Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi: Đề nghị bổ sung nguyên tắc xác định mức tham chiếu

Cập nhật: 10:45 | 27/05/2024 Theo dõi KTCK trên

Liên quan đến Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá tác động và nghiên cứu bổ sung một số nội dung, trong đó có nguyên tắc cụ thể để xác định mức tham chiếu.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 27/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung.

Tại phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Quang cảnh phiên làm việc sáng 27/5. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh phiên làm việc sáng 27/5. (Ảnh: DUY LINH)

Nguyên tắc xác định "mức tham chiếu"

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, nghị quyết số 27-NQ/TW quy định bãi bỏ “mức lương cơ sở” khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Như vậy, theo lộ trình thực hiện, từ 1/7 tới đây, sẽ không còn “mức lương cơ sở” để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết: Nội dung này chưa được dự liệu đầy đủ khi Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp 6 nên trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, qua nhiều lần đề nghị, ngày 15/5/2024, tại Báo cáo số 234/BC-CP, Chính phủ mới đề xuất thay “mức lương cở sở” bằng “mức tham chiếu” trong dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo Luật đã được bổ sung giải thích thuật ngữ “Mức tham chiếu” tại khoản 12 Điều 4 và sửa đổi, bổ sung tại 14 điều, khoản khác.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (Ảnh: DUY LINH)
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (Ảnh: DUY LINH)
Theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quy định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội trong Luật này. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm xã hội.

Do đây là nội dung mới được đặt ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá tác động và nghiên cứu bổ sung một số nội dung trong dự thảo Luật, bao gồm: Nguyên tắc cụ thể xác định mức tham chiếu trong dự thảo Luật, theo hướng bảo đảm tuân thủ quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 28-NQQ/TW; quy định giao Chính phủ hằng năm báo cáo Quốc hội về việc xây dựng và tổ chức thực hiện mức tham chiếu này đối với các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần bổ sung quy định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW để hài hòa với khu vực Nhà nước sau cải cách tiền lương, bảo đảm mọi người lao động khi về già có mức lương hưu đủ sống, không thấp hơn mức sống tối thiểu.

Đề nghị chỉ đạo việc rà soát bổ sung đầy đủ quy định điều khoản chuyển tiếp trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến “mức lương cơ sở” để ban hành hoặc trình ban hành quy định mới.

Quang cảnh phiên họp sáng 27/6. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh phiên họp sáng 27/6. (Ảnh: DUY LINH)

Liên quan đến mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần cũng như điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội thông tin: trên cơ sở Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phát hành Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý quy định của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án Chính phủ trình Quốc hội xem xét Điều 76, Điều 77 như thể hiện tại dự thảo Luật (đã cập nhật).

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, quy định tại Điều 76 và Điều 77 của dự thảo Luật chỉnh lý liên quan trực tiếp đến hàng triệu người đã, đang và sẽ hưởng lương hưu. Do đó, cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo trong bối cảnh cải cách tiền lương và cần đánh giá kỹ tác động đối với người hưởng lương hưu ở các thời điểm khác nhau, trong các khu vực, lĩnh vực khác nhau", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.

Vẫn khó chốt phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Liên quan đến điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án:

Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm:

Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.

Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Quang cảnh phiên họp sáng 27/5. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh phiên họp sáng 27/5. (Ảnh: DUY LINH)

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thêm về vấn đề này cũng như các phương án cụ thể để tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội thông qua", Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Về biện pháp xử lý việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ nội hàm, tách riêng các điều quy định về từng hành vi và biện pháp xử lý.

Về chế tài xử lý các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, trong đó, chế tài tạm hoãn xuất cảnh quy định theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn do chưa thống nhất với quy định của pháp luật về thuế và chế tài này đồng nghĩa với với việc dừng hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp tới cả doanh nghiệp và người lao động.

Về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cơ chế “đặc thù” theo hướng ghi nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động và đề ra phương thức giải quyết hưởng chế độ trong một số trường hợp cụ thể.

Về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về giao dịch điện tử trong tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến thảo luận tại Kỳ họp thứ 6. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, các nhà khoa học để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là dự án luật có nhiều nội dung lớn, phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội hóa cao, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp rất rộng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì nhiều cuộc họp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để cho ý kiến hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội. Cho đến nay, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu tối đa, giải trình cụ thể ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan tổ chức có liên quan. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về những vấn đề trọng tâm báo cáo đã nêu và những vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh thông tin, Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 147 điều (tăng 1 chương và tăng 11 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình) cùng 15 điểm mới.

Nguồn báo Nhân dân

Tin cũ hơn
Xem thêm