Doanh nghiệp và người lao động lo lắng với đề xuất tăng lương
Dù mới chỉ là dự thảo đề xuất tăng lương tối thiểu cho các vùng trung bình từ 180.000 – 250.000 đồng (tăng khoảng 7,3%) nhưng cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã phản ứng quyết liệt, còn người lao động thì lo lắng thu nhập sẽ giảm.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, cho biết cơ quan này đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2017 là: 3,75 triệu đồng/tháng thay vì mức 3,5 triệu đồng/tháng như hiện nay với vùng 1; 3,32 triệu đồng/tháng (vùng 2, hiện là 3,1 triệu đồng); 2,9 triệu đồng/tháng (vùng 3, hiện là 2,7 triệu đồng) và mức 2,58 triệu đồng/tháng (vùng 4, hiện là 2,4 triệu đồng). “Nếu không có gì thay đổi, trong tháng 9/2016 sẽ chính thức trình Chính phủ dự thảo nghị định này”, ông Huân nói.
Doanh nghiệp lo lắng
Dự thảo này đang khiến cho hầu hết các DN xuất khẩu căng thẳng, đặc biệt DN dệt may, da giày, thủy sản, điện tử sẽ bị tổn thương nhiều bởi những ngành này sử dụng nhiều lao động. Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) đã có kiến nghị lên Chính phủ về việc đề nghị không tăng lương tối thiểu năm 2017.
Lý giải cho kiến nghị này, đại diện Vasep cho rằng, mỗi DN dành một khoản chi phí cố định cho một công nhân bao gồm lương cơ bản cộng với lương năng suất trừ đi các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tại văn bản kiến nghị Vasep nêu khi lương tối thiểu tăng lên, các khoản phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội vì thế cũng tăng thêm, song chi phí DN dành cho công nhân không đổi nên lương năng suất của công nhân giảm xuống. Thu nhập thực tế của công nhân lúc này đã giảm đi vì mọi nguồn thu thì giảm mà khoản phải đóng lại phình to.
Vasep lập luận nếu như lương cứ tăng mà thu nhập thực tế lại giảm, không có lý gì Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam năm này qua năm khác đề xuất tăng lương tối thiểu vùng.
Cùng chung lo lắng này, Tập đoàn Dệt may VN cũng bàn về giải pháp, song các thành viên Hiệp hội này đều khẳng định DN không thể cắt giảm hơn được nữa chi phí, nếu có cắt giảm cũng không đáng bao nhiêu vì năm nào cũng cắt giảm đến mức tối đa các chi phí quản lý, hành chính rồi.
Thực tế, năm 2016 vẫn là một năm đầy khó khăn với cộng đồng DN, hầu hết các đơn hàng đều giảm, giá thành thì tăng, hàng lại không bán được. Bởi vậy các DN đều khẳng định, mức tăng 7,3% này vượt quá sức họ.
Trước đó, tại các phiên họp của hội đồng tiền lương quốc gia, VCCI cũng đã lên tiếng về vấn đề này và chỉ đề xuất tăng 4-5%. Thậm chí, ông Hoàng Quang Phòng –_Phó Chủ tịch VCCI còn cho rằng mức 4-5% này thì nhiều DN cũng phải bù lỗ rồi.
Tuy vậy, ông Phòng cũng cho hay, dù các hiệp hội này đề xuất không tăng lương, nhưng hội đồng tiền lương của VCCI có đến trên 20 nguyên đơn, trong khi đó, hội đồng tiền lương quốc gia đã quyết rồi thì VCCI, các DN sẽ phải cố gắng thực hiện.
Cộng đồng DN cho rằng, nếu những kiến nghị của họ không được chấp thuận, họ sẽ tìm đến giải pháp tiếp tục cắt giảm chi phí, phụ cấp cho người lao động, đầu tư công nghệ trang thiết bị để tăng năng suất lao động…
Người lao động lo lắng thu nhập sẽ giảm trước đề xuất tăng lương tối thiểu
Thu nhập người lao động giảm
Có một nghịch lý lâu nay ở mỗi kỳ tăng lương đó là lương tăng kéo theo chi phí về BHYT, BHXH cũng tăng theo, đặc biệt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng “té nước theo mưa” đội giá khiến thu nhập của người lao động giảm bởi những năm gần đây lương tối thiểu liên tục tăng, mỗi năm tăng 7-10%, trong khi năng suất lao động năm nay tăng rất thấp, chỉ 3-5%/năm thôi.
Chị Nguyễn Thu Trang, công nhân KCN Nam Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ, mỗi đợt tăng lương, DN thường tìm cách cắt giảm các khoản phụ cấp để bù trừ vào phần tăng lương. Vì thế lương của chúng tôi cũng không tăng.
Đại diện Hiệp hội Dệt may lý giải, hiện các DN thường trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng đã được qui định. Các khoản tăng thêm này được tính vào các loại phụ cấp. Khi lương tối thiểu vùng tăng. DN sẽ cắt giảm các khoản phụ cấp này. Nên về danh nghĩa thì lương tối thiểu vùng tăng nhưng thu nhập thực tế của người lao động không tăng.
Kết quả điều tra khảo sát và tính toán của Viện Công nhân – Công đoàn cho thấy, nhu cầu sống tối thiểu của người lao động trong 2 năm 2015-2016 luôn thấp hơn mức lương tối thiểu từ 15-24%. Trong khi đó, DN có xu hướng chia cắt tiền lương, trả lương cho người lao động xấp xỉ hoặc cao hơn chút ít so với mức lương tối thiểu. Bù vào đó là các khoản phụ cấp, trợ cấp khác như tiền chuyên cần, xăng xe, ăn trưa mà DN trả thêm cho người lao động.
Tuy nhiên, khi gặp khó khăn, DN sẵn sàng cắt giảm khoản phụ cấp ngoài lương để tiết kiệm chi phí sản xuất, khiến thu nhập của người lao động bị giảm sút. Do đó, cuộc sống của họ càng trở nên khó khăn và bấp bênh hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế, một điều cũng cần cân nhắc khi tính đến tăng lương tối thiểu là DN để vượt qua khó khăn họ sẵn sàng cắt giảm lao động. Trong lúc này, người lao động nếu mất việc thì khó khăn còn chồng chất hơn, bởi với họ thu nhập và việc làm có vai trò quan trọng như nhau.
Việc tăng lương cho người lao động chính là sự động viên khích lệ họ làm tốt hơn công việc của mình, gắn bó hơn nữa với DN. Thứ nữa là việc tăng lương cho người lao động chính là yếu tố kích cầu tiêu dùng trong xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu tốt đẹp này dường như lại đang khiến công nhân trong một số lĩnh vực tỏ ra hoảng sợ trước mỗi lần tăng lương.
Theo Đầu tư Chứng khoán