Doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng thắng lớn đầu 2025, lợi nhuận vượt kế hoạch, thị trường vật liệu tăng trưởng mạnh
10 doanh nghiệp Bộ Xây dựng lãi gần 2.300 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2025, VICEM thoát lỗ ngoạn mục, thị trường vật liệu xây dựng bật tăng tiêu thụ.
Ghi nhận kết quả khởi sắc, vượt kế hoạch hàng trăm tỷ
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ Xây dựng tổ chức ngày 7/7, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp cho biết, hoạt động của các doanh nghiệp thuộc Bộ ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.

Theo báo cáo, trong số 14 doanh nghiệp, đã có 10 doanh nghiệp báo cáo kết quả hoạt động đến hết tháng 6/2025, với tổng giá trị sản xuất kinh doanh ước đạt hơn 29.900 tỷ đồng, tăng gần 3,5% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu đạt khoảng 29.700 tỷ đồng, tăng gần 5%, trong khi lợi nhuận đạt 2.299 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra gần 112 tỷ đồng.
Tổng giá trị đầu tư trong nửa đầu năm đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong các doanh nghiệp, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) là một điểm sáng nổi bật. Trong 6 tháng đầu năm, VICEM sản xuất gần 8 triệu tấn clinker (tăng 6,5% so với cùng kỳ), tổng sản phẩm tiêu thụ vượt 12 triệu tấn (tăng hơn 5%).
Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) của VICEM đạt hơn 34 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ 810,6 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức tăng gần 845 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), dù đang trong quá trình tái cơ cấu theo chủ trương của Bộ Chính trị và chưa ghi nhận hiệu quả kinh doanh cụ thể, vẫn duy trì hoạt động ổn định. Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đạt doanh thu khoảng 2.500 tỷ đồng, đảm bảo việc làm và chế độ bảo hiểm cho khoảng 10.000 cán bộ, công nhân viên.
Vật liệu xây dựng phục hồi
Không chỉ khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường vật liệu xây dựng cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Ông Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng, cho biết sản lượng xi măng trong 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt gần 50 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker đạt khoảng 54 triệu tấn, tăng 14%.
Ở nhóm vật liệu hoàn thiện, sản lượng gạch ốp lát đạt khoảng 225 triệu m², trong đó sản lượng tiêu thụ ước đạt 220 triệu m².
Với mặt hàng sứ vệ sinh, sản lượng sản xuất đạt khoảng 6,5 triệu sản phẩm, tương đương 50% công suất thiết kế.
Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ đạt hơn 7 triệu sản phẩm, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ.
Đối với vật liệu xây không nung, dù gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào và giá cát tăng cao, sản lượng sản xuất và tiêu thụ vẫn đạt 2,5 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC), tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Vẫn đối mặt nhiều thách thức
Bên cạnh những kết quả tích cực, ngành xây dựng cũng đối mặt với không ít thách thức. Đáng chú ý là tình trạng giá một số loại vật liệu xây dựng như cát, sỏi, đá, gạch, vật liệu san lấp, đắp nền đường… tăng cao bất thường.
Diễn biến này gây áp lực lớn lên chi phí xây dựng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ của nhiều công trình, đặc biệt là các dự án trọng điểm và đầu tư công. Ngoài ra, tình trạng chậm trễ trong cấp phép khai thác, đầu cơ, găm hàng và thao túng giá cũng khiến thị trường vật liệu xây dựng bị méo mó, đe dọa đến hiệu quả triển khai các dự án hạ tầng và nhà ở.
Trước thực trạng đó, Bộ Xây dựng đã khẩn trương triển khai các giải pháp điều tiết thị trường. Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng đã phối hợp với Cục Quản lý chuyên ngành tham mưu Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về tăng cường các biện pháp quản lý và bình ổn giá vật liệu xây dựng.
Ngay sau đó, Bộ Xây dựng cũng ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện, nhằm đảm bảo tiến độ thi công các công trình trọng điểm quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng, xây dựng nhà ở, công trình dân sinh và các dự án bất động sản trên toàn quốc.