Dự kiến khởi công 3 dự án cao tốc trọng điểm phía Nam vào năm 2023

Cập nhật: 12:46 | 08/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể mới đây thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội tờ trình về Chủ trương đầu tư giai đoạn 1 các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu.

Từ cuối tháng 7/2022: Thu phí tự động toàn bộ các tuyến cao tốc do VEC quản lý

Tình hình dự án cao tốc 26.600 tỷ đồng do Vingroup - Techcombank nghiên cứu

Theo Tờ trình, 3 dự án cao tốc này có vai trò vô cùng cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao, giải quyết các “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác tối ưu lợi thế của vùng Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Về phạm vi, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54 km, kết nối TP Biên Hòa với cảng biển Cái Mép - Thị Vải; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án 17.837 tỷ đồng, gồm chi phí xây dựng khoảng 7.833 tỷ đồng.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117 km, kết nối TP Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188 km qua 4 tỉnh, thành phố, kết nối TP Châu Đốc với cảng biển Trần Đề; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng.

4036-cao-tyc
Sơ đồ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Chính phủ đã xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù, nếu được áp dụng, dự kiến đầu tư năm 2022, khởi công năm 2023. Tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu cơ bản hoàn thành năm 2025; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành một số đoạn có lưu lượng lớn năm 2025 và toàn tuyến năm 2026.

Thẩm tra Chủ trương đầu tư 3 dự án cao tốc kể trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ Uỷ ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án.

Uỷ ban Kinh tế đề nghị các địa phương cần cập nhật, cụ thể hóa các dự án này trong quy hoạch tỉnh để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch, đặc biệt là việc kết nối thuận lợi cảng biển, cảng hàng không, các khu công nghiệp, du lịch, trung tâm logistics…

Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ suất đầu tư và so sánh với các dự án cao tốc tương tự để làm rõ sơ bộ tổng mức đầu tư của các dự án này. Đặc biệt làm rõ các loại chi phí chi bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc với quy mô yêu cầu kỹ thuật phức tạp trong cùng một thời gian ngắn sẽ cần một nguồn lực rất lớn, trong khi các địa phương được giao triển khai thực hiện 3 dự án cũng chưa có kinh nghiệm về tổ chức thực hiện dự án đường cao tốc.

Do đó, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc triển khai 3 dự án sẽ gặp khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng, vì vậy đề nghị cần phải đánh giá một cách đầy đủ hơn về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, thi công để có giải pháp kịp thời, đồng bộ.

Chính phủ và các địa phương cần cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho các dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai, đồng thời cần tăng cường vai trò của Bộ Giao thông Vận tải trong việc tổ chức thực hiện.

Nguyên Thảo

Tin cũ hơn
Xem thêm