Chuyển động

Đối trọng của Hòa Phát tất bật tìm hướng đi mới

Thu Hà 04/07/2025 09:29

Giữa biến động ngành thép, một đối trọng lớn của Hòa Phát đang tất bật xoay chuyển chiến lược để duy trì vị thế.

Nửa đầu năm 2025 cho thấy bức tranh trái chiều trong ngành thép Việt Nam. Trong khi nhiều “ông lớn” như Hòa Phát và Hoa Sen tỏ ra khá bình thản trước làn sóng bảo hộ thương mại đang lan rộng toàn cầu, thì Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh lại tiếp tục chật vật tìm hướng đi mới khi xuất khẩu sụt giảm mạnh.

Formosa Hà Tĩnh
Formosa Hà Tĩnh

Theo thông tin được công bố, kim ngạch xuất khẩu thép và phôi thép của Formosa chỉ đạt khoảng 662,7 triệu USD, giảm tới 32,11% so với cùng kỳ 2024. Đây là mức giảm sâu nhất trong nhiều năm qua, phản ánh rõ áp lực từ chính sách thuế mới tại các thị trường trọng điểm.

Formosa hiện vận hành khu liên hợp luyện cán thép quy mô lớn bậc nhất Đông Nam Á, đặt tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), với tổng vốn đầu tư gần 12,8 tỷ USD và công suất 7,1 triệu tấn thép thô mỗi năm. Cùng với Hòa Phát, đây là một trong hai nhà sản xuất trong nước có khả năng cung ứng thép cuộn cán nóng (HRC) – nguyên liệu chiến lược của ngành xây dựng và cơ khí chế tạo.

Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, liên tiếp những quyết định thuế quan đã đẩy Formosa rơi vào thế bị động. Đầu tiên là Ủy ban châu Âu (EC) ngày 7/4/2025 ban hành thuế chống bán phá giá tạm thời lên đến 12,1% đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng từ Việt Nam.

Chỉ chưa đầy hai tháng sau, ngày 4/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm lên 50%, áp dụng với hầu hết quốc gia – ngoại trừ Anh. Đòn thuế kép này khiến Formosa không kịp trở tay, bởi Mỹ và EU vốn là hai trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Hoa Sen, Hòa Phát vẫn bình tĩnh ứng phó

Trái ngược với Formosa, Tập đoàn Hoa Sen khẳng định quyết định tăng thuế nhập khẩu thép của Mỹ “không gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh”. Lý do là ngay từ tháng 9/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với tôn mạ Việt Nam, khiến Hoa Sen tạm ngưng xuất khẩu sang Mỹ từ đó.

Do vậy, thông báo tăng thuế lên 50% chỉ củng cố thêm quyết định dừng xuất hàng, chứ không tạo ra cú sốc mới. Trước đó, các chuyên gia Chứng khoán An Bình (ABS) cho biết Hoa Sen có tỷ trọng doanh thu từ thị trường Mỹ khoảng 15%, thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp tôn mạ khác như GDA (35%) hay NKG (25%).

Hòa Phát cũng giữ tâm thế khá ung dung. Trong cơ cấu xuất khẩu, thị trường Mỹ chỉ chiếm dưới 5%. Hoạt động tiêu thụ nội địa lớn, kết hợp chiến lược phân tán xuất khẩu ở nhiều nước trên thế giới giúp Hòa Phát ít lệ thuộc vào các thị trường khi xảy ra biến động.

Formosa ráo riết chuyển hướng

Để ứng phó, Formosa đang khẩn trương rà soát toàn bộ hợp đồng thương mại với đối tác Mỹ và đánh giá lại rủi ro. Công ty đã lên kế hoạch giảm dần tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời đẩy mạnh khai thác các thị trường khác như Anh, Nga, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia.

Mỗi chuyến hàng xuất khẩu hiện dao động 3.500 – 9.000 tấn thép, tùy điểm đến. Song song, Formosa đang gia tăng tiêu thụ nội địa qua hệ thống cảng lớn Hải Phòng, Dung Quất, Phú Mỹ và Sài Gòn, với khối lượng trung bình 8.000 – 10.000 tấn/chuyến.

Hoạt động tiêu thụ trong nước được kỳ vọng sẽ bù đắp một phần xuất khẩu sụt giảm, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và xây dựng hạ tầng quy mô lớn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, Mỹ vẫn là thị trường lớn thứ ba, chiếm 13% tổng sản lượng xuất khẩu thép Việt Nam, sau ASEAN (26%) và EU (23%). Dù nhu cầu tại Mỹ và châu Âu có thể phục hồi nhẹ, nhưng rủi ro bảo hộ thương mại còn hiện hữu.

Với Formosa, thách thức lớn nhất là duy trì sản lượng xuất khẩu trong khi vẫn giữ biên lợi nhuận, trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu và vận tải chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Trong khi đó, Hòa Phát và Hoa Sen nhờ chiến lược phân bổ thị trường và sản phẩm hợp lý, vẫn giữ được “vùng đệm an toàn”.

Bức tranh ngành thép năm 2025 đang phản ánh rõ nét sự phân hóa: doanh nghiệp tập trung nội địa và đa dạng thị trường xuất khẩu sẽ ít chịu tác động hơn, trong khi những nhà sản xuất phụ thuộc nhiều vào một số quốc gia lớn phải gồng mình thích ứng.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Đối trọng của Hòa Phát tất bật tìm hướng đi mới
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO