Doanh nghiệp và niềm tin với các gói hỗ trợ kinh tế "mùa COVID"

Cập nhật: 16:35 | 16/09/2020 Theo dõi KTCK trên

Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội tiếp tục xây dựng gói hỗ trợ kinh tế lần 2 với giá trị ước tính 15.000 tỷ đồng.

3349-dk
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Kỳ vọng vào gói hỗ trợ kinh tế...

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 750.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động, đóng góp 60% GDP. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều hạn chế như: Vị thế, thanh khoản yếu, tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ cao. Tác động của đại dịch COVID-19 khiến các vấn đề thêm trầm trọng.

Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội tiếp tục xây dựng gói hỗ trợ kinh tế lần 2. Kinh phí cho gói này ước tính 15.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ sẽ tập trung cung cấp tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh để phát triển sản xuất kinh doanh, khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh, người lao động tại khu vực nông thôn sẽ được ưu tiên đặc biệt.

“Mức cho vay dự kiến đối với cơ sở sản xuất kinh doanh là 2 tỷ đồng, với người lao động 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới. Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ 1/9/2020 đến 1/9/2021. Lãi suất vay 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Người lao động đang phải thuê nhà, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi) ở mức 1 triệu đồng/người (hộ)/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng, áp dụng từ tháng 9 đến tháng 12/2020”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết về một số chính sách đang xây dựng của gói hỗ trợ kinh tế lần thứ 2.

Đánh giá về các tiêu chí xây dựng gói hỗ trợ lần 2, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng, đối tượng hỗ trợ như vậy là hợp lý. Chính sách hỗ trợ có thể tiếp cận 5 triệu hộ kinh doanh nên dễ lan tỏa. Tuy nhiên, ông Thân băn khoăn về cách xác định đối tượng đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

“Với gói hỗ trợ kinh tế lần thứ 2, chính sách không chỉ dừng lại ở hoãn, giãn các nghĩa vụ mà còn phải có miễn, giảm. Cơ quan chức năng phải xác định được mức hỗ trợ, xác định rõ đối tượng được hỗ trợ cụ thể là ai, mức hỗ trợ bao nhiêu, không hỗ trợ cào bằng”. TS Nguyễn Ðình Cung

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, gói hỗ trợ phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Gói hỗ trợ sẽ không chỉ hướng đến mục tiêu trước mắt, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mà còn hướng đến các mục tiêu dài hạn hơn, tái cơ cấu để đặt nền tảng cho giai đoạn phát triển hậu COVID-19.

Khi doanh nghiệp khổ sở đủ đường

Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa tiến hành khảo sát ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 2 đến cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả cho thấy tác động của dịch bệnh lần này đặc biệt lớn.

Theo Ban IV, có 20% doanh nghiệp được khảo sát đã phải dừng hoạt động, 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi, 2% đã giải thể và chỉ 2% tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt trong tình hình hiện nay và 6 tháng tới là sự thiếu hụt về khách hàng/đơn hàng/hợp đồng cho sản xuất. Trong khi việc đảm bảo trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn (chiếm 72%) cũng như trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi (chiếm 53%) là những gánh nặng lớn tiếp theo đè lên doanh nghiệp.

Về nhân sự, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này cũng khiến hơn 47% doanh nghiệp tham gia khảo sát phải cắt giảm lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp cắt giảm trên 50% lao động chiếm tới 1/3 số doanh nghiệp trả lời. Ngành du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, các doanh nghiệp siêu nhỏ/nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, bán vé thì phần lớn sa thải 100% lao động. Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế sa thải khoảng 80% còn con số của những doanh nghiệp du lịch lớn trung bình ở khoảng 40 – 50%.

Ban IV cho rằng, trước ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần hai, số lượng doanh nghiệp xin tạm dừng hoạt động kinh doanh trong các tháng tiếp theo của năm 2020 sẽ tăng mạnh. Nếu số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không tái cơ cấu được hoạt động sản xuất, kinh doanh và bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài, dự báo số lượng doanh nghiệp chờ giải thể có thể tăng cao tương ứng khoảng 40% vào các tháng cuối năm và đầu năm tới.

3051-hy-try-doanh-nghiyp
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Thất vọng từ hành động thực tế

Trước tình hình trên, hầu hết các doanh nghiệp và hiệp hội đều đề xuất với Chính phủ việc xây dựng, thực hiện các gói chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra để duy trì hoạt động tối thiểu trong vòng 6 – 12 tháng tới.

Bên cạnh đó, là đề xuất tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội dành cho người lao động và cắt giảm mạnh các quy trình, thủ tục hành chính và các điều kiện bất hợp lý, đẩy mạnh trực tuyến quá trình này để doanh nghiệp và người lao động tiếp cận chính sách thuận lợi hơn.

Ban IV cho biết, một vấn đề hết sức đáng lưu tâm là đã có sự suy giảm niềm tin của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội về hiệu quả của các chính sách đã ban hành cũng như hướng đề nghị các chính sách mới.

Doanh nghiệp cho biết còn khó tiếp cận các chính sách bởi nhiều điều kiện chưa hợp lý, mất nhiều thời gian chờ đợi. “Họ không còn hào hứng đưa ra giải pháp, kiến nghị cho Chính phủ và thậm chí đại diện một số hiệp hội còn bày tỏ sự thất vọng vì “kiến nghị nhiều lần mà gần như không có thay đổi”. Đây cũng là một phần hệ luỵ của việc nhiều doanh nghiệp đang chịu thiệt hại nặng bởi dịch. Đứng trước áp lực về dòng tiền, về sự bất định tương lai khiến góc nhìn của doanh nghiệp có xu hướng tiêu cực hơn”, Ban IV chỉ rõ.

Ban IV đề xuất chính sách Chính phủ trong gói hỗ trợ tới đây cần hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực cho doanh nghiệp. Quá trình làm chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp làm ưu tiên hàng đầu. Thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã kiệt quệ và đổ vỡ, Chính phủ nên hướng tới những chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra để cân đối, sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu nhằm duy trì lao động, sản xuất, kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp.

Giãn nợ theo Thông tư 01: Ngân hàng "nuôi con nợ" để thu hồi nợ

Đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN khiến các ngân hàng buộc phải đưa ra những giải pháp tình thế.

Quỹ Evli Emerging Frontier Fund tiếp tục rót tiền vào một doanh nghiệp ngành đá

Quỹ Evli Emerging Frontier Fund (Phần Lan) vừa thông báo mua thêm 500.000 cổ phiếu LSB của CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương ...

Nghị định “xoay” chóng mặt, ngân hàng không kịp trở tay

Khi chưa tính toán hết được mức độ thiệt hại liên quan đến vấn đề định đoạt room vốn ngoại của doanh nghiệp, Bộ Tài ...

Quốc Trung

Tin cũ hơn
Xem thêm