Dự báo kinh tế khó khăn, Cao su Việt Nam (GVR) 'quay đầu' hạ kế hoạch kinh doanh 2023

Cập nhật: 22:14 | 30/05/2023 Theo dõi KTCK trên

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dự báo năm nay sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do vậy đã hạ kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế so với năm ngoái.

Cao su Việt Nam (GVR) hạ kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023, chia cổ tức 3%

Năm 2023, Cao su Việt Nam (GVR) đặt kế hoạch doanh thu và thu nhập khác hợp nhất là 27.527 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.264 tỷ đồng, giảm lần lượt gần 3% và 11% so với kết quả năm ngoái.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HOSE: GVR) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 dự kiến tổ chức vào ngày 16/6 theo hình thức online.

Cao su Việt Nam dự kiến sẽ thông qua các tờ trình đã công bố về kế hoạch phân chia lợi nhuận năm 2022, kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023.

Theo đó, năm 2023, Cao su Việt Nam đặt kế hoạch doanh thu và thu nhập khác hợp nhất là 27.527 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.264 tỷ đồng, giảm lần lượt gần 3% và 11% so với kết quả năm ngoái.

Về phương án phân phối lợi nhuận, tập đoàn dự kiến trình mức chia cổ tức với tỷ lệ 3,5%/vốn điều lệ, tương ứng 1.400 tỷ đồng. Năm 2023, tỷ lệ này là 3% (tương ứng 1.200 tỷ đồng).

Năm nay, tổng mức đầu tư dự kiến là 1.581 tỷ, gấp gần 3,5 lần cùng kỳ, trong đó 1.203 tỷ đồng là đầu tư tài chính ngắn hạn, số còn lại là đầu tư xây dựng cơ bản.

Nguồn vốn lấy từ vốn chủ sở hữu và vốn vay. Năm 2022, Cao su Việt Nam thu về 885 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay, đóng góp gần 20% vào lợi nhuận sau thuế.

Lý giải về việc hạ mục tiêu kinh doanh, Cao su Việt Nam cho biết năm nay sẽ là một năm doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, giá bán mủ cao su (nguồn thu chính của công ty) liên tục suy giảm và khó tiêu thụ.

Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, Cao su Việt Nam cho biết sẽ bám sát kế hoạch khối lượng năm 2023 của các đơn vị thành viên, đặc biệt tại 5 lĩnh vực lớn gồm nông nghiệp, công nghiệp, công nghiệp cao su, chế biến gỗ và thủy điện, nhằm đảm bảo nguồn thu ngay cả khi giá bán có sự suy giảm…

Các đơn vị thành viên chỉ thực hiện đầu tư các hạng mục, dự án có hiệu quả kinh tế cao và cấp thiết nhằm gia tăng năng lực sản xuất, hạn chế tối đa các khoản đầu tư làm phát sinh thêm chi phí. Nguồn vốn cân đối được trong năm kế hoạch tập trung trả nợ ngân hàng để giảm áp lực về tài chính.

Tại công ty mẹ của Cao su Việt Nam, nguồn vốn tích tụ, tập trung đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp; các dự án chế biến gỗ quy mô lớn…

Trong năm 2023, các nội dung trọng tâm của Cao su Việt Nam sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ chính, bao gồm hoàn thành việc trình và phê duyệt tăng vốn điều lệ cho các công ty cao su TNHH MTV để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đồng thời, trình và thực hiện đề án tái cơ cấu tập đoàn giai đoạn 2021 – 2025, trong đó trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành, sáp nhập doanh nghiệp; chuyển đổi loại hình doanh nghiệp gắn với việc thoái vốn đầu tư và phát triển các khu công nghiệp trên đất cao su.

Bên cạnh đó, Cao su Việt Nam cũng đề ra nhiều giải pháp trong việc sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, quan tâm triển khai các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo báo cáo tài chính quý I/2023, Cao su Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần 4.135 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp ở mức 24%, giảm 6 điểm phần trăm so với quý I/2022.

Lý giải về lợi nhuận gộp giảm, phía Tập đoàn cho biết, tình hình kinh tế chung biến động theo chiều hướng khó khăn làm giá bán các mặt hàng chủ yếu giảm so với cùng kỳ, trong khi đó, giá cả nhiều mặt hàng đầu vào tăng mạnh.

Cao su Việt Nam cũng ghi nhận doanh thu tài chính tăng 30% so với cùng kỳ, lên mức 231 tỷ đồng nhờ khoản lãi tiền gửi đạt 194 tỷ đồng, tăng 39%. Trong khi đó, chi phí tài chính ở mức 143 tỷ đồng (gồm 121 tỷ đồng chi phí lãi vay) lại có sự sụt giảm nhẹ.

Đáng chú ý, Tập đoàn ghi nhận lỗ 11 tỷ đồng tại công ty liên kết trong khi cùng kỳ lãi gần 53 tỷ đồng. Điều này đến từ việc công ty lỗ gần 12 tỷ đồng từ Côgn ty CP Gỗ MDF VRG - Dongwha (cùng kỳ lãi 54 tỷ đồng).

Lợi nhuận khác cũng giảm 16%, xuống còn 336 tỷ đồng do giảm ghi nhận các khoản tiền bồi thường. Ngoài ra, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp không có sự thay đổi đáng kể so với cùng kỳ nên Cao su Việt Nam có lợi nhuận sau thuế 756 tỷ đồng và lãi ròng 550 tỷ đồng, lần lượt giảm 43% và 48% so với cùng kỳ.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên ngày 30/5, cổ phiếu GVR tăng 1,1% lên 18.400 đồng/cp.

Cao su Việt Nam (GVR) lãi ròng đạt 550 tỷ đồng trong quý I, nguy cơ mất trắng hơn 600 tỷ nợ xấu

Tại thời điểm cuối quý I/2023, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có khoản nợ xấu 1.020 tỷ đồng và dự kiến chỉ ...

Cao su Việt Nam (GVR) ước lãi hơn 4.400 tỷ đồng sau 9 tháng

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (sàn: GVR, mã: HOSE) đã công bố ước tính kết quả kinh ...

Cao su Việt Nam (GVR) dự chi hơn 1.600 tỷ đồng cổ tức 2021

Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (HoSE - Mã: GVR) công bố Nghị quyết HĐQT thống nhất trả cổ tức 2021 bằng tiền. ...

Phúc Lâm