Động đất Myanmar có sức công phá ngang 334 quả bom nguyên tử: Mô hình dự báo 100.000 người thiệt mạng, dư chấn còn kéo dài cả tháng

Hoàng Nguyễn 30/03/2025 04:00

Trận động đất mạnh xảy ra tại Myanmar chiều 28/3 được các nhà khoa học ước tính có sức công phá tương đương hàng trăm quả bom nguyên tử. Mô hình dự báo cho thấy số người thiệt mạng có thể lên tới 100.000 và các đợt dư chấn có thể tiếp diễn trong nhiều tháng.

Chiều 28/3, một trận động đất có cường độ lên tới 7,7 độ richter đã xảy ra ở khu vực phía Tây Bắc thành phố Sagaing, miền Trung Myanmar, gây ra thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất đã kích hoạt cảnh báo đỏ về thương vong và thiệt hại kinh tế, với ước tính ít nhất 2,8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp.

Động đất ở Myanmar tương đương 334 quả bom nguyên tử

Nhà địa chất học Jess Phoenix, một trong những chuyên gia hàng đầu về thảm họa tự nhiên, cho biết trận động đất ở Myanmar có sức công phá tương đương 334 vụ nổ bom nguyên tử, tương đương hàng trăm lần quả bom mà Mỹ từng ném xuống Hiroshima trong Thế chiến II. Bà cảnh báo: “Các dư chấn sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng tới, do sự va chạm không ngừng giữa mảng kiến tạo Ấn Độ và Á - Âu dưới lòng đất Myanmar”.

Trong bối cảnh nội chiến kéo dài 4 năm sau cuộc đảo chính năm 2021, công tác cứu trợ và thông tin thiệt hại tại Myanmar đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Các khu vực xảy ra động đất lại nằm đúng nơi có giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy, khiến hàng loạt làng mạc, thị trấn bị cô lập, thông tin liên lạc bị gián đoạn. Cộng đồng quốc tế lo ngại quy mô thực sự của thảm họa có thể lớn hơn nhiều lần so với báo cáo chính thức.

Số người chết trong trận Động đất Myanmar được dự báo sẽ rất lớn

Tính đến sáng 30/3, chính quyền quân sự Myanmar xác nhận hơn 1.000 người thiệt mạng, hơn 2.300 người bị thương. Tuy nhiên, theo USGS, có 35% khả năng con số tử vong thực tế sẽ nằm trong khoảng từ 10.000 đến 100.000 người, nếu xét theo các mô hình địa chất và mức độ rung lắc được ghi nhận.

Một dư chấn mạnh 6,7 độ richter cũng đã xảy ra chỉ vài phút sau trận động đất chính, càng làm dấy lên lo ngại rằng các dư chấn mạnh tiếp theo sẽ xuất hiện trong vài ngày tới, hoặc thậm chí vài tuần, vài tháng sau đó. Giáo sư địa chấn học Bill McGuire từ Đại học College London cảnh báo: "Đây có thể là trận động đất mạnh nhất xảy ra trên lãnh thổ Myanmar trong 75 năm qua".

Trận động đất phá hủy nhiều đền chùa cổ tại Myanmar

Chuyên gia Rebecca Bell từ Đại học Hoàng gia London cho biết trận động đất lần này xuất phát từ vết đứt gãy Sagaing – một đứt gãy quy mô lớn dài đến 1.200km, tương tự đứt gãy San Andreas tại Mỹ. Sự dịch chuyển dữ dội và đột ngột của các mảng kiến tạo đã khiến năng lượng địa chấn gần như không bị tiêu hao, gây ra rung lắc cực mạnh ở bề mặt, làm sụp đổ hàng loạt công trình.

Một trong những lý do khiến thiệt hại trở nên thảm khốc là do các công trình xây dựng tại Myanmar thiếu tiêu chuẩn chống động đất. Theo giáo sư Ian Watkinson, hầu hết nhà ở tại khu vực bị ảnh hưởng được xây bằng gạch, gỗ và bê tông không cốt thép, rất dễ sập khi xảy ra chấn động mạnh.

Trận động đất lần này xuất phát từ vết đứt gãy Sagaing – một đứt gãy quy mô lớn dài đến 1.200km

Không chỉ Myanmar, nhiều khu vực ở Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng lớn. Tại Bangkok, một tòa nhà 30 tầng đang xây dựng bị sập hoàn toàn, khiến hàng chục công nhân bị mắc kẹt. Theo chuyên gia Christian Malaga-Chuquitaype, nền đất mềm ở Bangkok khiến rung chấn bị khuếch đại, tác động đến cả những công trình nằm cách tâm chấn hơn 1.000km.

Bangkok hiện đã ghi nhận hơn 2.000 báo cáo hư hại công trình, chính quyền đang gấp rút triển khai hơn 100 kỹ sư kiểm tra độ an toàn của các tòa nhà cao tầng. Một số chuyên gia còn chỉ ra rằng, việc sử dụng kết cấu sàn phẳng (sàn không dầm) trong nhiều công trình tại đây làm tăng nguy cơ sập đổ khi động đất xảy ra.

Dư chấn động đất còn kéo dài hàng tháng

Theo báo cáo từ Liên Hợp Quốc, trận động đất ngày 28/3 tại Myanmar có thể trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ qua. Dự báo thiệt hại kinh tế có thể lên tới hàng tỷ USD, ảnh hưởng lâu dài đến hàng triệu người.

Dưới góc nhìn của nhà địa chất học Jess Phoenix, thảm họa lần này không chỉ là một trận động đất thông thường, mà là lời cảnh tỉnh về tác động kép giữa thiên tai và bất ổn xã hội. Khi thảm họa xảy ra tại một quốc gia đang rơi vào hỗn loạn như Myanmar, những nỗ lực cứu trợ nhân đạo sẽ gặp vô vàn thách thức.

Hiện nhiều tổ chức quốc tế đang kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho Myanmar, đồng thời theo dõi chặt chẽ các dư chấn tiếp theo có thể xảy ra. Người dân trong khu vực được khuyến cáo sơ tán khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, sập nhà, đồng thời tránh tụ tập đông người tại các công trình không đạt chuẩn.

Động đất có sức tàn phá bằng 23.000 quả bom nguyên tử, cướp đi 220.000 sinh mạng, 14 quốc gia chịu ảnh hưởng

Thảm họa động đất kinh hoàng này không chỉ gây thiệt hại nhân mạng khủng khiếp mà còn tạo ra một trong những vết thương ...

      Nổi bật
          Mới nhất
          Động đất Myanmar có sức công phá ngang 334 quả bom nguyên tử: Mô hình dự báo 100.000 người thiệt mạng, dư chấn còn kéo dài cả tháng
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO