Dự báo nhu cầu dầu thô tiếp tục giảm trong năm 2022

Cập nhật: 08:30 | 03/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Trong tháng 5, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô năm 2022 và đây là lần hạ dự báo thứ hai liên tiếp.

Giá xăng dầu "leo thang": Hàng loạt hàng hóa sẽ kéo theo?

Giá xăng dầu hôm nay 2/6/2022: Tăng thêm gần 1.000 đồng/lít

Giá xăng tăng kỷ lục: Vượt 31.500 đồng/lít

Theo trang Oilprice.com, trước thềm cuộc họp ngày 2/6 (theo giờ địa phương), Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) dự báo nhu cầu dầu thô năm 2022 khoảng 200.000 thùng/ngày.

Theo báo cáo của JTC, nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới ước đạt khoảng 3.4 triệu thùng/ngày trong năm nay. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và dịch COVID-19 được cho là những biến số, tiềm ẩn rủi ro đối với mặt hàng này.

Trong tháng 5, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô năm 2022 và đây là lần hạ dự báo lần thứ hai liên tiếp. Theo đó, tổ chức này cho rằng tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu thô năm 2022 sẽ thấp hơn 310.000 thùng/ngày so với báo cáo đưa ra hồi tháng 4.

0317-dautho
Ảnh minh họa

Thị trường dự đoán sau cuộc họp OPEC+, sản lượng khai thác trong tháng 7 sẽ chỉ tăng nhẹ. Mặc dù EU áp lệnh trừng phạt tới 2/3 lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga nhưng có vẻ OPEC+ cũng không có ý định nâng hạn mức sản lượng.

Trước đó, nguồn tin nội bộ OPEC+ cho biết nhóm này có thể chỉ nâng nhẹ mục tiêu sản lượng của tháng 7 lên 432.000 thùng/ngày, bất chấp lời kêu gọi của phương Tây về việc đẩy mạnh khai thác hơn nữa nhằm hạ nhiệt giá dầu thô.

Các quốc gia phương Tây, đang vật lộn với tỷ lệ lạm phát kỷ lục, đe dọa tăng trưởng kinh tế và họ liên tục yêu cầu OPEC+ đẩy nhanh việc tăng sản lượng.

Theo một thỏa thuận đạt được vào tháng 7 năm ngoái, OPEC+ thống nhất tăng sản lượng khai thác dầu thô khoảng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng. Một số thành viên của OPEC đang cân nhắc tới khả năng tạm hoãn nghĩa vụ thực hiện thoả thuận sản lượng khai thác đối với Nga.

Việc đình chỉ vai trò của Nga trong nhóm có thể cho phép các thành viên khác tăng sản lượng dầu với tốc độ nhanh hơn - mặc dù chỉ có một số thành viên OPEC được cho là có khả năng làm điều này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến thăm Ả Rập Arab Saudi vào 31/5 và gặp người đồng cấp là ông Faisal bin Farhan Al Saud. Các bộ trưởng ca ngợi thỏa thuận OPEC+ và sự hợp tác giữa Nga và Saudi Arabia trên thị trường dầu mỏ.

Đường đi nước bước của OPEC 'rối như tơ vò' khi phương Tây cấm vận dầu mỏ Nga

Ông Daniel Yergin - Phó Chủ tịch S&P Global, cho hay: "Nếu phương Tây ngừng cung cấp dịch vụ bảo hiểm đối với các tàu chở dầu của Nga, điều đó sẽ thực sự làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung và chắc chắn đây sẽ là một mùa hè đầy biến động".

"Nếu không có bảo hiểm hàng hải, hầu hết các tàu chở dầu sẽ không chấp nhận ra khơi vì rủi ro là rất lớn", Phó Chủ tịch S&P Global nhấn mạnh.

Hầu hết bảo hiểm cho tàu chở dầu được cung cấp bởi các công ty bảo hiểm có trụ sở tại London. Ông Yergin nhấn mạnh: "Bảo hiểm không được chú ý như các lô dầu thô, nhưng chúng có ý nghĩa quan trọng".

Bà Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại RBC, bình luận: "Tôi nghĩ ban lãnh đạo OPEC sẽ không muốn làm bẽ mặt Nga ngay lúc này. Họ sẽ tìm cách từ từ luồn kim qua sợi chỉ".

Theo bà Croft, thỏa thuận sản lượng hiện tại của OPEC+ chỉ còn kéo dài thêm 4 tháng nữa và kết thúc cuộc họp hôm nay, liên minh dầu mỏ dự kiến sẽ bơm thêm khoảng 432.000 thùng dầu ra thị trường mỗi ngày.

Vị chuyên gia của RBC lưu ý, ngay cả khi OPEC+ điều chỉnh thỏa thuận sớm hơn, vẫn không rõ thị trường sẽ được xoa dịu tới mức nào, vì công suất dự phòng của các nước thành viên đang rất hạn chế và cuộc chiến tại Ukraine chưa tới hồi kết.

Tuy nhiên, bà Croft cho biết, có khả năng Arab Saudi sẽ "hủy bỏ" thỏa thuận trước thời hạn chính thức như một phần trong cuộc "thương lượng giá hời" với chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Trong cuộc phỏng vấn khác với CNBC, ông John Kilduff, đối tác cấp cao tại Again Capital, cho biết dầu thô của Nga có thể bị hạn chế tiếp cận thị trường nhưng không thể bị loại bỏ hoàn toàn.

"Chúng ta đang ở một tình thế rất khó khăn, nhưng thực tế không hẳn quá đáng ngại. Nga có thể lách trừng phạt, như cách Iran từng làm. Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tiếp tục mua dầu. Các tàu chở hàng sẽ trung chuyển dầu giữa đêm ngoài biển…", ông Kilduff giải thích.

Ông Kilduff cho rằng giá dầu WTI không thể quay lại mức đỉnh tháng 3, vì Trung Quốc là một nhân tố khó lường và nhu cầu của đất nước tỷ dân có thể không cao như kỳ vọng khi họ mở cửa lại nền kinh tế. Chưa kể, OPEC dự báo sẽ thặng dư nguồn cung 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Thu Uyên (Tổng hợp)