Chuyển động

Doanh nghiệp xuất khẩu nào chịu tác động chính sách thuế mới của Mỹ?

Thu Hà 03/04/2025 11:13

Mỹ dự kiến áp thuế 46% với hàng Việt, doanh nghiệp điện tử, dệt may, giày dép, gỗ xuất khẩu sang Mỹ đối mặt chi phí tăng, đơn hàng sụt giảm.

Rạng sáng ngày 3/4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chính sách thuế mới, áp dụng trên quy mô toàn cầu. Theo thông báo từ Nhà Trắng, mức thuế cơ bản 10% sẽ được áp lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ mọi quốc gia, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/4 tới.

Mỹ áp thuế
Mỹ công bố thuế đối ứng 46% với Việt Nam

Trong đó, Trung Quốc sẽ đối mặt với mức thuế tổng cộng 54%, bao gồm cả 20% đã được công bố trước đó. Liên minh châu Âu sẽ chịu mức thuế 20%, trong khi Việt Nam dự kiến bị áp thuế lên tới 46% và Đài Loan là 32%. Đây là những mức thuế cao, có thể gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của các quốc gia liên quan.

Việt Nam hiện là một trong những đối tác thương mại lớn của Mỹ. Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 119,5 tỷ USD, trong khi chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 15,1 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh, cùng với hàng may mặc, giày dép. Ngoài ra, các mặt hàng nội thất và nông sản cũng góp phần đáng kể vào tổng kim ngạch.

Có tới 15 mặt hàng của Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong năm qua. Trong đó, nhóm hàng máy tính và linh kiện dẫn đầu với kim ngạch 23,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với năm trước, chiếm gần 20% tổng xuất khẩu. Tiếp theo là nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng với 22,05 tỷ USD, tăng 21,1% và chiếm 18,4% tỷ trọng. Nhóm hàng dệt may giữ vị trí thứ ba với 16,1 tỷ USD, tương đương 13,5% tổng xuất khẩu sang Mỹ.

Ngoài ba nhóm hàng chủ lực nói trên, một số mặt hàng khác cũng đạt giá trị xuất khẩu đáng kể như điện thoại và linh kiện (9,8 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (trên 9 tỷ USD), cùng giày dép các loại (8,3 tỷ USD). Đáng chú ý, một số nhóm hàng ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu vượt trội so với năm 2023, như sản phẩm từ chất dẻo tăng 42,4%; sắt thép tăng 54,8%; hạt tiêu tăng 84,2%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 42,9%; sản phẩm thủy tinh tăng 88,1%; và chè tăng 47,5%.

Với quy mô thương mại ngày càng mở rộng, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, chiếm hơn 4% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này trong năm 2024. Tuy nhiên, việc Mỹ bất ngờ tăng thuế nhập khẩu có thể tạo ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành hàng chủ lực.

Nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu lớn vào Mỹ

Theo đánh giá từ VIS Rating, nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt nhất từ chính sách tăng thuế nhập khẩu của Mỹ sẽ là điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ. Đây đều là những lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, với nhiều doanh nghiệp có mức độ phụ thuộc cao vào thị trường này.

Mức độ tác động sẽ không đồng đều, mà có sự phân hóa giữa các ngành và từng doanh nghiệp cụ thể. Với các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị tại Việt Nam, khả năng ứng phó với chính sách thuế quan có phần linh hoạt hơn, nhờ mạng lưới sản xuất toàn cầu cho phép điều chỉnh chuỗi cung ứng. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa thuộc lĩnh vực dệt may, giày dép và đồ gỗ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc chuyển hướng đơn hàng hoặc tìm kiếm thị trường thay thế.

Những doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc lớn vào Mỹ sẽ phải đối diện với áp lực chi phí gia tăng, đơn hàng sụt giảm và dòng tiền vận hành bị ảnh hưởng. Trong ngành dệt may, Công ty May Sông Hồng (MSH) có tới 80% doanh thu đến từ xuất khẩu sang Mỹ, TNG đạt 46%, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) 35%, và Dệt May Thành Công (TCM) khoảng 25%. Với ngành gỗ, Savimex (SAV) ghi nhận hơn 50% doanh thu xuất khẩu đến từ thị trường Mỹ.

Trong khi đó, ở nhóm doanh nghiệp thuỷ sản, Vĩnh Hoàn (VHC) là doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất trong cơ cấu. Trong tháng 2 vừa qua, doanh thu của Vĩnh Hoàn sang Mỹ đạt 233 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu của công ty tại thị trường châu Âu nhích tăng nhẹ 1%, đạt 140 tỷ đồng. Ngược lại, thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm 54%, còn 61 tỷ đồng.

VIS Rating cũng chỉ ra danh sách các doanh nghiệp lớn trong từng lĩnh vực có khả năng chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế mới:

  • Máy tính, điện tử: Intel, HP, Dell, Amkor, Samsung, Victory Giant, Saigon Fabrication
  • Máy móc, thiết bị: Rockwell Automation, Techtronic, First Solar, Trina Solar, JA Solar
  • Dệt may: Crystal Group, Vinatex, May Sông Hồng, Dệt May Thành Công
  • Điện thoại và linh kiện: Samsung, Foxconn, Luxshare, Goertek, SMP Holdings
  • Gỗ và sản phẩm gỗ: Phú Tài, Savimex, Kiến trúc AA, An Việt Phát, Eastwood, Kim Tín
  • Giày dép: PouYuen, Vina Giày, TBS Group, Biti's, Thượng Đình
  • Phương tiện vận tải: Thaco, Honda, VinFast, Ford
  • Thủy sản: Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, An Giang, Stapimex, Sao Ta
  • Ngành khác: Long Sơn, Olam Vietnam, Intimex, Trung Nguyên, Tôn Đông Á, Nam Kim

Trong bối cảnh đầy biến động này, chính phủ Việt Nam và Mỹ đã tích cực nối lại đối thoại nhằm tìm kiếm các giải pháp thương mại hài hòa. Một số chính sách mới đã được thông qua nhằm thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa Mỹ vào Việt Nam, đồng thời mở rộng điều kiện hoạt động cho doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam. Đáng chú ý, tập đoàn SpaceX vừa được chấp thuận triển khai thử nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam – động thái được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cân bằng cán cân thương mại song phương.

VIS Rating nhận định rằng, việc Mỹ áp thuế nhập khẩu cao hơn với hàng hóa từ Việt Nam không chỉ làm tăng giá thành đối với người tiêu dùng Mỹ, mà còn đe dọa nhu cầu và sức tiêu thụ các sản phẩm xuất xứ Việt Nam. Trong bối cảnh xuất khẩu tương đương khoảng 85% GDP quốc gia, đây sẽ là rủi ro đáng kể đối với động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tác động lan tỏa từ xuất khẩu sẽ ảnh hưởng tới tiêu dùng nội địa khi khối doanh nghiệp xuất khẩu đang sử dụng tới 30% lực lượng lao động cả nước. Nếu các hạn chế thương mại gia tăng và kéo dài, khả năng thu hút đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời làm suy giảm triển vọng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 của Việt Nam.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Doanh nghiệp xuất khẩu nào chịu tác động chính sách thuế mới của Mỹ?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO