã giúp tôi có một cái gốc vững như bây giờ.

Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại. Khi chúng ta tới một nơi có nhiều luồng ý kiến khác nhau, học được nhiều thứ thì chúng ta cũng sẽ tiếp cận rất nhiều thông tin, đúng có sai có, có tích cực và tiêu cực cũng có. Thực sự, sau một thời gian dài mải mê đọc và đọc thì mình nhận ra các góc nhìn tiêu cực, các thông tin chưa chuẩn xác nhiều gấp rất nhiều lần so với những thông tin chính thống và có tính xây dựng. Đọc một hai lần thì cũng chẳng sao nhưng đọc nhiều dần dần tôi cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Đã có lúc tôi tự giật mình không hiểu sao bản thân lại tiêu cực như vậy. Càng tiếp xúc với nhiều người, góc nhìn của tôi càng ngày càng bớt đi sự nhiệt huyết.

Chưa kể tôi nhận ra phần lớn nhà đầu tư trên thị trường đến với chứng khoán với một tâm thế giống như đánh bạc, coi thị trường chứng khoán là một kênh kiếm tiền để đáp ứng các nhu cầu ngắn hạn của cuộc sống. Chính vì thế đa phần họ rất bị ảnh hưởng bởi các biến động ngắn hạn của thị trường. Chỉ cần một biến động xảy ra là họ nháo nhào tìm lý do để giải thích. Đám đông nháo nhào trước những đợt giảm của thị trường rồi khi có một phiên tăng mạnh đám đông lại nháo nhào lên lo sợ lỡ cơ hội. Tuy nhiên đa số những thứ cần ra quyết định ngay sẽ rất dễ dẫn tới sai lầm lớn. Bản chất đầu tư cần rất nhiều thời gian để ngẫm nghĩ và cân nhắc.

Cho tới cách đây 5 năm tôi phải tự rút ra khỏi đám đông một thời gian để cân bằng lại. Tôi đã rời bớt khỏi các hội nhóm trên thị trường, bớt đọc các diễn đàn lại, tự cho bản thân ra quyết định chậm hơn một chút khi trước các biến động trên thị trường.

Thời gian đầu thói quen cũ vẫn còn, tôi cảm thấy thiếu thốn và khó khăn vô cùng. Nhưng từ từ tôi cảm thấy cuộc sống của tôi dễ chịu hơn, các quyết định của tôi cũng không còn phụ thuộc vào người khác nữa. Khi mọi việc đều suy nghĩ kỹ thì việc ra quyết định sẽ có tỉ lệ thắng cao hơn nhiều. Từ từ tôi nhận ra không nhất thiết tôi cứ phải chạy theo đám đông và tự đặt câu hỏi tại sao đám đông lại ra quyết định như vậy. Nhận ra bản thân mình quyết định vì sao và cứ tuần tự đi theo lý do đó mà thôi.

Càng ngày tôi càng nhận ra đám đông là một thứ đáng sợ. Đám đông bị ảnh hưởng quá nhiều thứ. Họ có thể thổi phồng một kỳ vọng doanh nghiệp nhưng cũng có thể dẫm đạp lên nhau gây hoảng loạn trên diện rộng.

Để kết lại bài viết này, hãy cùng nhìn lại thống kê không chính thống mà chúng ta truyền tai nhau: "Trên thị trường chứng khoán 90% số nhà đầu tư là thua lỗ còn 10% còn lại là chưa thua lỗ!” Như vậy hà cớ gì chúng ta phải chạy theo 90% thua lỗ ấy làm gì cho mệt. Hãy cứ đi con đường riêng của chúng ta mà thôi.

Hi vọng sự chia sẻ của tôi sẽ giúp các bạn phần nào khi ra các quyết định đầu tư của riêng mình.

Đức Linh