Dòng chip AI đến từ Trung Quốc bị Mỹ cảnh báo nên ngừng sử dụng
Mỹ phát cảnh báo toàn cầu, yêu cầu ngưng sử dụng dòng chip AI của công ty này do nghi ngờ.
Bộ Thương mại Mỹ yêu cầu ngưng sử dụng dòng chip Ascend 910
Ngày 13/5, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã phát đi một cảnh báo chưa từng có tiền lệ, yêu cầu các tổ chức và doanh nghiệp trên toàn thế giới ngừng sử dụng các dòng chip AI Ascend của Huawei, gồm các phiên bản 910B, 910C và 910D. Cảnh báo này không chỉ áp dụng cho các công ty có trụ sở tại Mỹ mà mở rộng phạm vi đến mọi tổ chức trên toàn cầu, tạo ra rào cản pháp lý mới đối với hoạt động triển khai công nghệ AI có nguồn gốc từ Huawei.

DOC tuyên bố rằng bất kỳ đơn vị nào sử dụng các dòng chip AI nói trên của Huawei, bất kể ở đâu trên thế giới, đều có thể bị xem là vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Động thái này được cho là nhằm ngăn chặn đà phát triển và mở rộng ảnh hưởng công nghệ AI của Trung Quốc, trong bối cảnh Huawei đã đạt những bước tiến đáng kể về năng lực phần cứng.
Huawei được cho là đang bắt kịp Nvidia trong lĩnh vực AI
Theo phân tích từ Ars Technica, dòng Ascend 910C – sản phẩm cao cấp nhất trong loạt chip AI mới của Huawei sử dụng hệ thống SoC với hơn 53 tỷ bóng bán dẫn, đủ sức cạnh tranh với dòng A100 của Nvidia trong môi trường tính toán cụm. Từ đầu năm 2024, Huawei đã bắt đầu thay thế dần các GPU của Nvidia trong các hệ thống AI nội địa Trung Quốc bằng các cụm siêu máy tính sử dụng Ascend 910C.
Bloomberg cũng ghi nhận Huawei đã triển khai các trung tâm dữ liệu lớn với cụm siêu máy tính AI dùng chip Ascend, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ tiếp tục siết chặt hoạt động của Nvidia tại Trung Quốc.
Nghi vấn về chuỗi cung ứng và vai trò của TSMC
Đáng chú ý, Bộ Thương mại Mỹ đang mở rộng điều tra đến nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới – TSMC, do nghi vấn liên quan đến chuỗi cung ứng chip AI của Huawei. Dù TSMC đã chính thức ngừng hợp tác với Huawei từ năm 2020 sau lệnh cấm từ Mỹ, nhưng theo kết quả phân tích từ TechInsights, một số chip AI trong thiết bị của Huawei vẫn mang dấu vết sản xuất liên quan đến TSMC, gợi mở khả năng có sự tham gia của các bên trung gian nhằm lách luật.
DOC cho biết, nếu phát hiện vi phạm, TSMC có thể đối mặt với án phạt trên 1 tỷ USD và bị giới hạn khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ. Phía TSMC đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc, khẳng định tuân thủ đầy đủ luật xuất khẩu và sẵn sàng hợp tác trong quá trình điều tra.
Giới chuyên gia nhận định rằng lệnh cảnh báo của DOC sẽ tạo rào cản pháp lý nghiêm trọng với các tổ chức ngoài nước Mỹ, nhất là các công ty công nghệ tại Đông Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ – những nơi Huawei vẫn đang giữ vai trò quan trọng trong cung cấp hạ tầng số.