Dòng tiền cực xấu, CII tăng vay để trả nợ ngân hàng

Cập nhật: 15:17 | 20/09/2021 Theo dõi KTCK trên

CII cho biết sẽ dùng 500 tỷ đồng huy động được từ kênh trái phiếu để thanh toán nợ gốc tại VPBank, đầu tư vào hai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 và dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội.

Chứng khoán phiên chiều 20/9: Bất ngờ cuối phiên, VN-Index mất hơn 2 điểm

Louis Land (BII) sắp giải thể, bán vốn tại hàng loạt công ty con

5255-cii-3
Dòng tiền cực xấu, CII tăng vay để trả nợ ngân hàng. (Ảnh minh họa)

Huy động 500 tỷ đồng trái phiếu

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII) vừa thông qua phương án phát hành tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn tối đa ba năm. Thời gian phát hành dự kiến chưa được công bố.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm bằng tài sản. Lãi suất chi trả cố định không quá 10,5%/năm.

Theo CII, mục đích chào bán nhằm tăng tiềm lực tài chính cũng như huy động nguồn vốn với chi phí hợp lý trên thị trường trong giai đoạn lãi suất hiện đang ở mức thấp.

Cụ thể, nếu huy động thành công, CII dự kiến dành 265 tỷ đồng để thanh toán gốc vay cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), 235 tỷ đồng còn lại nhằm đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 và dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội.

Bên đứng ra bảo lãnh phát hành, tư vấn niêm yết, tư vấn đăng ký chào bán trái phiếu, đăng ký lưu ký, thanh toán và quản lý chuyển nhượng ban đầu là CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS). Còn CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC)sẽ là bên đại diện người sở hữu trái phiếu ban đầu.

1259-cii
Chi tiết sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán 500 tỷ đồng trái phiếu. (Nguồn: Nghị quyết HĐQT của CII).

Áp lực lãi vay 17.500 tỷ đồng

Trong những năm gần đây, nhằm huy động vốn thực hiện các dự án, CII tăng cường đi vay, phần lớn là đi vay dài hạn từ các ngân hàng và qua kênh trái phiếu.

Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng thêm 5,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 922,5 tỷ đồng lên 17.500,7 tỷ đồng và chiếm 57,8% tổng tài sản.

Đáng chú ý, doanh nghiệp đang chịu áp lực thanh toán các khoản vay và nợ thuê tài chính trong vòng 1 năm là 874,6 tỷ đồng, lịch thanh toán các khoản trái phiếu thường là 1.111 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ sở hữu tiền và đầu tư tài chính 1.050,3 tỷ đồng, ngoài ra còn chịu áp lực thanh toán lãi vay với tổng nợ vay lên tới 17.500,7 tỷ đồng.

Như vậy, với việc hoạt động thu phí BOT bị ảnh hưởng, cũng như hoạt động bất động sản bị ảnh hưởng, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền vào Công ty. Trong khi đó, Công ty vẫn chịu áp lực trả lãi vay và các khoản nợ vay tới hạn trong vòng 1 năm tới.

Xét về hoạt động kinh doanh, 6 tháng đầu năm, CII ghi nhận doanh thu đạt 2.032,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 104,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 80,2% và giảm 72,3% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Xét về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, dòng tiền kinh doanh chính âm 802,1 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 903,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 139,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 899,4 tỷ đồng (doanh nghiệp chủ yếu tăng vay nợ dẫn tới dòng tiền tài chính dương). Như vậy, doanh nghiệp đã gia tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh chính trong kỳ.

Trước đó, trong năm 2020, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính cũng âm kỷ lục 1.393,9 tỷ đồng, doanh nghiệp cũng thực hiện huy động dòng tiền vay để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Phương Thảo

Tin cũ hơn
Xem thêm