Doanh nhân tuổi Thìn dẫn dắt doanh nghiệp làm ăn ra sao trong năm 2023?

Cập nhật: 20:50 | 10/02/2024 Theo dõi KTCK trên

Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cùng Kinhtechungkhoan.vn nhìn lại một năm làm việc của các doanh nhân tuổi Thìn thông qua kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nơi họ làm Chủ tịch.

Cơ Điện Lạnh (REE) của “nữ tướng” Nguyễn Thị Mai Thanh

“Nữ tướng” Nguyễn Thị Mai Thanh, tuổi Nhâm Thìn (sinh năm 1952) hiện là Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) – một trong hai doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán.

Doanh nhân tuổi Thìn dẫn dắt doanh nghiệp làm ăn ra sao trong năm 2023?
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT của Cơ Điện Lạnh

Dưới sự dẫn dắt của bà Mai Thanh, từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, Cơ Điện Lạnh đã vươn lên thành một thương hiệu lớn, rồi trở thành đầu tư đa ngành với các lĩnh vực: bất động sản, điện, nước, khoáng sản....

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Cơ Điện Lạnh ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.065 tỷ đồng, giảm 32,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu từ mảng cơ điện lạnh đạt hơn 572 tỷ đồng (chiếm 28%), giảm một nửa so với mức hơn 1.159 tỷ đồng của quý IV/2022.

Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của REE đạt hơn 922 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ tốc độ giảm của giá vốn đạt tương đương với tốc độ giảm của doanh thu, biên lãi gộp của Cơ Điên Lạnh vẫn duy trì mức 44,7% tương đương cùng kỳ.

Khác với hoạt động kinh doanh cốt lõi, hoạt động tài chính đem về mức doanh thu tăng gần 48% so với cùng kỳ, đạt hơn 64,6 tỷ đồng.

Chi phí tài chính giảm gần 7%, đạt hơn 228 tỷ đồng. Các chi phí khác từ bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều tăng lần lượt 8% và 4%, tương ứng đạt 29,5 tỷ đồng và 315 tỷ đồng.

Khấu trừ chi phí, REE báo lãi sau thuế quý IV/2023 đạt hơn 643 tỷ đồng, giảm 33,7% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2022. Theo giải trình, REE cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong lợi nhuận quý IV đến từ 2 mảng kinh doanh cơ điện lạnh và hạ tầng điện.

Cụ thể, mảng cơ điện lạnh lần đầu tiên ghi nhận sụt giảm mạnh đến 118 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh chi phí dự phòng lên đến gần 200 tỷ đồng trong quý IV, làm kết quả của mảng này từ lãi thành lỗ 76,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi 41,6 tỷ đồng. Lợi nhuận mảng hạ tầng điện giảm đến 98 tỷ đồng so với cùng kỳ vì ảnh hưởng từ lợi nhuận của các công ty thành viên, công ty liên kết thuộc nhóm thuỷ điện như Công ty CP Thuỷ điện Vĩnh Sơn Sông Hinh, Công ty CP Thuỷ điện Thác Bà, Công ty CP Thuỷ điện Thác Mơ, Công ty CP Thuỷ điện Sông Ba Hạ,…

Luỹ kế năm 2023, doanh thu thuần của REE đạt hơn 8.569 tỷ đồng, giảm 8,6% so với mức thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.786 tỷ đồng, giảm 20,7%.

Dù lợi nhuận có phần sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ, tuy nhiên cần phải nói mức nền so sánh có phần cao khi năm 2022 là đỉnh lợi nhuận của REE với hơn 3.500 tỷ đồng lãi sau thuế. So với các năm còn lại trong lịch sử hoạt động của REE, lợi nhuận năm 2023 là mức lợi nhuận cao thứ hai mà công ty này từng ghi nhận.

TPBank (TPB) của “ông trùm vàng bạc” Đỗ Minh Phú

Bên cạnh vai trò lãnh đạo tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, doanh nhân Nhâm Thìn Đỗ Minh Phú hiện còn là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB).

Doanh nhân tuổi Thìn dẫn dắt doanh nghiệp làm ăn ra sao trong năm 2023?
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT của TPBank

Về tình hình kinh doanh năm vừa qua, theo báo cáo tài chính quý IV/2023, lợi nhuận trước thuế quý cuối năm của TP Bank giảm 67% so với cùng kỳ, xuống còn 630 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do do chi phí dự phòng rủi ro tăng vọt 17 lần, từ mức 115 tỷ đồng (quý IV/2022) lên tới 1.970 tỷ đồng (quý IV/2023).

Tổng thu nhập hoạt động quý IV của TPBank ghi nhận ở mức 4.443 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ hoạt động cốt lõi với thu nhập lãi thuần tăng tới 43,8% so với cùng kỳ và đạt 3.996 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng có lãi tăng mạnh 325% và đạt 324 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động dịch vụ kém khả quan (chủ yếu do nguồn thu từ hoạt động thanh toán sụt giảm), chỉ có lãi 114 tỷ đồng trong quý IV/2023 trong khi cùng kỳ năm 2022 có lãi tới 816 tỷ đồng.

Tính chung cả năm, tổng thu nhập hoạt động TPBank đạt 16.233 tỷ đồng, tăng 3,9% so với năm 2022. Chi phí hoạt động tăng 12,7% lên 6.698 tỷ đồng. Chi phí dự phòng tăng 114% lên 3.946 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cả năm ở mức 5.588 tỷ đồng, giảm 28,6% so với năm 2022.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản TPBank đạt 356.637 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 27,5% trong năm 2023 và đạt 205.262 tỷ đồng. Riêng trong quý cuối cùng của năm, dư nợ cho vay khách hàng của TPBank tăng đột biến 14%.

Nợ xấu của ngân hàng cuối năm 2023 là 4.200 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 1.100 tỷ trong quý 4. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 0,84% (cuối năm 2022) lên 2,05% (cuối năm 2023).

Tiền gửi khách hàng tại TPBank tăng 6,8% trong năm qua lên 208.262 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh 35% lên hơn 44.000 tỷ. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cải thiện từ 16,7% lên 21,1%.

Kinh Bắc (KBC) và Saigontel (SGT) của “đại gia” bất động sản công nghiệp Đặng Thành Tâm

Trên thị trường chứng khoán, ông Đặng Thành Tâm từng là người giàu nhất năm 2007. Cơ ngơi đồ sộ của “đại gia” là hệ sinh thái các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, hai doanh nghiệp mà ông Đặng Thành Tâm đang làm Chủ tịch là Tổng Công Phát triển Đô thị Kinh Bắc – Công ty CP (HOSE: KBC) và Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, HOSE: SGT) đã niêm yết trên sàn chứng khoán.

Doanh nhân tuổi Thìn dẫn dắt doanh nghiệp làm ăn ra sao trong năm 2023?
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT của Kinh Bắc và Saigontel

Về “gã khổng lồ” Kinh Bắc, năm 2023 chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội về mặt doanh thu với 5.885 tỷ đồng, cao gấp 4,2 lần so với năm trước. Trong đó, mảng cho thuê đất và cơ sở hạ tầng đóng góp 5.248 tỷ đồng, tương đương 93% cơ cấu doanh thu. Đây cũng là mảng kinh doanh ghi nhận chuyển biến tích cực nhất với mức tăng trưởng lên tới 699% so với cùng kỳ.

Sau khi giảm trừ, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.645 tỷ đồng, tăng 5,9 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng chậm hơn, ở mức 2,9 lần. Nhờ vậy, lợi nhuận gộp tăng tới 13,9 lần, đạt 3.686 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tương ứng đạt 65%, tăng mạnh so với mức 28% của năm 2022.

Cuối cùng, lợi nhuận sau thuế của Kinh Bắc đạt 2.218 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này cũng tương đương thực hiện được 55% trong mục tiêu lợi nhuận 4.000 tỷ đồng mà Kinh Bắc đã đề ra cho năm 2023.

Được biết, năm 2023, “gã khổng lồ” ngành bất động sản đã đề ra một kế hoạch kinh doanh vô cùng tham vọng với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 157,3% và lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 153,7% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc năm 2023, mặc dù còn cách kế hoạch khá xa nhưng với việc thu về 2.218 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, Kinh Bắc đã thiết lập kỷ lục kinh doanh mới trong lịch sử hoạt động của mình.

Trong khi đó, Saigontel lại có phần kém sắc. Luỹ kế năm 2023, doanh thu của Saigontel xấp xỉ 1.309 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 46,2 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Được biết, năm 2023, Saigontel đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.750 tỷ đồng, tăng 89% và lợi nhuận trước thuế 412 tỷ đồng, tăng 283% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 8 tỷ đồng, doanh nghiệp này đã không hoàn thành kế hoạch và chỉ đạt 19,7% so với kế hoạch lãi 412 tỷ đồng.

LPBank (LPB) của “bầu Thuỵ”

Ông Nguyễn Đức Thuỵ sinh năm Bính Thìn 1976, thường được biết đến với tên gọi “bầu” Thuỵ, là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB).

Doanh nhân tuổi Thìn dẫn dắt doanh nghiệp làm ăn ra sao trong năm 2023?
“Bầu” Thuỵ, Chủ tịch HĐQT LPBank

Kết thúc quý IV/2023, LPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 3.346 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Các nguồn thu ngoài lãi đều ghi nhận tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng đột biến lên mức 2.926 tỷ đồng, tương ứng tăng 231,6%. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng lên mức 65,7 tỷ đồng. LPBank, nhà băng này đã triển khai các sản phẩm mới tăng cường các dịch vụ thanh toán trong nước và ngoài nước khiến cho thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng.

Trong kỳ, chi phí hoạt động đạt 1.594 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ quý IV/2022. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 18,1% lên mức 1.543 tỷ đồng.

Kết quả, LPBank lãi trước thuế quý IV/2023 3.352 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.627 tỷ đồng, lần lượt tăng 286,5% và 293,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 7.039 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 5.572 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,7% và 23,5% so với năm 2022. Trong năm vừa qua, thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm 5,9% xuống còn 11.203 tỷ đồng. Trái lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 114,6% đạt hơn 3.565 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng gấp 41,6 lần so với cùng kỳ, lên hơn 435 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng tăng từ 201 tỷ đồng trong năm 2022 lên mức 347,1 tỷ đồng trong năm 2023.

Tính đến ngày 31/12/2023, LPBank ghi nhận tổng tài sản ước đạt hơn 382.953 tỷ đồng, tăng 17% so với hồi đầu năm, và tăng trưởng tín dụng đạt 39.686 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 16,83%. Trong khi đó, tổng nợ xấu dừng ở mức 3.688.651 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ.

Về cơ cấu nợ xấu, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đạt mức 812,7 tỷ đồng, giảm 24%. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 69,9% lên 1.706 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đạt 1.169 tỷ đồng, giảm 13,5% so với thời điểm cuối năm 2022.

Đất Xanh (DXG) của doanh nhân Lương Trí Thìn

Một doanh nhân khác sinh năm Bính Thìn 1976 là ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG), một trong những doanh nghiệp địa ốc lớn nhất sàn chứnng khoán.

Doanh nhân tuổi Thìn dẫn dắt doanh nghiệp làm ăn ra sao trong năm 2023?
Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Đất Xanh

Trong năm tài chính 2023, doanh nghiệp này mang về 3.706 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 176 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 33% và 44% so với năm 2022. Kết quả này tương ứng với 67,4% kế hoạch doanh thu và vượt 1,1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Riêng ở quý cuối năm, doanh thu thuần tăng trưởng hơn 53% khi đạt 1.400 tỷ đồng. Lãi ròng hơn 47 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ ròng 342 tỷ đồng ở cùng kỳ.

Công ty đã giảm tất cả các chi phí, đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp, mặc khác ghi nhận khoản lỗ hơn trăm tỷ từ công ty liên doanh, liên kết. Tính đến cuối năm, Đất Xanh có 3 công ty liên doanh, liên kết gồm: Công ty CP Đất Xanh Capital, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam, Công ty TNHH Đầu tư Lê Gia Newland.

Dòng tiền kinh doanh tiếp tục ghi nhận âm hơn 1.130 tỷ nhưng đã cải thiện đáng kể so với con số âm hơn 3.900 tỷ trong năm 2022. Tại thời điểm kết thúc năm, quy mô tài sản thu hẹp 5% về 28.795 tỷ đồng, chủ yếu giảm đầu tư tài chính dài hạn tại các đơn vị, chi phí trả trước dài hạn. Trong đó, Đất Xanh đã thoái hết 40% vốn tại Công ty TNHH REIC.

Hành trình “chinh phạt” vào Nam ra Bắc của đại gia “Sơn xay xát”

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, với khí phách của một doanh nhân trẻ, ông Phạm Hoành Sơn ...

Những doanh nhân nghìn tỉ xuất thân từ “nghề giáo”

Trước khi bén duyên với kinh doanh và thành công trên thương trường, đã có không ít những doanh nhân đều xuất thân là những ...

Năm Thìn, điểm danh những doanh nhân Việt tuổi Rồng

Rồng là biểu tượng tham vọng và thống trị, những người sinh vào năm Thìn cũng được cho rằng luôn tràn đầy năng lượng và ...

Hà Lê