Doanh nghiệp Việt tranh thủ lợi thế "sân nhà"

Cập nhật: 13:49 | 30/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Thị trường nội địa ngày càng phát triển, quy mô dân số lớn với 100 triệu dân đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Sau 2 năm đại dịch Covid-19, thị trường nội địa nổi lên thành một trụ đỡ quan trọng và là động lực cho hoạt động phục hồi, sản xuất của doanh nghiệp.

Sau hơn 10 năm tham gia vào lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc, Công ty TNHH May mặc Dony (huyện Bình Chánh) có thị trường vững chắc ở Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Nhật Bản… Tuy nhiên từ đầu năm 2022, Dony quyết định đầu tư mạnh hơn cho thị trường nội địa.

4830-thi-truong-trong-nuoc
Ảnh minh họa.

"Chúng tôi đang tập trung sản xuất để tháng 6 tới đây sẽ tung ra các sản phẩm thời trang do chính đội ngũ công ty thiết kế, cung cấp cho các cửa hàng trong nước với giá cả cạnh tranh. Đây là điểm mới khi công ty muốn đầu tư mạnh hơn tại sân nhà", ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty Dony nói.

Theo ông Quang Anh, thị trường nội địa ngày càng phát triển, quy mô dân số lớn với 100 triệu dân đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Hơn nữa, do là "sân nhà" nên doanh nghiệp cũng dễ nắm bắt nhu cầu khách hàng. Chưa kể nhu cầu mua hàng nội địa của các đối tác cũng tăng rất mạnh thời gian gần đây.

"Trước đây khách hàng thường chuộng hàng Trung Quốc, Thái Lan… nhưng gần đây hàng Việt lại chiếm ưu thế bởi giá cả, chất lượng. Vì vậy, dư địa để phát triển thị trường còn rất lớn", lãnh đạo Dony kỳ vọng.

Công ty CP Pacific Foods (chủ thương hiệu nước mắm Mami) sau 10 năm chinh phục thành công thị trường Mỹ, giành được vị trí quan trọng về nước mắm trên sàn thương mại điện tử Amazon, cũng lên kế hoạch bán hàng ở thị trường nội địa từ giữa năm 2021.

"Sau khi phủ hết các sàn thương mại điện tử lớn trong nước, nước mắm Mami đã "tấn công" vào các hội chợ và một số siêu thị với chất lượng và mẫu mã tương đồng hàng xuất khẩu. Chúng tôi đã chuẩn bị trong 2 năm để phát triển mảng thị trường nội địa, chứ không phải ngẫu hứng. Hiện tình hình kinh doanh nội địa khá tốt, đơn đặt hàng nhiều rất nhiều", ông Lê Bá Linh - Giám đốc Công ty CP Pacific Foods cho biết.

Thời gian gần đây, vào khung giờ vàng trên các kênh truyền hình lớn trong nước liên tục xuất hiện các quảng cáo về cà phê thương hiệu Blue Sơn La của Phúc Sinh.

Theo ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu với những đơn hàng lớn, nay Phúc Sinh phải vất vả đi chào hàng, bán từng gói cà phê và vẫn phải lấy doanh thu từ xuất khẩu bù đắp cho trong nước nhưng doanh nghiệp vẫn quyết tâm làm.

"Việt Nam là thị trường rất lớn và chúng tôi muốn mọi người phải được uống cà phê 3 không: Không phụ gia; không phẩm màu; không pha trộn bột bắp, đậu nành… Vì vậy, Phúc Sinh mới có chiến lược phát triển mạnh thị trường nội địa và chúng tôi muốn kết nối bán hàng cho các doanh nghiệp trong nước với giá cạnh tranh", ông Thông chia sẻ.

Bà Ong Thị Kim Ngân, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Khai thác thủy hải sản chế biến nước mắm Thanh Hà - Phú Quốc cho biết, khởi đầu thị trường của doanh nghiệp này là xuất khẩu chứ không phải nội địa. Tuy nhiên Thanh Hà đã quyết định quay về "sân nhà".

"Vài năm trước, khi nước mắm Thanh Hà có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới, chúng tôi tự hỏi vì sao đồ tốt nhất, ngon nhất mình toàn đem xuất khẩu mà không bán nội địa để người tiêu dùng trong nước thưởng thức. Từ đó, chúng tôi quyết tâm đưa thương hiệu nước mắm Thanh Hà quay về thị trường nội địa", bà Ngân tâm sự.

Theo bà Kim Ngân, thời gian đầu quay về thị trường nội địa, công ty thua lỗ khi người tiêu dùng còn chưa đón nhận.

"Muốn thế giới biết đến nước mắm là của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam thì doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu và tạo được chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước. Hiện tại, nước mắm Thanh Hà vẫn đang đẩy mạnh hơn nữa thị trường nội địa để người tiêu dùng biết và sử dụng nước mắm truyền thống nhiều hơn", bà Ngân, chia sẻ.

Nhu cầu nhập khẩu gạo của EU tăng mạnh, nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt phát triển

Theo Bộ Công Thương, châu Âu (EU) không tự túc được hoàn toàn gạo. Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng nhu cầu nhập khẩu ...

IMF lưu ý 2 vấn đề cần quan tâm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam

Trưởng Bộ phận tại Vụ châu Á và Thái Bình Dương IMF, bà Era Dabla-Norris cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam ...

Doanh nghiệp Việt khẳng định bản lĩnh trước thách thức từ xung đột thế giới

Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế bị động, không lên được kế hoạch sản xuất ...

Thiên Ân

Tin cũ hơn
Xem thêm