Đủ nắng hoa sẽ nở, đủ kỳ vọng HVN sẽ cất cánh
Cổ phiếu HVN lập đỉnh ngắn hạn với lực cầu lớn từ khối ngoại. Dự án đầu tư 50 tàu bay cùng chiến lược SLB mở ra kỳ vọng tăng trưởng mới cho Vietnam Airlines.
Cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa trải qua những giao dịch thăng hoa, với phiên tăng trần ngoạn mục ngày 21/5, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình phục hồi của hãng hàng không quốc gia.

Từ mức giá lình xình quanh mốc 34.000 đồng, HVN bất ngờ tăng trần lên 36.450 đồng, kèm theo khối lượng giao dịch bùng nổ và sự tham gia mạnh mẽ của khối ngoại. Kết hợp với những động thái chiến lược về nhân sự và dự án đầu tư đội tàu bay, HVN đang gửi đi tín hiệu sắc nét về tiềm năng tăng trưởng dài hạn, dù vẫn phải đối mặt với không ít thách thức.
Trong 5 phiên gần nhất từ ngày 15/5 đến 21/5, cổ phiếu HVN đã có màn trình diễn ấn tượng. Sau bốn phiên dao động trong biên độ hẹp, HVN bất ngờ tăng trần 2.350 đồng (+6,89%) trong phiên ngày 21/5, chốt ở mức 36.450 đồng. Nhìn rộng ra, trong vòng 1 năm qua, thị giá HVN đã bật tăng mạnh 66% từ mức 19.050 đồng/cp (9/8/2024).

Điểm nhấn là khối lượng giao dịch đạt hơn 7 triệu cổ phiếu, gần gấp đôi mức trung bình các phiên trước, phản ánh lực cầu đột biến và tâm lý nhà đầu tư chuyển từ thận trọng sang phấn khích.
Điểm sáng xuyên suốt là hoạt động mua ròng quyết liệt của khối ngoại. Trong 5 phiên, nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 5 triệu cổ phiếu và chỉ bán ra 217.100 cổ phiếu, với đỉnh điểm là phiên ngày 21/05 khi họ mua ròng hơn 2 triệu cổ phiếu, trong khi bán ra chưa đến 100.000 đơn vị. Tín hiệu này khẳng định niềm tin dài hạn của khối ngoại vào HVN, đặc biệt khi cổ phiếu này đã tăng 66% trong vòng một năm, từ mức 19.050 đồng (ngày 09/08/2024) lên 36.450 đồng.
Những biến động bên ngoài bảng điện: Thay đổi chiến lược, làm mới đội ngũ, mở rộng tầm nhìn
Bổ sung nhân sự cấp cao: Củng cố tầm nhìn quản trị quốc tế
Bên cạnh diễn biến sôi động trên sàn, Vietnam Airlines đã có những bước đi chiến lược quan trọng. Ngày 15/5/2025, ông Hidekazu Isone, Phó Tổng Giám đốc ANA Holdings Inc., được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) với nhiệm kỳ 5 năm, thay thế ông Daisuke Suzuki. Động thái này củng cố mối quan hệ hợp tác với ANA Holdings, một đối tác chiến lược có bề dày kinh nghiệm trong ngành hàng không.
Đồng thời, hãng tái bổ nhiệm ba Phó Tổng Giám đốc phụ trách khai thác bay (ông Tô Hoàng Giang), kỹ thuật (ông Nguyễn Chiến Thắng) và an toàn (ông Đinh Văn Tuấn), bắt đầu từ ngày 15/4/2025.
Dự án 50 tàu bay thân hẹp: Cú hích chiến lược dài hạn
Điểm nhấn lớn nhất là Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp, được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2025. Với tổng mức đầu tư 3,587 tỷ USD (tương đương 92.379 tỷ đồng), đây là dự án tham vọng nhất trong lịch sử Vietnam Airlines kể từ năm 1995. Dự án bao gồm mua mới 50 tàu bay dưới 200 ghế (tương đương dòng A320Neo/B737Max) và 10 động cơ dự phòng, với thời gian thực hiện từ 2025 đến 2050, tập trung bàn giao trong giai đoạn 2030-2032.
Để tài trợ, Vietnam Airlines sử dụng kết hợp vốn chủ sở hữu (1,6 tỷ USD, chiếm 46,4%), vốn vay (1,9 tỷ USD), và cấu trúc bán và thuê lại (SLB) cho 25 tàu bay, dự kiến thu về 1,6 tỷ USD. Việc tiếp nhận tàu bay trải đều từ 2030-2032, cùng với SLB, giúp giảm áp lực dòng tiền và cân đối cơ cấu tài sản. Hãng cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn hai đợt (9.000 tỷ đồng trong năm 2025 và 13.000 tỷ đồng sau đó), đồng thời tái cơ cấu đội tàu bay và các khoản đầu tư để bổ sung nguồn vốn. Với sự quan tâm từ các đối tác lớn và tổ chức tín dụng quốc tế, phương án SLB được đánh giá khả thi cao, mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh của Vietnam Airlines.