Doanh nhân tuổi Ngọ mạnh tay gom cổ phiếu, một tập đoàn công nghệ sắp rút khỏi sàn chứng khoán
Sau hơn 15 năm hiện diện, một tập đoàn công nghệ sắp rút khỏi UPCoM trong bối cảnh Chủ tịch HĐQT mạnh tay gom cổ phiếu, nắm quyền chi phối.
Kết thúc chu kỳ 15 năm công khai
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa diễn ra, Công ty CP Tập đoàn HIPT (UpCoM: HIG) – một cái tên quen thuộc trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam đã chính thức thông qua kế hoạch hủy tư cách công ty đại chúng và rút lui khỏi hệ thống giao dịch UPCoM. Quyết định này diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch HĐQT Lê Hải Đoàn – một doanh nhân tuổi Ngọ liên tục mua gom cổ phiếu HIG, nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 55% và nhiều khả năng sẽ tiếp tục vượt qua con số này.

Cụ thể, HIPT đã thống nhất chủ trương hủy tư cách công ty đại chúng, hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu HIG trên UPCoM và rút khỏi hệ thống lưu ký chứng khoán sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Theo lãnh đạo Công ty, quyết định này được đưa ra sau khi nhóm cổ đông lớn hiện đã nắm giữ trên 90% cổ phần. Trong đó, ông Lê Hải Đoàn – Chủ tịch HĐQT đang là cổ đông lớn nhất với 12,4 triệu cổ phiếu, tương đương 54,97% vốn điều lệ. Riêng trong quý II/2025, ông đã mua thêm hơn 1 triệu cổ phiếu. Đáng chú ý, Đại hội cũng phê duyệt việc ông Đoàn có thể tiếp tục mua thêm 200.000 cổ phiếu từ ông Mai Hoàng mà không cần chào mua công khai – một bước đi củng cố thế kiểm soát tuyệt đối.
Các cổ đông còn lại của HIPT gồm: Công ty CP VBP (10,64%), Tập đoàn Bảo Việt (8,81%), ông Lê Văn Anh (5,57%), ông Nguyễn Duy Nguyên (5,06%) và Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn VBP (5,06%).
Các chuyên gia và giới đầu tư cho rằng, động thái rút lui khỏi thị trường chứng khoán khiến doanh nghiệp không phải thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin. Từ đây, các hoạt động tài chính, chiến lược kinh doanh và biến động nội bộ của HIPT sẽ không còn bị ràng buộc bởi nghĩa vụ công bố thông tin đại chúng.

Quyết định rút lui khỏi UPCoM cũng được nhiều người xem như “lùi một bước để tiến dài hơn” của HIPT. Trong bối cảnh mô hình công ty đại chúng không còn phù hợp với chiến lược kiểm soát tập trung và phát triển riêng biệt, động thái này cho thấy ông Lê Hải Đoàn đang hướng đến một HIPT tinh gọn hơn, tập trung vào giá trị cốt lõi và chủ động trong điều hành.
Không chia cổ tức, gần trăm tỷ lợi nhuận giữ làm ‘của để dành’
HIPT được thành lập từ năm 1994 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Hỗ trợ Phát triển Tin học. Doanh nghiệp từng được xem là một trong những tập đoàn tin học tiên phong tại Việt Nam, chuyên cung cấp các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin, tích hợp hệ thống, dịch vụ kỹ thuật và truyền thông.
Dữ liệu của Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cho thấy, HIPT từng tham gia 736 gói thầu, được công bố trúng 317 gói, còn 39 gói đang xét thầu. Trong năm 2025, doanh nghiệp đã trúng 21/66 gói thầu tham gia.
Ngày 24/6/2009, cổ phiếu HIG chính thức được đưa lên sàn UPCoM, đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược minh bạch hóa hoạt động và huy động vốn. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, HIG chưa từng chuyển sàn hay có kế hoạch lên niêm yết chính thức trên HOSE hay HNX. Thanh khoản của cổ phiếu cũng ở mức rất thấp, với phiên giao dịch gần nhất chỉ đạt hơn 1.300 đơn vị và thị giá duy trì ở vùng 13.800 đồng/cp – không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp theo nhận định của ban lãnh đạo.
Về kết quả kinh doanh, năm tài chính 2024–2025, HIPT đạt doanh thu hợp nhất hơn 1.278 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 30,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, bước sang năm 2025–2026, công ty đặt mục tiêu doanh thu khiêm tốn hơn – chỉ 1.000 tỷ đồng, cùng lợi nhuận 20 tỷ đồng, cho thấy ban điều hành đang thận trọng trước những biến động trong ngành công nghệ.

Dù lợi nhuận chưa phân phối tính đến 31/3/2025 đạt hơn 93,4 tỷ đồng, nhưng HIPT vẫn giữ nguyên quan điểm không chia cổ tức trong năm 2025. Theo ông Lê Hải Đoàn, doanh nghiệp không có lợi thế cạnh tranh rõ ràng và đang trong quá trình đầu tư xây dựng trụ sở làm tài sản đảm bảo – một chiến lược được vạch ra từ nhiều kỳ đại hội trước. Chính vì vậy, việc giữ lại lợi nhuận để củng cố tài sản và đẩy mạnh đầu tư nội lực được đánh giá là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, đại diện cổ đông tổ chức – Tập đoàn Bảo Việt – đã đề nghị Công ty cân nhắc chia cổ tức ở mức phù hợp, dựa trên phần lợi nhuận chưa phân phối để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Vấn đề này nhiều khả năng sẽ tiếp tục được xem xét trong các cuộc họp HĐQT tiếp theo.
Thay đổi nhân sự cấp cao, thêm nhân tố từ Viettel
Một điểm đáng chú ý khác tại Đại hội là việc miễn nhiệm ông Đặng Hoàng Giang khỏi vị trí thành viên HĐQT theo nguyện vọng cá nhân. Người được bầu thay thế là ông Phạm Trung Kiên – từng đảm nhiệm nhiều vị trí điều hành cấp cao trong hệ thống Viettel như Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Số Viettel và Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel.
Việc bổ sung ông Kiên vào HĐQT được kỳ vọng sẽ mang đến luồng gió mới cho HIPT, nhất là trong giai đoạn công ty cần tái cấu trúc và định vị lại chiến lược sau khi rút khỏi thị trường đại chúng.
.jpg)
Tại ĐHCĐ, ông Lê Hải Đoàn cũng thừa nhận rằng nhân sự cấp quản lý đang là thách thức lớn, khi số lượng nhân viên quản lý đã giảm khoảng 30 người trong năm 2024, bao gồm cả sự ra đi của Phó Tổng giám đốc Phạm Nguyễn Cao Đằng – một nhân sự chủ chốt. Diễn biến này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành trong niên độ tới.
Mặc dù vậy, HĐQT khẳng định sẽ không đánh đổi rủi ro để đổi lấy tăng trưởng. HIPT sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm – dịch vụ đặc thù mang tính sở hữu riêng trong các lĩnh vực có tiềm năng, đồng thời tiếp tục đầu tư vào mảng tích hợp hệ thống – vốn là thế mạnh truyền thống của Công ty. Bên cạnh đó, HIPT sẽ tập trung cải thiện hiệu quả sử dụng vốn và quản trị đầu tư tài chính.